Yoshinori Noguchi là một tác giả và chuyên gia tư vấn nổi tiếng về hạnh phúc cá nhân và các mối quan hệ gia đình. Năm 2003, ông bắt đầu hoạt động với tư cách là một huấn luyện viên chuyên nghiệp, trở thành một luấn luyện viên hàng đầu sử dụng các liệu pháp tâm lý học.

“Quy luật của tấm gương” là cuốn sách mới được tác giả Yoshinori Noguchi viết dựa trên câu chuyện có thật và cảm động của người phụ nữ 41 tuổi Eiko. Cô có đứa con trai Yuuta học lớp 5 thường xuyên bị bắt nạt ở trường, có người chồng làm nghề lái xe mà cô không coi trọng, có người cha mà cô luôn thấy chán ghét khi nghĩ về.

{keywords}
Cuốn sách “Quy luật của tấm gương” hơn một trăm trang của tác giả Yoshinori Noguchi truyền tải thông điệp “hiện thực cuộc đời chúng ta là tấm gương phản chiếu tâm hồn chúng ta”.

Con trai Yuuta của Eiko thường bị bạn bè bắt nạt, hàng ngày tan học thường ra công viện và chơi trò bắt bóng một mình với bức tường, nhưng không bao giờ tâm sự với mẹ. Điều này khiến Eiko lo lắng nhưng không biết phải giải quyết ra sao. Trong lúc bế tắc, Eiko quyết định thử tìm kiếm sự giúp đỡ từ Yaguchi – một chuyên gia tư vấn kinh doanh, bạn của chồng mình.

Câu chuyện là quá trình tìm ra nguyên nhân gốc rễ trong vấn đề mà Eiko gặp phải từ đó từng bước tháo gỡ các nút thắt của vấn đề mà thực tế nằm chính trong tâm hồn Eiko. Qua đó tác giả gửi gắm thông điệp về lòng tin, sự biết ơn, sự chấp nhận và tha thứ là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình và hơn hết là hạnh phúc cho chính bản thân mình.                                 

Ngày nay câu chuyện trẻ bị bắt nạt diễn ra ngày càng nhiều, nhưng thực tế ít cha mẹ nhìn nhận được nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề ở trẻ là nằm ở lối sống, tâm hồn cha mẹ. Câu chuyện của người mẹ tên Eiko trong cuốn sách của tác giả Yoshinori Noguchi sẽ khiến người đọc ngỡ ngàng và có thể nhận ra đó là vấn đề mà chính mình đang gặp phải.

Từng bước được đối diện, nhìn thẳng vào tâm hồn mình thông qua những câu hỏi, yêu cầu từ người tư vấn, Eiko nhận ra những vấn đề con trai Yuuta gặp phải có nguyên nhân từ chính những vướng mắc trong lòng mình.

“Chuyện đang xảy ra trong cuộc đời chị là chuyện đứa con yêu quý của chị bị người khác chỉ trích, nên chị cảm thấy đau khổ, đúng không nào. Nếu như đây là kết quả, thì một trong những nguyên nhân là rất có thể chị đang chỉ trích một người nào đó mà chị cần phải biết ơn, hơn nữa còn là người rất gần gũi với chị, và điều đó được trở thành kết quả được phản ánh qua tấm gương mang tên cuộc đời, khi chị phải khổ sở nói chuyện với đứa con yêu quý của mình bị người khác chỉ trích”.

Lời giải thích này được chứng minh khi dưới sự hướng dẫn của người tư vấn, Eiko nhìn lại mối quan hệ với chồng, con và cha. Với mỗi người, Eiko viết ra giấy “những việc muốn xin lỗi”, “những việc biết ơn”, “những việc có thể tha thứ”. Cô nhận ra, mình luôn nhớ về những ấn tượng xấu mà gạt bỏ đi tình yêu thương cha dành cho. Cô giật mình khi nghe thấy từ “tôn trọng”, bởi ở đâu đó trong Eiko đã luôn coi thường chồng. Cô cũng phải thừa nhận rằng lâu nay không đặt sự tin tưởng vào con trai Yuuta.

Trải qua quá trình đào sâu tâm hồn này, Eiko biết được cách giải quyết vấn đề. Cô nói lời xin lỗi với cha, với chồng và bắt đầu đặt sự tin tưởng vào cậu con trai nhỏ. Khi nói ra được những lời này, Eiko cảm thấy thoát khỏi mối lo lắng về vấn đề của con trai bấy lâu, đồng thời đón nhận những điều tốt đẹp mà người thân mang đến bằng lòng biết ơn.

“Nếu có thể thì hằng ngày, chị hãy thử dành ra thời gian để có thể nói lời “cảm ơn” ở trong lòng đối với cha, chồng và Yuuta. Chắc chắn mối quan hệ tốt đẹp sẽ được xác lập dần dần”, đó là khuyên của chuyên gia tư vấn Yaguchi dành cho Eiko.

Cũng qua câu chuyện của Eiko, tác giả Yoshinori Noguchi cũng đưa ra một “quy luật tất yếu rằng “cho dù có vấn đề gì xảy ra trong cuộc đời đi chăng nữa, thì nó cũng xảy ra nhằm giúp ta nhận ra một điều gì đó quan trọng. Vì thế, những vấn đề mà ta không thể giải quyết chắc chắn không bao giờ xảy ra”. Đồng thời, thông qua những vấn đề xảy ra, mỗi người nhìn nhận lại chính mình từ đó có thể xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Không dừng lại ở việc kể câu chuyện cảm động có thật về “quy luật tấm gương”, tác giả cuốn sách còn đưa ra những lý giải cụ thể cho quy luật này. Ông cũng chỉ rõ những sai lầm trong phương pháp nuôi dạy con của các bậc cha mẹ bảo hộ, can thiệp quá mức theo kiểu “vì hạnh phúc của con”. Theo ông, “để cả cha mẹ và con cái có được một cuộc đời hạnh phúc, thì cả hai bên cần phải rời xa nhau và đặt ra một khoảng cách thích hợp”. Đồng thời, ông cũng gợi ý cách thức giúp cha mẹ vạch ra đường biên giữa cha mẹ và con cái.

“Một cuốn sách ngắn nhưng có thể làm thay đổi cuộc đời bạn”, chính là điều mà bất cứ độc giả nào cũng cảm thấy khi đọc xong “Quy luật tấm gương”. Đây thực là một cuốn sổ tay  gia đình ấm áp, tràn đầy yêu thương. Cuốn sách cũng là một lời an ủi động viên, cứu rỗi những tâm hồn bị tổn thương trở nên lạc quan hơn, giúp họ tìm cách giải quyết mọi vấn đề để xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn.

Tình Lê

10 cuốn sách nổi bật dành cho thiếu nhi năm 2019

10 cuốn sách nổi bật dành cho thiếu nhi năm 2019

- 2019 là một năm sôi động của NXB Kim Đồng với nhiều cuốn sách nổi bật ở nhiều thể loại.