- Cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác méo mó cũng được” của Lê Bùi Thảo Nguyên gây ám ảnh với người đọc bởi những câu chuyện tại bệnh viện được kể lại qua góc nhìn của một kỹ thuật viên gây mê.

Theo chân cô cử nhân gây mê từ lúc còn là một sinh viên thực tập đến khi là nhân viên chính thức trong bệnh viện, người đọc được “ghé thăm” phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật, phòng sinh. Không có những tình tiết gay cấn, các câu chuyện được Thảo Nguyên kể bằng giọng văn nhẹ nhàng, súc tích nhưng không kém phần trần trụi.

“Chúng tôi tránh không nhìn vào mắt nhau, hiểu rằng ai cũng đang kìm nén để không bật khóc, không gào thét. Tại sao? Tại sao 6 tiếng đồng hồ đổ sông đổ bể? Tại sao đến lúc quyết định buông xuôi tôi vẫn không chịu được khi nhìn thấy số 0 và đường thẳng chạy dài lạnh lùng trên màn hình theo dõi?

Khi người nhà vây quanh, nắm tay bóp chân, động viên người bệnh, tôi đã hy vọng phép màu sẽ xảy ra, những nhịp tim đều đặn lại xuất hiện trên màn hình và ngón tay trỏ bất chợt nhấc lên. Nhưng, cuộc đời không phải một tập phim truyền hình, nó tàn nhẫn hơn rất nhiều lần!

Và điều đáng sợ nhất là sau khi chiếc xe đưa người phụ nữ ấy về an nghỉ nơi cố hương lăn bánh, tôi lại phải quay trở lại công việc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Tôi phải làm sao để sống an lành suốt những tháng năm còn lại, với những ánh mắt van nài và tiếng khóc thê lương?”, Thảo Nguyên viết. 

{keywords}
 

“Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” một lần nữa cho thấy môi trường làm việc ở bệnh viện vốn không dành cho những người yếu tim. Bạn sẽ phải mạnh mẽ, có cái đầu lạnh hơn nhiều người và phải học cách quên thật nhanh khi ở bệnh viện bởi sự sống – cái chết luôn song hành cùng nhau.

Vẫn biết môi trường bệnh viện khắc nghiệt và phải luôn tập cho mình có một cái đầu lạnh nhưng cô cử nhân gây mê ấy, sau thời gian làm việc tại một trong những bệnh viện phụ sản hàng đầu tại miền Nam đã quyết định xin nghỉ việc bởi “mọi thứ dường như quá sức chịu đựng”.

“Đối với tôi, lạnh, đói, đau, hay mệt mỏi luôn là những cảm giác… dễ chịu, vì có thể dễ dàng gọi tên, cũng dễ dàng giải quyết. Còn những cảm xúc khác, tôi không tài nào kiểm soát được, ngay cả những khi bất chợt tâm trạng trượt xuống chạm sàn, cũng chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “không ổn”, không cách nào diễn tả được. Vì sao không ổn? Không ổn như thế nào? Và, làm sao để ổn?”, Thảo Nguyên viết.

Những ca trực với tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông báo cấp cứu, tiếng tít tít của máy theo dõi, tiếng khóc, tiếng chửi rủa hay tiếng hát vang vọng giữa đêm đều gợi lên sự ám ảnh, thương xót với cô. Thậm chí, có nhiều lúc, cô gái ấy còn không kịp phân định mình đang ở nhà hay ở viện mà cứ thế lao đi theo phản xạ khi nghe thấy tiếng chuông, để rồi khi định hình được không gian đang đứng mới nhận ra mình chỉ vừa kết thúc ca trực đêm.

Thảo Nguyên quyết định từ bỏ nghề, cô xách balo băng qua những cung đường một mình. Cô như trở thành một con người khác, kiên cường, cá tính và nổi loạn. Cô phát hiện ra rằng đi, trải nghiệm và viết mới chính là cuộc sống mà cô mong đợi.

“Cái khuôn mọi người đặt ra cho tôi, xem ra ngày càng không vừa vặn nữa. Có lẽ, tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác cho riêng mình”, Thảo Nguyên nhấn mạnh.

Nói về đề tài, “Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” của tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên không có gì quá mới mẻ và đột phá. Vẫn là câu chuyện của những người trẻ loay hoay tìm kiếm bản thể, tìm kiếm niềm đam mê của chính mình. Những điều này có thể tìm kiếm trong nhiều cuốn sách của người trẻ hiện nay.

Thế nhưng khi bắt đầu những trang đầu tiên, độc giả khó mà có thể dừng lại được bởi vẫn đề tài ấy, dưới trải nghiệm của một cô cử nhân ngành Y câu chuyện lại có sức lôi cuốn kỳ lạ.

Điều đặc biệt của cuốn sách chính là tác giả đã duy trì 2 mạch truyện trong 2 không gian với 2 con người khác nhau, tuy cùng một bản thể. Bên cạnh một Thảo Nguyên hiền lành, ít nói ở bệnh viện là một Thảo Nguyên dữ dội với những chuyến du lịch một mình.

6 chương sách với 51 mẩu chuyện dường như không chỉ là trải nghiệm của cá nhân Thảo Nguyên mà đâu đó trên hành trình của cô gái trẻ, độc giả chắc chắn sẽ nhìn thấy chính mình bởi nếu đã từng đi qua tuổi trẻ, ai trong chúng ta cũng từng mơ ước, được sống giấc mơ của đời mình, cho riêng mình...

Tình Lê

Một góc Hà Nội những năm 1990 trong 'Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ'

Một góc Hà Nội những năm 1990 trong 'Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ'

"Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ" gợi sự tò mò để độc giả ghé mắt, đưa chân vào câu chuyện có thể lạ kỳ, hơi chút phiêu bồng như cái tên của người viết - Mây.

Hai lần đò, Phạm Phương Thảo ngậm ngùi: Hay gì cái 'lắm bến' mà khoe

Hai lần đò, Phạm Phương Thảo ngậm ngùi: Hay gì cái 'lắm bến' mà khoe

Đẹp, hát hay, ca sĩ Phạm Phương Thảo hết sáng tác nhạc giờ chuyển qua làm thơ... Thảo bảo thơ đưa cô rong chơi trong chính cái long đong của đời đàn bà truân chuyên rồi tự khai minh cho chính mình.

Kỳ tích U23 Việt Nam và phong cách cầm quân của ngài Park Hang Seo

Kỳ tích U23 Việt Nam và phong cách cầm quân của ngài Park Hang Seo

"Phong cách quản trị Park Hang Seo" chia sẻ tư duy chiến lược của ông Park cùng cách vận hành doanh nghiệp của người Hàn.