Đọc sách giống như hẹn hò cùng một người tri kỷ

Điều gì đã mang Anh Khang đến với thế giới của sách?

- Mẹ tôi là một người phụ nữ yêu thơ văn và đọc rất nhiều sách. Chính mẹ đã truyền cho tôi tình yêu với những trang sách ngay từ khi còn nhỏ. Bắt đầu khi tôi vào lớp 1 vừa biết tập đọc mẹ đã mua truyện tranh Doraemon để tôi tập quen dần với thói quen đọc mỗi ngày.

Sau đó lên lớp 2-3-4, mẹ mua những cuốn truyện chữ mỏng nhẹ để tôi không bị ngợp và ngán. Mẹ cũng sẽ kể cho tôi nghe tóm tắt nội dung từng cuốn như một dạng “chiếu trailer” để tôi tự hứng thú mà tìm tòi đọc những cuốn sách dày hơn như Tâm hồn cao thượng của Admondo de Amicis hay Không gia đình của Hector Malot.

{keywords}
Anh Khang tiếp xúc với trang sách đầu tiên khi tròn 8 tuổi.

Những quyển sách đã ảnh hưởng thế nào đến tư duy của anh?

- Hai cuốn sách đầu tiên tôi tiếp xúc đều là các tác phẩm kinh điển (một của Ý, một của Pháp) cho nên ngay từ bé tôi đã say mê châu Âu, từ tính cách lãng mạn của con người đến phong cảnh thơ mộng như tranh, cũng như các kiến trúc đậm nét văn hóa Phục hưng.

Đó cũng là lý do sau này, năm nào tôi cũng dành một vài tuần sang đó để tìm cảm hứng văn chương, cũng như khơi gợi lại niềm đam mê đọc sách, tìm tòi mọi thứ về châu lục được mệnh danh là “Cái nôi của văn hóa và lãng mạn” này.

Anh thường đọc sách vào thời điểm nào và thể loại sách mà anh hay đọc?

- Tôi không có một thời gian biểu cụ thể. Vì đối với tôi, đọc sách cũng giống như đi hẹn hò cùng một người tri kỷ. Mà đã là hẹn hò thì thích là đi, không cần biết là lúc nào, hay ở đâu… chỉ cần “có nhau” là đủ. Hơn nữa, tôi chủ yếu đọc các tác phẩm kinh điển, chắc bởi “gu” của tôi luôn “trôi về phía cũ” như tên cuốn sách đầu tay của chính mình.

Trong số những quyển sách đã đọc, đâu là quyển sách mà anh yêu thích nhất và lý do yêu thích nó là gì?

- Quyển sách gối đầu giường của tôi cho đến tận giờ vẫn là danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đối với tôi, đây chính là cuốn “Đại từ điển” về cách sử dụng ngôn từ cũng như là bức tranh hoàn chỉnh về thế giới tâm tình của mọi cung bậc thăng trầm trong đời sống. Bất kỳ khi nào bế tắc về cách dùng từ hay cách ứng xử trong xã hội, tôi đều đọc lại Truyện Kiều để tìm những câu trả lời tinh anh của cụ Nguyễn dành sẵn từ xưa.

Một quyển sách anh đọc gần đây?

- Dạo gần đây tôi có cơ duyên gặp gỡ nhà báo – nhạc sĩ Hà Quang Minh và được anh ưu ái dành tặng cuốn tản văn mà anh đã ra mắt vào năm 2015 mang tên là Thư gửi chính mình. Thông qua các bức thư chiêm nghiệm về cuộc đời, trải dài từ Việt Nam sang châu Âu giữa hai người “tri kỷ”, cuốn sách này đã khai sáng cho tôi cách nhìn thấu triệt hơn về đời sống và các mối nhân duyên.

Trong giới văn học, có tác giả nào khiến anh ngưỡng mộ?

- Như tôi đã trả lời ở trước, cụ Nguyễn Du luôn là thần tượng lớn nhất cuộc đời tôi và là một tấm gương để một cựu học sinh chuyên Văn “trót dính vào duyên bút mực” như tôi có thể ngưỡng vọng nhìn theo mà học hỏi cả đời.

Cho nên năm nay nhân dịp 200 năm kỷ niệm ngày mất của đại thi hào, tôi muốn gửi lòng biết ơn và trân trọng tới cụ cùng tác phẩm “Truyện Kiều” bằng một tâm ý hết sức nhỏ thôi. Đó là trong cuộc thi Én Vàng nghệ sĩ 2020 mà tôi đang tham gia. Ở mỗi vòng thi, cho dù là với bất kỳ đề bài nào, tôi cũng sẽ cố gắng lồng ghép vào đó một câu thơ Kiều để tiếng nói thấu suốt nghìn đời của cụ Nguyễn vẫn luôn vang vọng dù ở bất kỳ thời đại nào, trên bất kỳ phương tiện truyền thông nghe nhìn nào.

Việc theo nghề viết có khiến anh khắt khe trong việc chọn sách? Anh thường lựa chọn sách thông qua những tiêu chí nào?

- Tôi không hề khắt khe trong việc chọn sách vì với tôi, mỗi một cuốn sách đều là một mối duyên đẹp đẽ như việc mình được gặp một người bạn mới và nghe về thế giới quan của họ. Có thể đó là một thế giới mình không thích, không ấn tượng hoặc không thiết tha muốn đến sau khi nghe kể, nhưng suy cho cùng, ở đời này chúng ta làm gì có quyền phán xét thế giới của người khác là tốt hay xấu, dở hay giỏi…

Quan trọng cũng chỉ là có phù hợp với nhân sinh quan và tâm tình của bản thân hay không. Đến cuối cùng, chuyện gì ở đời này đều dựa vào một chữ “hợp” hay không, dù là chuyện đọc sách hay chuyện yêu một người. Đến tận giờ, tôi vẫn thích đọc truyện tranh và mua đều đặn cả chục quyển mỗi lần đi nhà sách.

Trong Harry Potter, nhân vật Hermione từng nói “Sách có thể cứu rỗi cả cuộc sống của bạn”. Từng có lần nào sách giúp anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống chưa? 

- Câu trả lời xác đáng nhất chắc chính là các cuốn sách tôi viết. Bởi những tác phẩm này chính là “những đứa con tinh thần” được ra đời trong những ngày trẻ chông chênh và thấy mình lạc lõng nhất.

Chính việc viết ra những tâm sự bế tắc này và ký thác vào trang sách đã giúp tôi nhẹ nhõm và nhìn nhận mọi việc tích cực hơn, đa chiều hơn. Thế nên nói một cách hình tượng, tôi viết sách để giãi bày tâm tư tình cảm, nhưng ngược lại, chính những cuốn sách đó đã cứu rỗi tôi khỏi những nỗi buồn hoang hoải mà bất kỳ tuổi trẻ nào cũng vấp phải đôi khi.

Giữa đọc sách và viết sách có sự liên kết nào hay không?

- Tôi nghĩ đọc là khai sáng, là giải trí, là thương cảm hay bất bình, là tán đồng hoặc lên án. Còn viết sách là quên tất cả những gì mình đã đọc, và sống đúng với tâm thế lẫn tâm tình sâu kín nhất của riêng bản thân để viết ra những gì mà những cuốn sách mình đọc chưa thể nói thay lòng được.

Con chữ hay gắn với nỗi buồn, vậy thực tế anh có phải là người hay buồn?

- Cũng may là tôi còn có câu chữ để ủi an, nên mỗi lần buồn tôi đều có thể trút ra hết trang giấy, để sau đó nhẹ lòng mà thảnh thơi sống an vui ở ngoài đời thật của mình. Ngoài đọc sách, viết sách tôi còn thích nghe người yêu của mình kể về cuốn sách mà họ vừa đọc xong.

{keywords}
Anh Khang vẫn thích đọc truyện tranh và mua cả chục quyển mỗi lần đi nhà sách.

Giữ một nhiệt huyết son trẻ và tấm lòng tinh khôi như giấy mới

Đã bước qua ngoài tuổi 30, đi qua nhiều va vấp của cuộc đời, hiện tại châm ngôn sống của Anh Khang là gì?

- Cứ thấy cái gì mình thích và phù hợp với mình, tất cả những thứ liên quan tới điều mình thích đó, đều sẽ trở thành châm ngôn!

Còn về tình yêu, anh quan niệm thế nào?

- Trong Truyện Kiều có một câu rất hay: “Tu là cội phúc, tình là dây oan”. Tình yêu, suy cho cùng, cũng là một món nợ tình cảm mà chúng ta vay – trả theo vòng xoay vần của con tạo. Cho nên việc giữ tình yêu lâu dài, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, phải đến từ sự cố gắng của cả hai người trong cuộc, và cả sự an bài của duyên phận nữa. Tôi là một người luôn tin vào chữ “duyên”, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng tin vào “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

{keywords}
Anh Khang mơ ước được sống như “hoàng tử bé” của Antonie Saint Éxupery.

Được mọi người biết đến là nhà văn triệu bản, đây có được xem là lợi thế của anh trong cuộc thi Én vàng nghệ sĩ 2020? Nhiều năm viết lách và đọc sách đã góp phần thế nào vào vốn ngôn ngữ của anh?

- Các nghệ sĩ trong các lĩnh vực giải trí có nhiều lợi thế hơn tôi. Các bạn ấy có ngôn ngữ hình thể, có tiếng nói sân khấu, có diễn xuất bài bản và cả những tiết mục mang đậm tính giải trí.

Tôi không thuộc về bất kỳ lĩnh vực giải trí chuyên biệt nào trên sân khấu, cũng không có nhiều tài năng như các bạn đồng hành. Do đó, tôi sẽ cố gắng dùng khả năng lắng nghe, thấu cảm của mình để có thể chia sẻ với những ai đang cần khích lệ.

Nếu như không thể mang đến những yếu tố giải trí trong mỗi tiết mục, tôi xin được giải khuây và giải sầu cho mọi người bằng những lời vỗ về, xoa dịu hết sức chân thành. Để cho dù không chạm được tới danh hiệu cao nhất là Én vàng – thì tôi cũng sẽ ghi dấu như một cánh Én ấm áp trong lòng những khán giả đồng điệu.

Dự định trong tương lai gần của anh là gì?

- Năm nay, tôi làm được hai chuyện nho nhỏ, đều nằm ngoài "vùng an toàn" của bản thân. Một là viết xong cuốn "Thả thính chân kinh" khác hẳn kiểu văn phong trầm mặc trước giờ. Hai là... đi thi - mà lại còn là thi nói. Bây giờ là lúc tôi xem thử sự đón nhận của mọi người dành cho mình ở vai trò mới, tâm thế mới, và giọng văn mới như thế nào.

Khoảng một năm rưỡi nữa sẽ là kỷ niệm 10 năm Anh Khang ra mắt tác phẩm đầu tiên. Cột mốc này có lẽ sẽ không là gì cả so với các bậc tiền bối trong làng văn, nhưng sẽ là cả một hành trình tuổi trẻ gắn bó với trang sách và những tâm sự buồn vui lận đận trên con đường đi tìm tiếng nói tri âm. Tôi muốn dành trọn tâm huyết cho dự án 10 năm của mình, bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay hoặc một kịch bản phim điện ảnh. 

Trần Mặc

Các nhà xuất bản nói gì khi phát triển hội sách online?

Các nhà xuất bản nói gì khi phát triển hội sách online?

Hội sách online sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc trong thời đại 4.0, tạo sân chơi riêng cho các nhà xuất bản... là những ý kiến từ những đơn vị phát hành trong cả nước.