"Chương trình Điều còn mãi xảy ra đúng thời khắc lịch sử thiêng liêng - ngày 2/9 nên đã gợi cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc".

 

{keywords}
Điều còn mãi thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông.

Quốc ca được chơi bằng dàn nhạc giao hưởng có một sức mạnh ghê gớm

NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia trong cuộc bàn tròn về hòa nhạc Điều còn mãi mới đây chia sẻ: "Chúng tôi có rất nhiều cơ hội được chơi Quốc ca, những chuyến lưu diễn nước ngoài bao giờ trước chương trình chúng tôi cũng chơi Quốc ca. Và theo dõi những kiều bào ta ở nước ngoài, dù chúng tôi không nhìn thấy trực tiếp nhưng chúng tôi biết rằng, họ đang chảy nước mắt. Đó là cảm xúc hết sức thật. Và ngay cả các chương trình ở đất nước ta cũng vậy thôi, đặc biệt là chương trình Điều còn mãi thì nó xảy ra đúng thời khắc lịch sử thiêng liêng - ngày 2/9 nên đã gợi cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc.

Quốc ca được chơi bằng dàn nhạc giao hưởng có một sức mạnh ghê gớm và lần nào tôi cũng sởn gai ốc. Cho nên Quốc ca là điểm nhấn vô cùng quan trọng để bắt đầu Điều còn mãi. Nó tôn vinh, đẩy lòng tự hào tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, sau Quốc ca là các làn điệu dân ca, các tác phẩm khí nhạc dù là những tác phẩm đã được nhiều khán thính giả biết đến và cũng có những tác phẩm lần đầu được vang lên thì nó cũng đều gây cho người ta những cảm xúc tốt đẹp về tình yêu con người, nhân ái, tình yêu đất nước".

{keywords}
TBT báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn (trái) và Giám đốc DNGH Trí Dũng

VietNamNet sắp tổ chức hòa nhạc Điều còn mãi, một độc giả viết: "Tôi đã gần như trào nước mắt khi nghe dàn nhạc Giao hưởng chơi bản Quốc ca Việt Nam. Tự nhiên khi nghe bản nhạc này trong không khí trang nghiêm ấy tay tôi tự nhiên đặt lên ngực và thấy tim mình đập rộn ràng hơn. Tôi rất muốn có thể dẫn hai con mình cùng đi nghe buổi hòa nhạc năm 2015 này để chúng có thể cảm nhận rõ giá trị của hai từ "tự hào" thay vì suốt ngày lo trưng xe đẹp hay quần áo đẹp".

Đồng cảm với cảm xúc này, nhạc trưởng Lê Phi Phi nói: "Sự tự hào khi làm chương trình này tôi có thể khẳng định là tất cả những nghệ sĩ tham gia chương trình rồi hậu cần cho đến tổ chức để làm chương trình có ý nghĩa này nó hoàn toàn khác với những chương trình chúng tôi làm. Sự thiêng liêng và cảm xúc đặc biệt tôi có thể tin tưởng lấy từ bản thân mình.

Hồng Nhung hát 'Nhớ về Hà Nội' không biết bao nhiêu lần nhưng bản thân cô ngay sau khi hát tại Nhà hát Lớn trong chương trình Điều còn mãi cũng phải thốt lên rằng chưa bao giờ bài này mà gọi nhiều cảm xúc tới như vậy. Và chính khán giả cũng cảm nhận được điều đó. Có nghĩa là chương trình đã mang những màu mới, đó là điều mà những người tham gia chương trình đều cảm thấy tự hào.

{keywords}
Nhạc trưởng Lê Phi Phi gắn bó với Điều còn mãi từ ngày đầu.


Đấy là tự hào mà tạm thời tôi không nói tới ý nghĩa về chính trị mà là tự hào được tôn vinh nền nghệ thuật âm nhạc ở một khía cạnh mới, khuôn mặt mới, hoàn cảnh mới. Và sự tự hào đó cũng như một độc giả viết về bài Quốc ca. Quốc ca chúng ta đã nghe rất nhiều lần rồi nhưng khi dàn nhạc giao hưởng phối và chơi lại bài đó nó lại có một sức mạnh rất lớn về sự truyền tải cảm xúc. Các nghệ sĩ chơi những nhạc cụ khác nhau đã thăng hoa cùng với nhau mà không một ban nhạc nào có được. Đó cũng chính là tự hào của mỗi người làm chương trình này".

Ý nghĩa của chương trình Điều còn mãi chính là sự đặc biệt của nó

Đó là lời của NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia. Ông giải thích: "Chương trình đặc biệt về ý nghĩa, nội dung, tính chất chương trình. Đặc biệt là năm nào chương trình diễn ra vào thời khắc lịch sử, là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Đặc biệt nữa là nội dung, tính chất của nó, là cơ hội để các nghệ sĩ giao hưởng được trình tấu, biểu cảm khả năng của mình với những làn điệu dân ca được chuyển soạn cho dàn nhạc. Đó là kho tàng âm nhạc vô cùng khổng lồ của nước ta cùng các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc qua các thế hệ, đó là sự cuốn hút của chương trình Điều còn mãi".

{keywords}
Ca sĩ Đăng Dương hạnh phúc vì được biểu diễn trong hòa nhạc Điều còn mãi.

Chính vì ý nghĩa này mà các nghệ sĩ luôn mong muốn được góp mặt trong hòa nhạc Điều còn mãi. Ca sĩ Đăng Dương không giấu nổi niềm tự hào được mời biểu diễn trong chương trình này. "Lần đầu tiên tôi được xem hòa nhạc Điều còn mãi là năm 2009 qua truyền hình vào buổi chiều 2/9 và thực sự có cảm xúc rất lớn. Chương trình thật sự có ý nghĩa về mặt chính trị và nghệ thuật, xem rất cuốn hút.

Năm thứ hai được nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đã nhận lời ngay, cảm giác như mở cờ trong bụng. Năm ngoái tôi đã háo hức khi được mời hát ở Điều còn mãi nhưng đến phút cuối lại báo hoãn khiến tôi rất buồn. Thế nhưng năm nay báo VietNamNet lại tổ chức lại khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Khách quan mà nói tôi thấy khán giả đánh giá rất cao chương trình này. Nó vừa có giá trị nghệ thuật và chính trị lớn. Chúng ta đang rất thiếu những chương trình như Điều còn mãi", anh nói.

{keywords}
Ca sĩ Tùng Dương lần thứ 2 sẽ xuất hiện trong hòa nhạc Điều còn mãi 2015.

Mới chỉ trình diễn trong 1 chương trình Điều còn mãi 2013 nhưng ca sĩ Tùng Dương luôn ủng hộ hết mình cho sự kiện này. "Hai năm trước Dương đã tham gia với lời mời của nhạc sĩ Dương Thụ khi hát ca khúc 'Bên kia sông Đuống'. Dương nhớ như in cảm xúc thăng hoa lúc đó. Vào ngày 2/9, khi các bạn trẻ đưa nhau đi chơi làm những công việc ý nghĩa cho người thân thì mình lại lại được cất cao tiếng hát của người nghệ sĩ với sứ mệnh được hát trong thánh đường Nhà hát Lớn.

Trong Dương mang một sự tự hào là như vậy. Là một người con của Việt Nam và với buổi hòa nhạc mang tính hàn lâm như vậy. Dương luôn đau đáu muốn cống hiến và mong muốn có những buổi hòa nhạc như vậy để mình được thể hiện, được chia sẻ những phút giây thiêng liêng với Tùng Dương". 

Sau 1 năm gián đoạn, hòa nhạc Điều còn mãi lần thứ 6 chính thức trở lại vào 2h chiều 2/9 tại Nhà hát Lớn vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. 

Ban Văn hóa
Ảnh: Lê Anh Dũng


Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty rượu bia giải khát Sài Gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.