VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều về tập thơ Bóng đời.

"Gấp những trang bản thảo tập thơ của tác giả Nguyễn Đăng Tấn lại, tôi nhận ra từng đợt sóng lúc thì thầm bền bỉ, lúc dội vang mạnh mẽ trong tôi. Những đợt sóng ấy là cảm xúc lớn về tổ quốc, là những suy tưởng sâu sắc về con người và dân tộc.

Được quen biết tác giả Nguyễn Đăng Tấn đã lâu và được làm việc một thời gian với ông ở báo VietNamNet, tôi mang trong tôi hình ảnh về một nhà báo đầy bản lĩnh và sâu sắc. Nhưng đến khi mở những trang thơ của ông ra, tôi thấy một tầng khác của tâm hồn ông. Một tâm hồn của những yêu thương da diết, của những dày vò khôn nguôi về cuộc đời, của những đau đớn về sự phản bội, của những kiêu hãnh đẹp đẽ về lịch sử dân tộc…

{keywords}
Tác giả Nguyễn Đăng Tấn, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, nhà thơ, nhà văn Lê Viết Hòa, nhạc sĩ Lê Minh và MC Kim Yến

Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển đảo của Tổ quốc là một trong những đề tài lớn nhất trong tập thơ này. Tôi đã đọc, đã nghe không ít những sáng tác về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi những câu thơ của ông vang lên, lòng tôi lại ngập tràn cảm xúc tươi mới, lại thao thức và thương nhớ lạ lùng những vùng đảo mù xa mà tôi chưa một lần đặt chân tới như thương nhớ chính ngôi nhà mình, thương nhớ chính cái làng của mình nơi mình sinh ra và lớn lên với bao buồn vui.

Mỗi lần tôi hòa mình vào biển
Lại thấy lòng mặn chát hơn.

Hai câu thơ thật bình dị nhưng lại như một ‘’bản tuyên ngôn’’ chân thành và kiêu hãnh về tình yêu của tác giả đối với biển đảo Tổ quốc mình. Hai câu thơ ngắn ấy lại chứa đựng một hành trình dài lâu và bền bỉ trong tình yêu của một con người với Tổ quốc mình, hành trình đó là hành trình của sự kết tinh của hạt muối cũng là hành trình của sự kết tinh tình yêu với xứ sở. Chỉ khi toàn bộ thân xác và tâm hồn ta hòa nghịp cùng đất đai, biển cả, sông hồ của xứ sở thì lúc đó tình yêu của ta dành cho Tổ quốc mới thực sự trọn vẹn.

Muối là một biểu tượng mà tác giả Nguyễn Đăng Tấn đã dùng để nói về biển đảo Tổ quốc. Biểu tượng ấy là sự nén chặt những cảm xúc mãnh liệt và chứa đựng sự vô tận của ý nghĩa. Khi nói về các chiến sỹ canh giữ biển đảo của Tổ quốc, tác giả Nguyễn Đăng Tấn viết:’’Các anh là muối của biển’’. Câu thơ mạnh như một nhát chém thề, đẹp như ánh sáng của những hạt muối và sâu sắc như một dòng khắc chìm vào đá. Một trong những đặc tính quan trọng nhất của thơ là sự gợi mở. Câu thơ đó chứa một sự gợi mở lớn lao.

Biển xanh kia mây bạc trắng mái đầu
Hoàng Sa, Trường Sa, ngực trần nơi dông bão
Nơi niềm tin đã một lần đánh tráo
Nơi bạn bè thành kẻ cướp giơ nanh.

Khi đọc khổ thơ trích ở trên, lòng tôi như dao cắt. Tôi mang cảm giác giữa biển xanh đang bình yên bỗng dội lên một con sóng bạc đầu khổng lồ. Con sóng đó là một tiếng kêu. Tiếng kêu của lương tâm một nhà thơ trước sự phản bội nhưng đó cũng chính là tiếng kêu của lịch sử. Sự kiên nhẫn là muối còn sự nổi giận là sóng. Bốn câu thơ đó là sóng.

{keywords}
Tác giả và nhà thơ Bùi Sỹ Hoa 

Sự thay đổi hay biến hóa nghịp điệu trong một kết cấu thơ là vô cùng quan trọng. Một bài thơ cần có những thay đổi nghịp điệu của nó và một tập thơ lại càng cần điều đó. Tôi thực sự ấn tượng với nghịp điệu của toàn tập thơ. Có lẽ vì tác giả Nguyễn Đăng Tấn sáng tác ca khúc nên bên trong tâm hồn ông đã chứa sẵn những gia điệu. Hãy nghe tác giả viết về những người lính canh giữ biến đảo Tổ quốc:

Thả một lá bàng xuống biển mênh mang
Ngày mai sẽ trôi về đất mẹ
Đây lá thư tình người lính trẻ
Gửi đất liền vạt nắng quê xa.

Một hình ảnh thơ mộng không gì thơ mộng hơn ‘’Thả một lá bàng xuống biển mênh mang’’. Sự thơ mộng ấy chính là vẻ đẹp bí ẩn trong tâm hồn con người. Tình yêu đất liền của những người lính đảo như được đôi mắt của nhà thơ xuyên thấu nên ông đã viết những câu thơ thật xúc động về họ. Chính những tâm hồn yêu thương thơ mộng như thế mới sinh ra sức mạnh kỳ vĩ. Lòng tham và sự vô cảm sẽ không bao giờ sinh ra sức mạnh của ánh sáng.

Cho đến lúc này, tôi vẫn phải nói thêm một lần nữa rằng: tôi thực sự bất ngờ về tác giả Nguyễn Đăng Tấn. Bất ngờ về những gì cất giữ trong tâm hồn ông và chỉ đợi một ngày mở ra nhưng sự mở cánh của bông hoa. Đó là tình yêu con người, làng quê mình, yêu Tổ quốc da diết và kiêu hãnh, đó là lòng quả cảm, trung thực:

Đau thương muôn đời dân tộc
Nguyên khí dùng để làm sang
Bởi những nịnh thần phe cánh
Bởi những bà chúa ông hoàng

Nguyên khí như đồ trang sức
Nguyên khí như đá lát đường
Nguyên khí để giành chức tước
Mặc đời khốn khổ bi thương

Trái tim ông trĩu nặng và đau đớn trước giá trị kỳ vĩ của tổ tiên dựng lên giờ đang bị lãng quên, đang bị lợi dụng và chà đạp. Lúc này, hình ảnh tác giả Nguyễn Đăng Tấn hiện lên trong tôi là hình ảnh một con người ngồi trong im lặng đâu đó với trái tim đau đớn về những điều tồi tệ đang diễn ra trên xứ sở ông. Khi người ta rời bỏ những giá trị của trí tuệ và nhân cách của mỗi cá nhân con người mà tôi coi đó là hai điều cơ bản nhất của NGUYÊN KHÍ thì cũng là lúc dân tộc phải đương đầu với những giá trị giả. Những câu thơ dưới đây mà tôi trích dẫn đã chạm đến cái cốt lõi của văn hóa và minh triết Việt:

Chú Hổ gác lăng nhỏ bé gầy còm
Những chiến binh như trò chơi con trẻ
Đất nước vàng son chỉ giữ lại những gì nhỏ bé
Nhưng sức sống diệu kỳ hơn lăng tẩm uy nghi.

Văn hóa Việt là vậy, minh triết Việt là vậy. Tất cả là sự giản dị đến tinh khiết như muối nhưng lại chứa đựng sự lớn lao của đại dương. Theo nghiên cứu của nhiều nhà văn hóa, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng lên chân dung dân tộc mình bằng những điều ‘’nhỏ bé’’, ‘’giản dị’’ nhưng lại chứa đựng một sức sống phi thường. Dân tộc Việt Nam đã từng phải làm nô lệ cho ngoại bang có lúc kéo dài cả một thế kỷ như sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Nhưng không ngoại bang nào đồng hóa được dân tộc này bởi họ không bao giờ đồng hóa được những vẻ đẹp thẳm sâu của văn hóa Việt và minh triết Việt.

{keywords}
Nhạc sĩ Lê Minh và nhà thơ Lê Viết Hòa 

Những câu thơ lúc bát của tác giả Nguyễn Đăng Tấn như những con đường kỳ diệu dẫn ta trở về với những gì làm nên dân tộc này:

Cơn mưa trắng cả miền đau
Còn đâu mái ngói đậm màu xa xưa
Đâu rồi tiếng ếch gọi mùa
Bóng con cà cuống đồng trưa trốn tìm

Tất cả những câu thơ của Nguyễn Đăng Tấn chẳng bao giờ diêm dúa, cầu kỳ. Tất cả bình dị như mái ngói, cánh đồng, tiếng ếch, mái tranh, giàn mướp, hương cau…

Lời ru có gió mùa Thu
Mái tranh, giàn mướp, trăng lu, kiếp người
Ầu ơ...tiếng Mẹ à ơi
Để con đi trọn kiếp đời vẫn mơ.

Có phải tôi là kẻ hoài cổ không? Có phải tôi là kẻ tiếc thương cái cũ không? Có phải tôi là kẻ lạc hậu không? Không. Chắc chắn là vậy. Tôi là kẻ từ trẻ đã được học, được sống và được đi tới những nền văn hóa khác nhau trên Thế giới, là kẻ có thể nói tiếp cận khá sớm những giá trị văn minh và dân chủ của châu Âu và phương Tây, nhưng những gì đã hiện lên, đã vang lên trong thơ Nguyễn Đăng Tấn về xứ sở này vẫn làm tôi xúc động khôn nguôi và nhiều suy ngẫm. Bởi những điều đó đã làm nên dân tộc tôi, đã làm nên cá nhân tôi. Nếu bất cứ ai hay bất cứ quyền lực nào rời xa những giá trị bình dị ấy hoặc thậm chí chà đạp nên những giá trị vĩnh hằng đó của dân tộc, kẻ đó chắc chắn sẽ lạc đường và trở thành kẻ phản bội dân tộc mình.

Và lúc này đây, những đợt sóng của cảm xúc và suy tưởng từ những bài thơ của tác giả Nguyễn Đăng Tấn đang dội trong lòng tôi. Và tôi nhìn thấy con đường của những vẻ đẹp dân tộc này từ một làng quê nghèo tới những vùng biển đảo của tổ quốc. Không một thế lực nào có quyền và có thể xóa đi những vẻ đẹp đời đời của dân tộc này".

Nguyễn Quang Thiều