Những thông điệp bà Kim Thoa gửi đến bạn trẻ trong các chương tình khuyến đọc những năm gần đây luôn hướng về nguồn tri thức vô tận, năng lượng sống không giới hạn mà những trang sách đem lại.

Thế nhưng phải nhìn nhận một thực trạng chung là đại dịch Covid-19 đã và đang kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề, giao dịch; cộng thêm công nghệ 4.0 phát triển, sách điện tử ra đời và nhanh chóng đón đầu được xu thế của xã hội, dân đến việc ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, đại diện Tân Việt Bookstore vẫn nhìn thấy cơ hội lan tỏa tri thức và kiên định với hướng đi đã chọn. Bà luôn ý thức rằng, con người trở nên vững vàng hơn chính là nhờ tri thức, và lớp trẻ là người gánh vác trên vai sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc. Theo bà, càng được tiếp cận sách từ sớm thì cơ hội sẽ càng đến nhanh hơn với chúng ta.

{keywords}
Bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Bookstore.

- Nhiều ý kiến cho rằng để có thói quen đọc sách, cần hình thành và dung dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Liệu đến khi trở thành thanh niên mới lan tỏa văn hóa đọc thì có hơi muộn không?

Mỗi một giai đoạn sẽ có một sự phát triển về thể chất, năng lực và tâm lý khác nhau. Tương tự như vậy, mỗi độ tuổi sẽ có những nhóm đầu sách phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng khi đã trở thành thanh niên mới bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách thì đã quá muộn. Bởi khi bạn đã chạm đến ngưỡng cửa trưởng thành, bạn sẽ mất đi cơ hội và trải nghiệm được đọc những cuốn sách ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Khi ấy, cho dù có đọc những cuốn sách thiếu nhi, chúng ta chắc chắn sẽ có những cảm nhận khác so với đúng lứa tuổi được cho là phù hợp với những cuốn sách đó.

Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, độ tuổi thiếu nhi được coi là giai đoạn “vàng” cho sự phát triển và hình thành thói quen, nếp sống. Trong cuốn sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm, tác giả còn chứng minh sự tồn tại của “quy luật mai một dần”: Một đàn gà con mới nở, nếu tách chúng khỏi gà mẹ trong vòng 7 - 8 ngày, thì vĩnh viễn sau đó đàn gà con sẽ không bao giờ biết đi theo gà mẹ. Việc đọc sách cũng vậy. Nếu được uốn nắn ngay từ khi còn bé thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu để đến khi trưởng thành thì nhiều tác động ngoại cảnh khác sẽ chi phối, làm ảnh hưởng đến quá trình tạo dựng thói quen.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy không nên đợi đến khi khoác lên mình diện mạo của một thanh niên rồi mới quay ra đọc sách. Hãy đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, dung dưỡng và vun vén cho thói quen ấy mỗi ngày.

Bác Hồ của chúng ta ngay từ khi mới 13 tuổi đã đến với nền văn minh Pháp qua những trang sách nói về tự do, bình đẳng, bác ái. Chính điều đó đã thôi thúc Bác đứng lên tìm đường giải phóng dân tộc. Tư duy của Bác trở nên lớn lao qua những trang sách Bác đọc.

- Theo bà, sứ mệnh của thanh niên trong việc phát triển văn hóa đọc là gì?

Thanh niên là nhóm đối tượng phải chuẩn bị hành trang bước vào đời, làm chủ cuộc đời của mình. Hơn ai hết, thanh niên phải là người gánh vác trên vai sứ mệnh cao cả: Ngoài kiến thức được đọc trong nhà trường, từ sách giáo khoa, giáo trình, chúng ta nên tìm hiểu và đọc thêm nhiều cuốn sách khác phù hợp, bổ ích, nhằm phát triển tư duy toàn diện (có thể về truyền thông, giao tiếp, kinh doanh, khoa học...).

Theo tôi, sách chính là những người thầy, dù không hiện hữu nhưng vô hình chung, sách chèo lái chúng ta đi đến con đường thành công. Là thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước, các bạn nên đọc những cuốn sách của những nhân vật nổi tiếng, tài năng trên thế giới. Họ đã thành công và viết nên những trang sách quý báu. Đọc sách của họ, chúng ta sẽ có cơ hội được học hỏi tu duy, bí quyết để thành công dễ dàng hơn, mặt khác cũng là để học từ trang sách ấy những thất bại mà thế hệ đi trước đã vấp phải, để rút ra bài học cho bản thân mình.

Đọc sách là một hành động thiết thực không thể bỏ qua đối với lớp trẻ. Đọc để học, để nhận thức và trau dồi thêm vốn kiến thức cho mình, nuôi dưỡng tâm hồn và làm giàu hiểu biết.

- Thời đại hiện nay công nghệ, mạng Internet phủ sóng với mật độ dày đặc, bà có cho rằng thời gian lướt web, mạng xã hội sẽ lấn át đi thói quen đọc sách in không?

Công nghệ mạng Internet phát triển, chúng ta đang sống trong những năm đầu của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Không thể phủ nhận rằng, môi trường số và sự ra đời của nhiều trang thông tin mạng đã phần nào lấn át đi thói quen đọc sách in của các bạn trẻ, khi mà chỉ với một cú “click” chuột, chúng ta có thể tra cứu được vô số thông tin với tốc độ nhanh chóng.

Thế nhưng quan điểm của tôi vẫn không thay đổi: Sách in vẫn có giá trị nhất định trong đời sống tri thức của người Việt. Một điểm đáng bàn ở đây là giới trẻ sử dụng công nghệ mạng đa phần là để lướt thông tin, chứ không phải để đọc sách điện tử. Điều đó chỉ giúp ta có được thông tin nhanh chóng chứ hoàn toàn không làm giàu cho tư duy.

Lại nói về sứ mệnh của thanh niên, thực chất đây không phải nhóm đối tượng “eo hẹp” quỹ thời gian nhất. Có thể nhận thấy điều đó qua việc hiện nay rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng mạng xã hội, xem youtube, dùng các ứng dụng chat với tần suất rất cao. Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu có thời gian để sử dụng mạng Internet thì tại sao các bạn lại không bỏ một chút thời gian đó ra để mỗi ngày dành khoảng 1 tiếng để đọc sách?

Sinh viên có thời gian rảnh hay không? Câu trả lời đương nhiên là có nếu như chúng ta không cố tìm lý do biện minh. “Tôi bận đến trường”, “Tôi bận hẹn hò, cafe”, “Tôi còn nhiều bài vở”... Đó phải chăng chỉ là những lời biện hộ cho sự lười nhác trước trang sách?

Ngày nay, “căn bệnh lười đọc sách” cũng trở thành vấn nạn đối với nhiều thanh niên. Trên thế giới có nhiều tỉ phú, họ mới chính là nhóm đối tượng “ngập lụt” trong mớ công việc hỗn độn, nhưng vẫn sắp xếp một quỹ thời gian nhỏ để đọc sách mỗi ngày.

- Nhiều cải cách trong giáo dục khiến các học sinh, sinh viên phải đọc một số lượng sách và giáo trình rất lớn. Họ phải phân bổ thời gian như thế nào để có thể đọc thêm sách (mà không phải là sách ở trường)?

Tôi còn nhớ tỉ phú Donald Trump từng viết trong cuốn sách Tôi đã làm giàu như thế nào rằng: “Tối nào tôi cũng đọc sách”. Đối với vị tỉ phú này, việc đọc sách đã trở thành thói quen, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bác Hồ của chúng ta cũng từng nói: “Ngày nào tôi không đọc, ngày đó tôi như nhịn đói, nhịn khát”.

Nói như thế để thấy được vai trò của sách trong đời sống của những bậc vĩ nhân. Tôi có một lời khuyên dành cho lớp trẻ, các bạn chỉ cần dành ra 30 đến 40 phút mỗi ngày để đọc sách, hành động này phải được lặp đi lặp lại, lâu dần ắt sẽ trở thành thói quen.

{keywords}
'Đến khi trở thành thanh niên mới đọc thì đã quá muộn'

- Những sách về nội dung nào là phù hợp với lứa tuổi thanh niên, thưa bà?

Có thể nói rất nhiều. Trước hết thanh niên cần đọc sách về chủ đề giao tiếp. Là tương lai của đất nước, là bộ mặt của quốc gia, các bạn phải rèn cho mình một kĩ năng giao tiếp tốt, có khả năng ứng xử, biện hộ và thuyết trình. Đắc nhân tâm, Hình ảnh của bạn đáng giá triệu đô, Từ tốt đến vĩ đại...là cuốn sách nên đọc.

Hay cũng có thể là các cuốn sách của các tỉ phủ, danh nhân và doanh nhân nổi tiếng và thành công trên thế giới như: Những lời khuyên của Bill Gate, Tỉ phú của Amazon, Tỉ phú Mã Vân, Bí mật tư duy triệu phú, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn... Rất nhiều câu chuyện về bài học thành công, về cả những thất bại đã được kể trong những cuốn sách đó mà chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều.

- Ngoài việc tăng cường đọc sách, đọc hiệu quả, lớp trẻ nên có những hoạt động như thế nào để lan tỏa tình yêu sách đến mọi người hơn nữa?

Một thực tế đáng mừng là hiện nay nhiều trang mạng xã hội được lập ra để kết nối những người yêu sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc. Tôi thấy đã có nhiều người trẻ chăm chỉ viết review sách trên các trang đó và nhận được phản hồi tích cực từ phía bạn bè và admin của nhóm.

Dựa trên lợi thế đó, các bạn trẻ có thể tăng cường tạo nên nhiều group, page, sau đó mời người thân, bạn bè của mình vào và tăng cường giới thiệu, chia sẻ về những cuốn sách hay ở trên đó, nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người, thông qua lượng comnent, view, like, share...

Đó là những hoạt động mang tình thiết thực. Tuy nhiên tôi cho rằng, cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở việc bản thân các bạn trẻ phải tự đọc sách, đặt ra mục tiêu là đọc sách cho chính mình, tự trang bị kiến thức cho mình bằng những trang sách. Khi đọc và hiểu được sách thì bạn mới có thể lan tỏa và chia sẻ thói quen đọc sách đến người khác.

Tình Lê

'Đọc sách không giàu ngay được nhưng sẽ giàu về cảm xúc'

'Đọc sách không giàu ngay được nhưng sẽ giàu về cảm xúc'

"Đọc một cuốn sách không giàu lên ngay được, cũng không kiếm tiền ngay được nhưng chúng ta sẽ giàu về suy nghĩ và cảm xúc. Từ cảm xúc tạo ra hành động, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả", bà Nguyễn Kim Thoa nói.