Ngày sách Việt Nam 21/4, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - tác giả đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất đã có buổi giao lưu tại Hội sách trực tuyến 2020 phát trên trang book365.vn. Tại buổi giao lưu, ông hào hứng chia sẻ những dự định tiếp theo, niềm đam mê nghiên cứu văn hoá và cách gìn giữ sức khoẻ, sự minh mẫn ở tuổi 99.

Gần 100 tuổi vẫn sắp ra sách 1.500 trang

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay, cuối năm nay, ông sẽ cho ra mắt cuốn sách viết về TP.HCM dày khoảng 1.500 trang. Cuốn sách đã được ông viết miệt mài trong gần 3 năm qua với 10 năm trước đó đã dày công thu thập tư liệu.

{keywords}
2 tác phẩm của tác giả Nguyễn Đình Tư - đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất. 

“Gần 10 năm, tôi đi xe đạp tới Trung tâm lưu trữ 2, ghi danh xin vào đọc tài liệu, trưa tôi không về vì sợ mất thời gian. Tôi ăn cơm ngoài đường, trải tấm áo mưa giữa sân gạch nằm nghỉ lấy lại sức. Cứ nghe chuông Trung tâm reo lại xin vào đọc, sau đó nghe chuông reo lại thu dọn ra về. Cứ gần 10 năm như vậy tôi mới đọc hết tài liệu. Giờ nghe tiếng chuông reo ở đâu tôi vẫn cứ háo hức như được vào Trung tâm vậy. Tôi thu thập được rất nhiều tài liệu bằng văn bản chính thức có dấu hẳn hoi chứ không phải là ghi chép lại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.

Ông nhận thấy rằng, TP.HCM lớn tuy nhiên chưa có tác phẩm nào tổng hợp hết được những lĩnh vực phát triển của thành phố. Chính vì vậy, ông đã bắt tay vào viết cuốn sách về thành phố này từ khi khởi thuỷ cho tới ngày hôm nay.

“Cuốn sách dự định sẽ lên tới 1.500 trang bởi thành phố đã trải qua chiều dài lịch sử 322 năm. Tôi đang băn khoăn về tên sách. Nếu ghi là TP.HCM 322 năm có vẻ như nó đóng khung ở thời điểm đó, không có sự hướng tương lai. Nhưng nếu nói lịch sử TP.HCM sẽ không đầy đủ. Tôi nghĩ nên đọc TP.HCM bước qua tổi 322 năm, có nghĩa bước qua tuổi này sẽ sang tuổi nữa, có nghĩa là có tương lai phát triển cùng đất nước”, nhà nghiên cứu 99 tuổi chia sẻ.

Tập thể dục đều đặn, sống an yên

Chia sẻ về cảm hứng và niềm say mê viết sách dù ở tuổi rất cao, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, ông luôn coi văn hoá là thứ tồn tại lâu nhất của con người cho dù thời gian, không gian có thay đổi như thế nào đi chăng nữa.

“Ngày nhỏ đi học, tôi rất thích nghiên cứu. Trong các bài giảng tiết văn học, tôi được học thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến Đoàn Thị Điểm, lớn hơn chút tôi đọc các sách nghiên cứu về Phan Đình Phùng, Vua Hàm Nghi,... Tôi cảm phục các vị đó vì tinh thần yêu nước. Tôi suy nghĩ rất nhiều về các vị đó, thơ của các vị đó hay, sự nghiệp lẫy lừng nhưng phần đời sống của họ như thế nào thì không ai tìm hiểu cả.

{keywords}
Nhà nghiên cứu 99 tuổi ngày leo gần 1.500 bậc cầu thang sống không chấp nhặt để giữ tinh thần minh mẫn, viết sách. 

Tôi muốn biết các vị đó đi xe gì đi làm, mặc trang phục như thế nào, món ăn hàng ngày ra sao. Tôi nghĩ rằng chỉ có vấn đề văn hóa mới giúp cho con người tồn tại với thời gian, vì vậy tôi mới nuôi mộng nghiên cứu. Tôi chẳng nghĩ rằng sẽ đạt được thành tựu như bây giờ hay không nhưng muốn nghiên cứu về văn hóa để lưu giữ cho hậu thế. Tôi say sưa nghiên cứu và cho tới bây giờ vẫn làm việc một cách rất hăng say không chán nản”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.

Ông bảo, ngày nào cứ 6h sáng dậy, đọc báo, sinh hoạt cá nhân rồi ngồi vào bàn làm việc, buổi trưa ông ngủ chút rồi tiếp tục viết, 12 giờ đêm ông mới đi ngủ. Lịch trình đó kéo dài nhiều năm nay và không thấy mệt mỏi. Ông kể, nhiều khi đang làm việc, có tư liệu lâu lâu thắc mắc không biết kiếm ở đâu tự nhiên phát hiện được cảm giác rất sung sướng, như người ta bắt được vàng hay trúng độc đắc vậy.

Để có được sức khoẻ minh mẫn theo đuổi niềm đam mê của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ có 2 điều mà người già nào cũng nên thực hiện đó là rèn luyện sức khoẻ, tập thể dục đều đặn và suy nghĩ vô tư, không chấp nhặt.

“Năm nay tôi 99 tuổi nhiều người đã phải chống gậy, phải đi xe lăn, con cháu dìu mới đi được thế nhưng riêng tôi đi lại vẫn tốt, lên xuống cầu thang không cần phải ai dìu. Hàng ngày tôi dành 45 phút buổi sáng và 45 phút buổi chiều tập thể dục. Nhà tôi gần đường, tôi không dám đi bộ ở ngoài vì già cả nhỡ xe cộ tông thì nguy nên tôi tập đi cầu thang. Tôi đi từ tầng 1 lên tầng 2, vị chi là 36 bậc. Mỗi ngày 40 lượt lên xuống như vậy là khoảng gần 1.500 bậc. Ngày nào cũng đều đặn như vậy hết. Thứ nữa, tôi luôn giữ tinh thần thoải mái. Bình thường, người già hay để ý hay cố chấp nhưng tôi khuyên là nên bỏ qua tất cả, coi mọi thứ thật nhẹ nhàng để sống thanh thản”, ông chia sẻ.

Tình Lê

'Người Việt Nam rất yêu lịch sử dân tộc mình!'

'Người Việt Nam rất yêu lịch sử dân tộc mình!'

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN đã chia sẻ như vậy trong cuộc giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 trên trang Book365.vn.