Tình cảm cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến, cho đi và không chờ đáp lại. Khi trưởng thành, trước những áp lực của cuộc sống đôi khi khiến ta thấy mệt mỏi cần một nơi bình yên để tìm về thì, nhà - nơi đó có mẹ luôn mở rộng vòng tay  che chở cho ta khỏi những buồn phiền của cuộc sống, để chúng ta lại được sống như những đứa trẻ dưới sự bao bọc của mẹ.  

“Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” là một trong những cuốn sách hay nhất viết về tình mẫu tử của nhà văn "xứ sở kim chi" - Cheon Myeong Kwan. 

Nội dung của tiểu thuyết kể về cuộc sống của nhân vật In Mo, một người đàn ông gần 50 tuổi đang khủng hoảng vì sự nghiệp lụi bại, vợ bỏ theo người  khác, sống trong một căn hộ đổ nát và không thể trả tiền thuê nhà. Vào thời điểm tuyệt vọng nhất, anh nhận được cuộc điện thoại từ mẹ muốn gọi anh về nhà ăn cháo gà - một món ăn đã gắn bó với anh suốt nhiều năm tháng tuổi thơ. In Mo về nhà và quyết định ở lại sống cùng với mẹ sau khi thưởng thức món ăn "kỷ niệm". 

Nhưng không chỉ có In Mo "ăn bám" mẹ, trong căn nhà nhỏ còn có người anh trai của In Mo, một người hơn 50 tuổi và từng ra tù vào tội rất nhiều lần, thất nghiệp và sống nhờ vào mẹ mình suốt nhiều năm nay. Bên cạnh đó, cô em gái út cùng đứa con gái ngỗ nghịch của mình cũng nhanh chóng trở về nhà mẹ đẻ sau khi hôn nhân tan rã. Tất cả các con đều thất bại, sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của mẹ nhưng người mẹ già vẫn không một lời ca thán hay trách móc. Bà mở rộng vòng tay đón nhận những đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. 

{keywords}
Bìa cuốn sách "Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên"

Bằng sự hy sinh, tình yêu thương và lòng bao dung vô bờ bến, bà xoa dịu những vết thương trong tâm hồn những đứa con. Chẳng những thế, người mẹ già còn che chở, động viên và giúp những đứa con không còn trẻ vượt qua quá khứ, đứng dậy sau thất bại để làm lại cuộc đời.

Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có những số phận riêng không ai giống ai nhưng họ đều có một điểm chung là khi bị cuộc đời vùi đập họ tìm về nơi có thể cho họ sự bình yên. Và từ đây họ học cách sống cùng nhau, sống như những “đứa trẻ” trong hình hài của người lớn bên cạnh người mẹ già. Tuy vậy những mâu thuẫn và hiểu lầm cũng bắt đầu từ đây khiến cho mối quan hệ vốn đã lỏng lẻo đang trên bờ vức tan vỡ. Và không ai khác, chính người mẹ đã ra tay bảo vệ mái ấm gia đình cố gắn kết các thành viên trong gia đình sát lại gần nhau.

Với cách viết mộc mạc, chân thực, tác giả đưa chúng ta quan nhiều miền cảm xúc: hài hước, bi thương nhưng xót xa.

Cheon Myeong Kwan miêu tả cuộc sống thật đến mức người đọc có thể bị sốc nhưng bỏ qua điều đó chúng ta sẽ thấy cuộc sống nghèo khổ và đầy khó khăn, bức bách của con người, những đứa con bị cuộc đời chối bỏ tìm về với mẹ. Là người mẹ tận tụy, luôn yêu thương con cái nhưng vẫn có những bí mật không thể nói ra. 

Có thể nói người mẹ trong tác phẩm đã khơi lên đốm sáng trong tâm hồn và nhân cách những đứa con mà người ngoài vẫn cho là "đồ bỏ đi", là những người không làm được bất cứ một công việc gì. Tác phẩm "Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên" chứng tỏ được rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa thì người mẹ vẫn luôn là bến bờ yêu thương đã những người con neo đậu.  

Hường Lê