Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, TS.Trần Công Trục đã tham gia buổi toạ đàm cùng độc giả trên book365.vn với chủ đề “Hoạt động báo chí, xuất bản với công tác bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông”.

Mở đầu buổi toạ đàm, TS.Trần Công Trục đã có những khái quát về tình Biển Đông trong thời gian qua mà dư luận quốc tế, người Việt Nam trong và ngoài nước vô cùng quan tâm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan và đe doạ tính mạng của nhiều người, loài người đã cùng nhau đoàn kết để chống lại nó nhưng vấn đề Biển Đông không vì thế lắng đi.

{keywords}
TS Trần Công Trục. 

TS.Trần Công Trục cho rằng những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông là phi lý khiến dư luận quốc tế lên án. “Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Trung Quốc đang lợi dụng tình thế này làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác trên Biển Đông”, TS. Trần Công Trục nhấn mạnh.

Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là điều cần thiết. Việt Nam đã gửi công hàm tới LHQ để phản đối Trung Quốc liên quan tới vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, toàn diện nhất, rõ ràng nhất để các nước xung quanh Biển Đông dựa vào đó xác lập ra các vùng biển và thềm lục địa thuộc các quyền hợp pháp của mình”, TS Trần Công Trục nêu quan điểm.

Ông cũng đánh giá rất cao thời gian vừa qua, hoạt động báo chí, xuất bản đã có những cách tuyên truyền và những xuất bản phẩm để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cuốn sách Dấu ấn của Việt Nam trên biển Đông do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản là một trong những cuốn sách mà ông khuyên độc giả nên tìm đọc.

“Chúng ta không chỉ có trái tim nhiệt huyết mà phải có cái đầu lạnh. Có nghĩa là chúng ta có kiến thức, có hiểu biết, có thông tin. Thông tin ở đâu, chính là ở những cuốn sách của các nhà xuất bản – đó là những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu uy tín, tâm huyết về tình hình Biển Đông.

Suốt thời gian qua, có rất nhiều học giả đã lên tiếng và báo chí là kênh truyền tải những tiếng nói đó, tôi cũng đã viết bài, chia sẻ rất nhiều trên báo chí. Nó có tác động rất lớn giúp chúng ta có đầy đủ, rõ và rất rõ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta ở Biển Đông chứ không phải mơ hồ. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục thể hệ trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, toạ đàm hôm nay tôi đánh giá rất cao, chính là góp phần vào việc tuyên truyền đó. Sách, báo chí là vũ khí vô cùng quan trọng”, TS.Trần Công Trục chia sẻ.

{keywords}
 Cuốn sách Dấu ấn của Việt Nam trên biển Đông do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản là một trong những cuốn sách mà ông khuyên độc giả nên tìm đọc.

Chính vì vậy, TS.Trần Công Trục thậm chí đề nghị phải lựa chọn những cuốn sách để dịch ra nhiều thứ tiếng để bạn bè quốc tế thấy được câu chuyện về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Tại buổi giao lưu, rất nhiều độc giả trẻ chia sẻ rằng, họ yêu nước vô cùng, khi thấy vấn đề Biển Đông nóng như vậy, họ rất muốn ông đưa ra lời khuyên để có thể phát huy tình yêu nước, gìn giữ biển đảo quê hương.

TS Trần Công Trục nói ông trông cậy vào thế hệ trẻ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: “Đại dịch Covid-19 vừa qua là hình ảnh rất đẹp của Việt Nam, thế giới ngưỡng mộ. Qua hoạn nạn mới thấy được tấm lòng của người dân Việt Nam và tầm lãnh đạo của những lãnh đạo đất nước chúng ta. Thế nên chúng ta không nên nóng vội. Để phát huy tình yêu nước, gìn giữ biển đảo quê hương, không có gì khác ngoài nâng cao kiến thức để mỗi hành xử của chúng ta đối với một vấn đề nào đó có sức thuyết phục.

Không nên kích động, phải dùng trái tim nóng và cái đầu lạnh để đưa ra được biện pháp đấu tranh đúng đắn. Đừng chỉ biết đại khái, qua loa làm ảnh hưởng tới nhiều người, gây rối trật tự xã hội gây hoang mang cho nhiều người. Tìm hiểu sách báo chính thống, đọc thật kỹ, hiểu thật sâu.

Cần phải đầu tư thêm tiền cho các học giả, chuyên gia để xuất bản thêm nhiều cuốn sách có sức thuyết phục về Biển Đông. Đồng thời có thể tạo điều kiện để dịch và phát hành các ấn bản Biển Đông ra nước ngoài, giúp thế giới tiếp cận với những kiến thức đúng đắn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, TS.Trần Công Trục nhấn mạnh. 

Tình Lê 

99 tuổi, nhà nghiên cứu Đình Tư leo 1500 bậc cầu thang mỗi ngày và mê viết sách

99 tuổi, nhà nghiên cứu Đình Tư leo 1500 bậc cầu thang mỗi ngày và mê viết sách

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, sở dĩ ở tuổi 99 ông vẫn minh mẫn được như vậy là bởi đã rèn luyện sức khoẻ tinh thần tốt.