Cuốn tản văn rất mỏng, nhưng lại chứa đựng những suy tư sâu lắng về vẻ đẹp của những điều khuất lấp, sâu kín của tâm hồn con người Nhật Bản.

Cuốn sách được viết vào năm 1933 khi văn hóa phương Tây đang dần xâm nhập một cách mạnh mẽ vào nước Nhật, với một nền kỹ thuật hiện đại, sáng bóng và trái ngược hẳn với những nét thâm trầm xưa cũ của người Nhật.

Tác giả Junichiro Tanazaki đã nương vào những điều đang dần đổi thay ấy mà viết Ca tụng bóng tối. Ông viết những câu chuyện tản mạn về kiến trúc, nghệ thuật, kịch Nô, gốm sứ, sơn mài, bóng đèn, nhà tắm, và nhà vệ sinh... của người Nhật. Mỗi câu chuyện đều vô cùng tinh tế và lấp lánh nét đẹp mong manh đầy ý nhị.

Trên mỗi trang viết của mình, Tanazaki bắt vào những nét đẹp nhất của bóng tối, trong từng góc nhỏ, để ca tụng bằng tấm lòng cao quý và ngòi bút điềm đạm, có chút tự trào. Nhưng không phải vì thế mà tác giả khước từ sự tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây, mà Tanizaki đã tìm kiếm mối tương kết hài hòa giữa bóng tối và ánh sáng, cũng là giữa những giá trị truyền thống và khoa học hiện đại.

{keywords}

Tác phẩm Ca tụng bóng tối của Junichiro Tanizaki.

Trong cuốn sách, Tanizaki đã viết về nét đẹp đặc biệt mà có lẽ chỉ tìm thấy được ở Nhật. Có lẽ bất kỳ ai cũng cảm thấy được “niềm khoái cảm buổi sáng” khi đọc những dòng tác giả viết về nhà vệ sinh trong ngôi nhà của người Nhật.

Trong quan niệm thông thường nhà vệ sinh là nơi ít sạch sẽ, và ít được nhắc đến nhất. Nhưng đối với người Nhật, nhà vệ sinh lại là nơi tuyệt vời để thưởng thức “niềm khoái cảm sinh lý”, “ngồi giữa những bức tường yên tĩnh bằng gỗ nổi những thớ gân tinh vi, nhìn ra bầu trời xanh với cây lá xanh rì”. Nhà vệ sinh ấy nhất thiết phải có sự âm u của bóng tối. Không đơn thuần là bóng tối vật lý. Đó còn là bóng tối của lòng hoài niệm, của tĩnh lặng u hoài. Như những gì Tanizaki đã viết thì cái tâm hồn Nhật, ngay ở chốn nhà vệ sinh ấy cũng vô cùng thấm đẫm.

Hay trong đoạn nói về vẻ đẹp trên sâu khấu kịch No. Tác giả lý giải rằng “miền tối mà trong đó kịch Nô được che giấu và vẻ đẹp trỗi lên từ đó là một thế giới rõ rệt của những hình thù bóng đổ”, mà nếu dùng “ánh sáng vô nghĩa và hoang phí” thì nhất định sẽ hủy hoại đi vẻ đẹp kì diệu mơ ảo của kịch No Nhật Bản. Tanizaki viết những lời ca tụng ấy bằng tấm lòng khiêm nhường và lòng hoài nhớ buồn bã. Dưới con mắt của tác giả, kịch No chính là một thể loại chính kịch đầy mê hoặc, mà ở đó, tất cả vẻ đẹp đều được hiển diện trong sự thấp thoáng, vừa gần gụi vừa xa xôi dưới vẻ đẹp bí ẩn của mà chỉ có bóng tối có thể đem lại.

Tanizaki viết liên tục, cách chuyển đoạn cũng vô cùng mượt mà. Không hề có những đoạn đứt gãy giữa những vùng ca tụng. Từ nhà vệ sinh, sang ánh đèn vàng, đến bóng trăng, sơn mài, đền đài, đến kịch nghệ, múa rối,.. Mọi thứ đều uyển chuyển vô cùng trong nhập nhoạng ảo diệu của bóng tối. Cách Tanizaki ca tụng ấy, cũng thể hiện tấm lòng tha thiết lưu giữ bóng tối, hay cũng chính là lưu lại chút tâm hồn sâu kín đẹp đẽ của người Nhật, khi những điều ấy đang dần tàn phai.

Cuốn tản văn mỏng này đã đem đến cho người đọc một thứ ánh sáng kì lạ để mỗi người có thể nhìn sâu vào góc tối trong mỗi căn nhà, hay mỗi tác phẩm nghệ thuật. Bóng tối mà Tanizaki ca tụng chính là cái tinh túy thâm trầm và cổ kính trong truyền thống lâu đời của người phương Đông. Cũng bởi thế, dù tác giả viết Ca tụng bóng tối với một lối viết tự nhiên, mộc mạc, và gần gũi, nhưng tác phẩm vẫn chưa đựng những triết lý vô cùng sâu sắc và đầy đặn về quan niệm của một người nghệ sĩ đối với những nét tinh hoa văn hóa, người muốn “giữ lại ít ra trong văn chương cái thế giới của bóng tối mà chúng ta đánh mất.”

Tanizaki là người kể chuyện có duyên nhất trong số những cây viết tiền chiến Nhật Bản. Nội dung các tác phẩm của ông phần nhiều khai thác cảnh sống đồi trụy của xã hội cũ đang suy tàn và địa ngục của đời sống nội tâm. Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa đồi phế, bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế. Các tác phẩm của ông vẫn thường tập trung vào chủ đề lịch sử và phong tục. Ca tụng bóng tối dù chỉ là một tập tản văn mỏng, mang dấu ấn của tính ngẫu hứng nhưng cũng thể hiện rất rõ phong cách văn chương Tanizaki.

Theo Zing