Mệnh đề mà tác giả gợi ra “Sống để hạnh phúc” – chứ không phải “hạnh phúc để sống” – đã bao hàm câu trả lời cốt yếu cho bạn nếu bạn đọc hết cuốn "Sống để hạnh phúc".

Trong 39 bài viết nhỏ, dưới sự quan sát của một nhà giảng viên lẫn sự ưu tư của một cá nhân trong xã hội, Nguyễn Hoàng Ánh đã bày ra những mảnh ghép mà nếu ghép vào, chúng ta nhận ra một bức tranh: sự chuyển động mông lung của những con người trong một đời sống đầy bất an. Cụ thể hơn, đó là những người trẻ (qua các thế hệ khác nhau) trăn trở tìm ra giá trị bản thân, mục đích sống và các giá trị làm người.

{keywords}

Là một người làm trong ngành giáo dục, tham gia vào hệ thống và guồng quay của nó, giáo dục có lẽ là một niềm đau đáu của tác giả nên phần lớn đầu mục bài viết liên quan đến chủ đề này. Bên cạnh đó tác giả chỉ ra những sai lầm, ngộ nhận và ảo tưởng trong nhiều vấn đề như: du học, thành tích và thành công, bằng cấp, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp; cách ứng xử với niềm đam mê và cá tính của người trẻ, những ước mơ đang bị chôn vùi trên ghế giảng đường, cuộc sống náo nhiệt từ mạng xã hội và tâm hồn cô quạnh của người trẻ… Nghĩa là các bài viết không ngần ngại phơi bày trước mắt chúng ta những thực tại ngổn ngang.

Tác giả chỉ ra: “Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục tôn trọng con người, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân để giúp con người tự giải phóng và phát triển được khả năng của mình”.

Ngoài vai trò là một giảng viên, Nguyễn Hoàng Ánh còn là chủ nhân tích cực của những bài viết trên trang cá nhân, luôn luôn thể hiện cái nhìn đa chiều về nhiều vấn đề trong đời sống - xã hội. Tác giả không né tránh việc bày tỏ quan niệm về những hiện tượng, vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội như: chuyện cá nhân của một hoa hậu, chuyện thần tượng của giới trẻ, chuyện “xứ người ta”, chuyện sống sao cho tử tế…

Như bất cứ người quan sát nhiệt thành nào, tác giả đã nhìn ra giữa những chuyển động mông lung trong đô thị rộng lớn một thực tại mà có lẽ ai cũng thấy, dù mơ hồ hay rõ ràng: sự “kì quặc” thậm chí tàn nhẫn của đám đông trong văn hóa ứng xử, sự cằn cỗi hóa tâm hồn con người giữa đô thị rộng lớn.

Với tư cách một người quan sát và ưu tư, Nguyễn Hoàng Ánh không được yêu cầu phải chỉ cho bất kì ai đường đi nước bước cụ thể. Song, ánh sáng le lói của một tia thức tỉnh tự nó đang nhen nhóm trong mỗi dòng mỗi trang viết: Có khả năng bạn chỉ đang tồn tại?!

Vậy thì mỗi bài viết trong Born to Happy đều có khả năng khơi gợi bạn tự tìm ra nhiều cách trả lời khác nhau cho cuộc sống phía trước. Mệnh đề mà tác giả gợi ra “Sống để hạnh phúc” – chứ không phải “hạnh phúc để sống” – đã bao hàm câu trả lời cốt yếu cho bạn. Hạnh phúc không nằm sẵn đó. Hạnh phúc càng không phải sự tìm bắt một ý niệm mông lung trong không khí. Hạnh phúc là một con đường, hạnh phúc hàm chứa trong cách bạn sống và toát lên từ cách bạn làm mọi việc. Con đường đó chính bạn phải tự dò tìm, chính bạn phải bước chân đi và, tất nhiên rồi, trước hết bạn phải tự trả lời với chính mình: Bạn muốn một con người có hình hài như thế nào trong bạn?

Và sự thật là, nếu bạn đi tìm một giải pháp cụ thể trong cuốn sách, bạn sẽ thất vọng. Nếu bạn còn mong muốn có một câu trả lời tất định cho tất cả mọi chuyện, mọi con người – trong đó bao gồm cá nhân bạn – thì cuốn sách của Nguyễn Hoàng Ánh ngầm bảo với bạn: Không có một câu trả lời nào như thế. Bạn hãy ngừng mọi ảo tưởng về đời sống, xã hội và lối giáo dục này.

Xuất phát điểm là những bài viết nhỏ trên trang Facebook cá nhân của tác giả, song có dịp xâu chuỗi lại mới thấy niềm đau đáu suy tư của một con người – một cá nhân đầy trách nhiệm trong xã hội. Quả thực trong cuốn sách có những bênh vực, những ngợi khen, những trông ngóng và hi vọng, nhưng sẽ khó tìm thấy một lời ve vuốt dành cho những trái tim non trẻ.

Sống để hạnh phúc cũng chẳng lấp lánh lời văn có cánh nào. Gọi đó là lối văn chương thời facebook cũng không hẳn. Không màu mè, súc tích và bộc trực, có lẽ đó là cách ngắn gọn nhất để hình dung về cách tác giả bộc lộ con người và quan điểm của mình trên một “không gian ảo” như mạng xã hội. Sau đó, tất cả những điều được đề cập đến có phải là “ảo” hay không, bạn có quyền kiểm chứng.

T.Lê