Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại của tác giả Siddhartha Mukhejee do Omega+ phát hành đoạt giải C Giải Sách Quốc gia là một cuốn sách vô cùng đáng đọc. 

Tác giả Siddhartha Mukhejee tốt nghiệp tại cả ba trường đại học danh tiếng nhất thế giới là Stanford, Oxford và đặc biệt là Trường Y Khoa Harvard. Siddhartha đã có một tuổi thơ không hề dễ dàng. Cha đẻ ông có ba người anh em – và những câu chuyện về cuộc đời của những chàng trai Mukhejee đều xoay vần xung quanh những căn bệnh thần kinh thảm khốc.

{keywords}
'Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại' là một cuốn sách vô cùng đáng đọc.

Chứng điên loạn hóa ra đã đeo đẳng các anh em nhà Mukherjee trong ít nhất hai thế hệ. Người bị chẩn đoán là mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), người bị tâm thần phân liệt (schizophrenia), người thì có một cuộc sống bình thường nhưng lại sinh ra một đứa con trai bị tâm thần phân liệt. Và chính cha đẻ của Siddhartha - tuy phần lớn thời gian ông hoàn toàn ổn định về mặt tâm lý – cũng có đôi ba lần mất kiểm soát.

Siddhartha đã lớn lên mà không thể không thắc mắc, phải chăng những căn bệnh kia đều bắt nguồn từ một vết thương tổn nào đó trong tiền sử gia đình? Và Gen đã mê hoặc chính tác giả, và tác phẩm Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại đã ra đời, tạo nên tiếng vang lớn, sánh ngang hàng với tác phẩm "anh em" của nó – Ung thư – Hoàng đế của bách bệnh đã giành giải Pulitzer năm 2011.

Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần đầu nói về lịch sử phát triển của sự thấu hiểu của loài người về sự bí ẩn của Gen. Phần thứ hai nói về tương lai của ngành khoa học di truyền đã từng một thời hoang vắng này.

Ngay từ những trang đầu tiên của chương 1 Khoa học di truyền hoang vắng, tác giả đã cuốn hút người đọc bằng những câu chuyện lịch sử được thuật lại chân thật nhưng cũng không kém phần nhân văn và hấp dẫn. Nổi bật trong chương này là hai nhà khoa học Charles Darwin và Gregor Mendel -  và trong đó, Mendel đóng vai trò của một nhân vật trọng tâm.

Mùa hè năm 1856, vẫn chưa hết cáu kỉnh sau nhiều kỳ thi bị đánh trượt, Mendel tiến hành trồng đậu trong một ngôi nhà kính nhỏ nơi khu vườn của tu viện, giữa những khóm hoa mà ông yêu. Ông đã có một phát kiến tưởng chừng rất nhỏ nhoi mà vô cùng vĩ đại, có thể lý giải những nghi vấn về di truyền đã làm đau đầu cả Aristotle, Pythagoras và cả Charles Darwin – nhà khoa học vĩ đại cùng thời với ông.

Đến cuối mùa hè năm 1857, những cây đậu lai đầu tiên (từ những cây bố mẹ thuần chủng) đã ra hoa trong vườn ươm của tu viện, trong một đám lộn xộn màu tía và trắng chen lẫn. Mendel ghi nhớ màu hoa của chúng và khi thân leo lủng lẳng những quả đậu, ông tách đôi vỏ để xem xét hạt. Ông đã tiến hành những đợt lai tạo mới: cao với thấp; vàng với xanh; nhăn với trơn. Và trong một cơn hứng khởi cuồng nhiệt khác, ông đã phối những cây lai với nhau, tạo ra thế hệ con lai của những cây lai. Những thí nghiệm kiểu này đã diễn ra trong 8 năm. 

Quyển sổ tay của Mendel đầy những biểu đồ và ghi chép nguệch ngoạc với những dữ diệu của hàng ngàn đợt lai tạo. Ngón tay ông tê dại vì lột vỏ. Ông đã phát hiện ra tính trội và tính lặn. Nếu như dừng các cuộc thí nghiệm ở đó, ông đã có một đóng góp to lớn vào lý thuyết di truyền rồi nhưng ông vẫn tiếp tục cần mẫn nghiên cứu và khám phá ra yếu tố mang tên alen – hình thái.

Thật đáng tiếc rằng, những nghiên cứu của Mendel đã bị bác bỏ, chỉ trích, coi thường và tệ hơn nữa là hoàn toàn quên lãng, bởi công chúng và vô số những nhà nghiên cứu cùng thời với ông. Carl von Nageli - một nhà thực vật học mà Mendel hằng ngưỡng mộ, khi nhận được những bức thư giải thích về công trình nghiên cứu của Mendel, đã tỏ rõ thái độ khinh thường.

Câu chuyện về Mendel – nhà thực vật học, nhà di truyền học, là một câu chuyện buồn. Phải mất hàng trăm năm sau, công trình nghiên cứu của ông mới được nhìn nhận lại một cách đúng đắn và thể hiện được giá trị thực sự.

Ngoài câu chuyện xúc động về Mendel, Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại còn đề cập đến rất nhiều câu chuyện khoa học chứa đựng vô vàn những thăng trầm cảm xúc, như câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ nhà Buck bị khép vào bệnh trạng tâm thần một cách vô lý, để rồi bị ép buộc trở thành nạn nhân của ca phẫu thuật triệt sản thắt vòi trứng đầu tiên, mở đầu cho phong trào ưu sinh ở Mỹ đã dần dà biến ngôn ngữ về gen và sự di truyền trở thành hình thái ghê sợ và ma quỷ nhất. Hay câu chuyện về những thí nghiệm nhân chủng học kinh hoàng thời Đức quốc xã, Goodfellow và những nhiễm sắc thể X và Y của chuỗi DNA …

Tuy là đang viết một cuốn sách mang tính chất hàn lâm nhưng Siddhartha Mukhejee lại sử dụng một giọng văn trần thuật nhẹ nhàng, trầm ấm, pha lẫn với chút suy tư, ưu phiền và cả những hy vọng của một nhà khoa học. Giá trị khoa học, và cả những giá trị nhân văn đong đầy trong từng câu chữ, đã làm cho Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại trở thành một cuốn sách vô cùng đáng đọc.

Tình Lê

Tác giả đoạt giải B sách quốc gia ra mắt 'Dòng tranh dân gian Hàng Trống'

Tác giả đoạt giải B sách quốc gia ra mắt 'Dòng tranh dân gian Hàng Trống'

Bằng việc xuất bản cuốn sách 'Dòng tranh dân gian Hàng Trống', tác giả Nguyễn Thị Thu Hoà mong muốn bắc thêm một một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại.