{keywords}
'Qua khỏi dốc là nhà' - Phan Thúy Hà

"Đã đọc sách của Phan Thúy Hà chưa? Một tác giả đang gây tiếng vang lớn trên văn đàn với các cuốn như: Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Gia đình và mới đây có thêm cuốn Qua khỏi dốc là nhà", một người bạn chuyên viết phê bình văn học hỏi. Tôi biết một Phan Thúy Hà giỏi văn quê ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhưng sách của Phan Thúy Hà ư? Viết về cái gì vậy? 

Từ câu hỏi ấy của người bạn đến lúc tôi gấp cuốn Qua khỏi dốc là nhà hơn 200 trang của Phan Thúy Hà chỉ trong hai ngày. Tôi đã đọc rất say mê và tưởng tượng, con dốc nhà tác giả là con dốc nhà tôi, qua khỏi dốc tuổi thơ chị chính là qua khỏi dốc tuổi thơ mình.

Từng mẩu chuyện nhỏ như từng tấm vé ngược tuổi thơ được Phan Thúy Hà viết bằng những cảm xúc li ti, li ti nhưng bao tâm hồn lớn lên từ đó. Tác giả kể những điều be bé thường bị bỏ qua vì xem như "chuyện vặt" của đất và người Lối Son nói riêng và Hương Khê nói chung...

Chuyện vặt nhưng là chuyện đời, chuyện người nên lại làm người đọc không khỏi rưng rưng. Bằng những chi tiết đời thường, tác giả lay nỗi nhớ, gọi tên từng thứ thân thuộc, làm cho ai từng sống qua đều tự hào vì những nhọc nhằn... rất Hương Khê.

Cuốn sách bắt đầu bằng câu chuyện một giáo viên trường tiểu học Phúc Đồng mà tác giả gọi là cô Hạ. Cô Hạ ra đề văn tả ngôi nhà của em, cha của tác giả Phan Thúy Hà viết hộ rồi bài văn được điểm cao. Cô Hạ đọc to bài văn cho cả lớp, cô phân tích bài văn của Hà hay bởi Hà đã yêu ngôi nhà của mình từ trong khó nhọc. Cô gặp ba mẹ của Phan Thúy Hà thường dừng xe giữa dốc để khen Hà có năng khiếu Văn. Bài văn năm xưa là một lời nói dối của con trẻ nhưng việc cô giáo thương từng câu chữ của trò dường như đã nuôi lớn và khắc ghi sâu đậm tình yêu ngôi nhà, tình yêu gia đình thực sự. Đó là mạch nguồn cho tên cuốn sách dài của tuổi thơ, ký ức, cuốn sách của một tác giả đang thành danh hiện giờ. Bài văn mở đầu dung dị: "Qua khỏi dốc là nhìn thấy ngôi nhà em".

Mọi thứ ở nơi "qua khỏi dốc" dường như chưa bao giờ qua hết ấy là cả một ngôi nhà tinh thần mà có lẽ không một đứa trẻ nào không có, chỉ là người ta có bỏ quên, có gọi tên hay không mà thôi.

Qua ngôi nhà của tác giả Phan Thúy Hà, chúng ta hiểu rõ: nhà - không phải là không gian êm đềm, ấp áp "Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng", mà còn là ba công tác xa, mẹ còm cõi chiu chắt nuôi con, con sớm biết lấy tiền mua một tạ gạo trong cơn sốt giá khi mẹ phải chăm ba ở bệnh viện tỉnh. Hàng xóm không chỉ có những nhà nông hiền lành, còn có cả những anh say rượu đốt nhà, đánh vợ đến nỗi vợ phải bỏ đi.

Từ đó, ta thấy tác giả có khi như một người phụ nữ rôm rả khi thì thầm tâm sự ngồi lê kể chuyện quanh xóm với những người thân. Từng chân dung về những người hàng xóm, từng con chó mực, con lợn nái, con bò, cái lá tàu bay, một bức hình cha bóp bụng cho con kỷ niệm... những mong đợi của trẻ thơ, những xót thương dường... chị khắc họa chỉ bởi một niềm thương nhớ.

Tất cả được kể như thể không phải là Thúy Hà sinh năm 1979 đã U40 đang kể mà như Thúy Hà mới mươi mười lăm tuổi với ánh nhìn trong trẻo, hồn nhiên, sợ hãi, mơ hồ.

Tôi nghĩ tác giả đã chép ảnh cuộc sống bằng trí nhớ nhưng chính xác như viết cuốn nhật ký vậy. Những câu chuyện: mẹ sinh em bé, thích con bò nên trốn nhà chăn bò theo chị giữa trưa để về bị mẹ đánh roi, đánh con mực chết vì nghi bị dại, con heo nái bị ô tô tông, những gánh nước lên dốc xuống dốc, những cử chỉ chằm nón của mẹ, những đêm mót lúa mót khoai liều lĩnh và thấm đầy khó nhọc, những hạnh phúc đợi chiếc đài, xem phim, đoàn văn công về... kể tài tình... chuyện nối chuyện.... đời nối đời... dài dằng dặc nỗi nhớ.

Qua khỏi dốc là nhà, nhà không chỉ là nơi che mưa nắng. Nhà đó là linh hồn, là nơi san sẻ, là bà con lối xóm tối lửa tắt đèn, là láng giềng, là tình bạn đẹp đẽ như việc giấu mẹ mua một bức ảnh của Hà treo trong nhà mà sau này Hà về nhìn lại cũng thấy ngượng ngùng.

Ta thấy những giọt mồ hôi đã rơi khi con người lên dốc xuống dốc của phận người, những trăn trở của họ hay của chính Hà khi ông Chắt bị dân làng "chôn sống" với tin đồn ông nuôi con ma thuốc độc, khi những cái cây đa bị chặt, khi dốc Lối Son bị san lấp, khi những khu vườn bỏ hoang mà người dân sống túng thiếu, đến rau cũng nhập từ đẩu từ đâu.

Đọc rồi, ta tự hào mỗi lúc chị Phan Thúy Hà reo lên: Hương Khê! Hương Khê! Về nơi đã ấp iu tuổi thơ dịu ngọt trong mồ hôi và nước mắt như lúc mẹ của tác giả mới ra trường hỏi muốn về đâu công tác. Lại không ít khi phải xa xót cho phận đời phận người với những từ có lẽ quá quen thuộc nhưng thực sự nếu không đọc thì tôi không hiểu hết như: Đi lấy mật ong rừng ở Lào, đi Nam, xuôi chè...

Rồi cũng có khi cảm thấy thật đồng tình cả những thất vọng trẻ thơ của chị. Thi học sinh giỏi huyện thì tả cây bút chì, thi năng khiếu tỉnh thì bị bêu rếu trên tạp chí Hồng Lĩnh vì thí sinh khi phân tích thơ theo cảm quan độc lập.

Không biết có ai giống tôi không, khi cảm thấy tiếc nhớ. Tiếc nhớ không chỉ là tuổi thơ một đi không trở lại mà còn tiếc nhớ cái không gian sống có cả văn hóa làng đã bị bào mòn đến hững hụt. Từng trang viết của Phan Thúy Hà chính là từng góc quê một thời. Người ta bây giờ bữa ăn thừa đổ không tiếc có nhớ mùi chiếc kem đầu tiên, gói mì tôm đầu tiên chỉ dành cho khách đến thăm nhà không...?

Tôi thật sự ngưỡng mộ tác giả Phan Thúy Hà. Không phải vì chị đã viết rất xuất sắc về cuộc cải cách ruộng đất như trong cuốn Gia đình, không phải là di họa của hậu chiến tranh như Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi. Chính trong tập truyện Qua khỏi dốc là nhà với đề tài là chuyện hàng ngày của người con gái nông thôn thì tôi đã bị thôi miên bởi lối văn viết như không viết gì. Trái tim tôi không ít lần thổn thức khóc, cười bởi gặp được khoảng trời tuổi thơ tôi. Có lẽ Phan Thúy Hà chỉ trước tôi một thế hệ còn tôi là gạch nối ở giữa đó, tôi biết mơ hồ về những khoảng không chật vật, những lay lắt, những đau đớn, những buồn tủi khi được tác giả tả lại cho rành mạch trong Qua khỏi dốc là nhà... lại thấy yêu thêm những con dốc về nhà, về quê, về tuổi thơ.

Bảo Hòa

Cuốn sách giúp kiến tạo tương lai của chính bạn

Cuốn sách giúp kiến tạo tương lai của chính bạn

"Tích cực, lạc quan, hấp dẫn, dễ đọc và dễ áp dụng vào thực tiễn, các kỹ năng được nêu trong cuốn sách này có thể thay đổi cuộc sống và giúp bạn đạt tới mức hiệu quả mà bạn mong muốn", tạp chí San Francisco Book Review nhận xét.