{keywords}
 Tác giả Christian Davenport vẽ bức tranh toàn thể về làn sóng đua vào vũ trụ của những tỷ phú hàng đầu thế giới.

Những kẻ chạy đua

Được công chúng truyền thông nhắc đến nhất phải kể đến SpaceX của Elon Musk được thành lập vào năm 2002 với tham vọng rất rõ ràng là tìm một hành tinh khác để con người định cư - đó là sao Hỏa. SpaceX với sự xông xáo và mạnh miệng của Musk đã trải qua hết lần này đến lần khác phóng tên lửa thất bại, cạn sạch tiền, đứng trước nguy cơ phá sản, rồi lại được NASA tài trợ lần lượt 278 triệu USD và 1,6 tỷ USD, rồi lại phóng, rồi thất bại… 

Phải đến năm 2010, công ty mới có dấu mốc đầu tiên khi phóng thành công tên lửa Falcon 9 và 5 năm sau đó, Falcon 9 mới hạ cánh thành công lần đầu tiên. Gần đây nhất, vào 2h22 phút ngày 31/5 theo giờ Hà Nội, tên lửa Falcon 9 đưa tàu Crew Dragon lên quỹ đạo thành công từ bệ phóng 39A ở Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida. Sự kiện này có một ý nghĩa quan trọng bởi sau 9 năm mới có tàu chở người lên vũ trụ đi từ đất Mỹ và lại được thực hiện bởi một doanh nghiệp tư nhân với mức chi phí thấp hơn nhiều so với các chương trình trước đây của NASA. 

{keywords}
Tỷ phú Elon Musk.

Sớm hơn một chút, từ năm 2000, ông chủ của Amazon là Jeff Bezos cũng đã kín đáo mở một công ty hàng không có tên là Blue Origin, với blue - chấm xanh màu xanh nhạt chính là Trái Đất, và origin - đại diện cho nơi loài người bắt đầu, tuyên bố sứ mệnh “gieo hạt giống cho sự hiện diện lâu dài của loài người trong không gian”. Ngược lại với nguyên tắc hoạt động của SpaceX phải nhanh hơn, tăng tốc tối đa thì Blue Origin kiên trì đi từng bước một nhỏ để tiến đến đích. 

Công ty của Bezos cũng có những thành công nhất định khi phóng thành công tên lửa New Shepard ra ngoài không gian và hạ cánh thành công trong cùng một năm. Tuy vậy, Blue Origin vẫn chưa chính thức đưa bất cứ tàu không gian nào lên quỹ đạo.

Một vị tỷ phú khác cũng đang bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua này là Richard Branson với Virgin Galactic. Branson mua lại công nghệ đứng sau SpaceShipOne và quyết tâm tạo ra hãng hàng không vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới với chuyến bay thương mại đầu tiên năm 2007. Dù phải đến năm 2019, Virgin Galactic mới đưa được hành khách đầu tiên lên không gian nhưng quyết tâm của Branson chưa bao giờ bị xóa bỏ. 

Và cũng không thể không nhắc đến Paul Allen, nhà đồng sáng lập của Microsoft với công sức bỏ ra tại Vulcan và con tàu SpaceShipOne. Khi SpaceShipOne nhận được Giải thưởng Ansari X, việc này đã chỉ ra rằng một công ty thương mại có thể đưa một người lên không gian. Quan trọng là họ có dám làm đến cùng hay không. Sau thành công của Richard Branson với thương vụ mua công nghệ của SpaceShipOne, Paul Allen cũng không thể ngồi yên và quyết định quay lại cuộc chơi. 

Chỉ trong vòng khoảng 20 năm, ngành công nghệ không gian của nước Mỹ cũng như của thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Trước khi có những bá chủ không gian, người đọc có lẽ sẽ không tìm được ở đâu toàn cảnh một cuộc đua vũ trụ nhộn nhịp đến vậy.

Hãy bắt đầu như một tỷ phú

Đã qua rồi thời đại của Mỹ và Liên Xô cạnh tranh nhau trong cuộc đua vũ trụ thời chiến tranh lạnh chỉ vì mục đích chính trị tiêu tốn hàng tỷ đô la. Những bá chủ không gian thời hiện đại chạy đua lên vì sao vì mục đích tiền bạc, máu phiêu lưu và một cơ hội để đưa loài người đi xa hơn vào không gian mãi mãi. 

Nếu nhìn lại những đặc điểm chung của những kẻ tham gia cuộc đua này thì có thể nhận thấy hai điều. Thứ nhất, họ đều là những kẻ đam mê vũ trụ. Khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng, Branson mới là một thanh niên 19 tuổi, Allen 16 tuổi, Bezos thì 5 tuổi, Musk thậm chí còn chưa sinh ra, nhưng tất cả đều bị ảnh hưởng bởi mơ ước đặt chân lên Mặt trăng và các vì sao như bao cô bé cậu bé khác. 

Họ cũng đều là những người xuất chúng với trí tuệ hơn người, yêu thích các trò chơi và phim ảnh về vũ trụ như Chiến tranh giữa các vì sao, Du hành giữa các vì sao... Chính điều đó đã thôi thúc họ biến những điều viển vông thành hiện thực, thành lập ra hàng loạt những công ty không gian để đưa con người khám phá những vũ trụ. 

Nhưng điều quan trọng thứ hai, họ đều rất giàu và mong muốn còn giàu hơn nữa từ ngành này. Bezos có trong tay khoảng gần 2 tỷ đô khi thành lập Blue Origin nhờ vào sự phát triển của Amazon, Musk khiêm tốn với mức khoảng 500 triệu đô, Allen có số tiền khổng lồ từ Microsoft, còn Branson khi ấy đã là ông chủ của chuỗi các công ty Virgin. 

Phải giàu mới có thể theo đuổi những vụ phóng tên lửa hàng chục triệu USD mà biết trước rằng chúng có thể tiêu tan trong nháy mắt. Phải giàu thì mới nghĩ lớn được, và chính vì mang tư duy của người giàu nên mới muốn cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Và đó chính là cách nhanh nhất để trở thành một triệu phú trong ngành không gian. Hãy bắt đầu như một tỷ phú.

Để tên lửa được tự do cất cánh

Ngành công nghiệp không gian tiêu tốn rất nhiều tiền, đó là lý do tại sao trước giờ chỉ có các quốc gia với tiềm lực tài chính của mình mới dám thực hiện những sứ mệnh vươn ra ngoài vũ trụ. Sau thành công của nước Nga đưa người đầu tiên đi vòng quanh Trái Đất và con tàu Apollo 11 của Mỹ đổ bộ lên Mặt trăng, có biết bao đứa trẻ sau này mơ ước trở thành phi hành gia được khám phá bầu trời. 

Nhưng đáng tiếc thay, ước mơ đó thường chỉ dừng lại ở trong đầu mà khó có cơ hội thành hiện thực. Kể cả khi đứa trẻ đó có thể lực tương đối tốt và xuất chúng thì tần suất chúng được bay lên không gian cũng không nhiều bởi chi phí thì quá nhiều mà cơ hội lại quá ít. 

Từ năm 1997, Andy Beal, một tỷ phú trong ngành bất động sản đã thành lập công ty hàng không Beal Aerospace với kế hoạch “Tạo ra một tên lửa không tốn quá 200 triệu đô-la để phóng”. Với tiềm lực tài chính lớn, nhưng điều khiến Beal quyết định từ bỏ ngành này chính là sức ép của chính phủ. 

Sẽ không bao giờ có một ngành công nghiệp phóng tên lửa tư nhân nếu như NASA cùng chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục lựa chọn và tài trợ cho các hệ thống phóng. Chính phủ cần tránh sang một bên và để cho thị trường tự do cất cánh. Chỉ đến khi đó, sự độc quyền của NASA trong ngành không gian mới kết thúc và mở ra một nền kinh tế không gian mới. 

Khi Beal từ bỏ Elon Musk đã nhảy vào, kế thừa tư tưởng của ông và cũng từng phát biểu trước Quốc hội năm 2004. Để bất cứ người bình thường nào cũng có cơ hội nhìn thấy Trái Đất từ không gian, có ba cách Quốc hội cần làm và phải làm: tạo ra nhiều giải thưởng hơn để ngành có thể cạnh tranh giành lấy chúng, tập trung vào các phương tiện có thể cắt giảm chi phí lên không gian, đảm bảo sự công bằng trong hợp đồng đấu thầu chính phủ. 

Vì vậy, Những bá chủ không gian không chỉ là hành trình các công ty tìm tòi, khám phá, cải tiến công nghệ của mình, ổn định các nguồn lực cả về nhân sự và tài chính, mà còn là công cuộc đi tìm sự cạnh tranh công bằng với chính phủ trong lĩnh vực hàng không. 

Bay tới vô cực, và xa hơn nữa

Cuốn sách Những bá chủ không gian của Christian Davenport có thể coi là một trong những cuốn sách quan trọng trong thập kỷ, là minh chứng rõ ràng nhất để con cháu chúng ta biết được các thế hệ đi trước đã nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm tương lai cho nhân loại. 

{keywords}
Tác giả Christian Davenport.

Cuốn sách khép lại khi SpaceX thông báo dự định thực hiện hai sứ mệnh vận chuyển hàng hóa lên sao Hỏa trước năm 2022 còn Blue Origin muốn quay trở lại tiếp cận Mặt trăng và biến Mặt trăng thành nhà của con người, trước khi đến gần hơn với sao Hỏa. 

Dù được hình thành từ nhiều năm nhưng cuộc đua mới chỉ bắt đầu và còn tiếp diễn trên một hành trình dài không thể nhìn thấy trước, có thể là vài thập kỷ, thế kỷ nữa, thậm chí có thể kéo dài hơn cuộc đời của Bezos, Musk, Branson và Allen. Một cuộc đua vượt xa thậm chí cả những sự tưởng tượng của họ, sâu thẳm vào trong vũ trụ, đến một điểm tưởng chừng không có vạch đích. Nhưng đó không phải là lý do để những bá chủ không gian chùn bước trong ngày hôm nay. 

Dương Vân Anh 

MC VTV nói 7 thứ tiếng chia sẻ đam mê học ngoại ngữ

MC VTV nói 7 thứ tiếng chia sẻ đam mê học ngoại ngữ

Khánh Vy từng gây bão mạng với clip nói theo 7 thứ tiếng: Thái, Hàn, Trung, Nhật, Anh, Ý, tiếng Việt (tiếng miền Nam, tiếng miền Bắc, tiếng miền Trung).