Trước hết, phải nói ngay, “Vị” là phim Việt Nam đầu tiên từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Trước đó, phim “Vị” đã đoạt Giải đặc biệt của Ban giám khảo trong hạng mục Những cuộc gặp gỡ (Encounters) ở LHP Berlin nhưng vi phạm Luật Điện ảnh và khi về nước đã không được cấp phép phổ biển.

Nhà quản lý nói gì?

Khi được hỏi về quan điểm về việc này, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Cục mới chỉ nhận thông tin về việc phim “Vị” từ bỏ quốc tịch qua một tờ báo và sẽ tìm hiểu vấn đề, xem xét kỹ việc này qua cuộc họp trực tuyến với nhà sản xuất. Ông cho biết: Phim “Vị” khi trình duyệt trong nước, Hội đồng duyệt phim quốc gia ngoài một thành viên duy nhất có ý kiến xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp thì số còn lại đều nhất trí không phổ biến “Vị”. Sau đó, Cục lại tổ chức chiếu mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem và cho ý kiến, từ Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo TƯ, đai diện Hội phụ nữ Việt Nam, một số báo như Báo Văn hóa, Tạp chí Điện ảnh… Và Hội đồng tư vấn nhất trí 100% không phổ biến “Vị” ở Việt Nam. Khi đó, Cục mới ra quyết định không cho phổ biến “Vị”. Cũng không thể cắt bỏ hay lược bớt cảnh nude vì nếu thế nó sẽ không thành phim.

Ông Vi Kiến Thành nói thêm: Việc “Vị” từ bỏ quốc tịch Việt là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở ta. Với những người làm nghệ thuật, đó là điều không vui. Còn góc độ pháp luật sẽ là câu chuyện khác. “Vị” là phim hợp tác sản xuất với nước ngoài thì nó đã vi phạm Luật Điện ảnh ngay từ đầu khi không trình kịch bản để thẩm định.

Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến, nhiều đạo diễn đề nghị bỏ khâu thẩm định kịch bản khi nước ngoài hợp tác làm phim tại Việt Nam. Theo tôi, cần cởi mở, thông thoáng hơn để thu hút nước ngoài về đầu tư làm phim tại Việt Nam là đúng, nhưng việc kiểm duyệt kịch bản đứng trên góc độ quản lý Nhà nước lại rất cần. Nhiều phim hợp tác, Hội đồng không cho phép vì vấn đề nội dung kịch bản xuyên tạc như có kịch bản nói rằng hang động Sơn Đoòng không phải của Việt Nam, hay kịch bản về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được nhìn theo hướng hoàn toàn khác. Vì thế không nên chỉ nhìn ở góc độ kinh tế mà cần nhìn Luật Điện ảnh trong các mối quan hệ điều phối khác nhau.

Trước hiện tượng một số phim độc lập không xin cấp phép mà tự ý gửi đi dự các LHP quốc tế rồi về mới xin duyệt phát hành trong nước, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho hay, có thể tính phương án mở hơn, tạo điều kiện cho phim Việt dễ dàng hơn tham dự LHP quốc tế, như thêm một Hội đồng chuyên biệt để thẩm định phim dự LHP quốc tế. Hội đồng này sẽ độc lập với Hội đồng phim duyệt trong nước, và khi thẩm định phim chỉ trừ những phim chống đối, đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, hay xâm phạm đến chủ quyền biển đảo còn những yếu tố khác như tình dục, bạo lực sẽ được nhìn nhận cởi mở hơn. Dĩ nhiên phim đó đi dự LHP quốc tế rồi về nước muốn phát hành thì lại qua Hội đồng trong nước.

Có đáng không?

Có người coi Hội đồng duyệt phim quốc gia là “rào cản làm thụt lùi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam”. Và hai phim được dẫn ra là “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy và “Vị” của đạo diễn Lê Bảo với lý do phim được vinh danh ở LHP quốc tế bị vùi dập, bị cắt hoặc cấm. Và đỉnh điểm là đạo diễn và nhà sản xuất phim “Vị” sẵn sàng từ bỏ quốc tịch Việt Nam của phim như nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo chia sẻ trong cuộc tọa đàm chiều 26.9. “Lệnh cấm phát hành đã không hề dựa trên góc độ xem xét tính nghệ thuật của bộ phim. Lê Bảo thậm chí chấp nhận từ bỏ quyền tác giả của bộ phim và tôi là nhà sản xuất, từ bỏ quyền sở hữu của bộ phim, để có thể cứu được đứa con của mình. Chúng tôi chỉ muốn tìm cách cứu được bộ phim”.

Có thật “Vị”, với điện ảnh Việt, là một phim “không thể không cứu”?

Phải chăng từ bỏ quốc tịch Việt của phim là cách làm “sáng tạo”, đi đầu của đạo diễn và nhà sản xuất phim độc lập để những ai sau đó có thể nhìn vào bắt chước?

Thật tiếc cho những người không được xem phim “Vị” vẫn “tát nước theo mưa” để được tiếng là “cấp tiến”, cổ vũ cho lớp trẻ. Càng buồn hơn có vị làm quản lý mà không phân biệt được các hạng mục của các LHP quốc tế để rồi bị choáng và mờ mắt bởi các giải quốc tế, và không hiểu rõ mục đích bỏ tiền đầu tư của các quỹ văn hóa là gì.

“Vị” có đạo diễn - diễn viên - bối cảnh - câu chuyện ở Việt Nam  (là TPHCM) mang ẩn ý của đạo diễn rất rõ ràng. Anh chàng da đen đến TPHCM tìm cơ hội đổi đời và sống với 4 người đàn bà trung niên, ăn ngủ với họ theo kiểu quần hôn, cùng với một con heo. Mọi sinh hoạt, ăn ngủ con người sống như thời nguyên thủy hoang dã - mà là của thời thế kỷ 21 ở một thành phố có tiếng là văn minh hiện đại. Kết phim là sự bế tắc không lối thoát dù anh da đen cao giọng khuyên những người phụ nữ nên đi tìm lối đi khác.

Cảnh nude quá dài không đáng nói, cái đáng nói là sự hạ thấp nhân phẩm phụ nữ Việt. Đạo diễn đã biến diễn viên thành công cụ đáng thương trong tay mình chứ không phải  là sự hy sinh vì nghệ thuật cao cả.

Việc chối bỏ quốc tịch Việt ở đây là sự hờn dỗi kiểu trẻ con khi không được như ý thì bỏ, để xem thái độ các “người lớn” ra sao. Hay là sự thách thức với Luật của Nhà nước Việt Nam trong quản lý về Văn hóa nghệ thuật?

Nhìn sang Iran, luật kiểm duyệt còn khắt khe hơn Việt Nam nhiều lần, làm phim không sex, không bạo lực, không ma túy, không lạm dụng phụ nữ và trẻ em… nhưng các nhà làm phim Iran vẫn vượt qua để làm những bộ phim xuất sắc giành hàng loạt giải thưởng danh giá. Câu chuyện nhỏ bé, kinh phí ít nhưng giá trị nhân văn của tác phẩm tuyệt vời và đặc biệt nó thấm đẫm văn hóa bản địa.

Trong khi nhiều đạo diễn phim độc lập ở ta không bao giờ dám nhắc hai chữ “nhân văn” vì họ cũng tự biết phim mình làm gì có nhân văn.

Từ bỏ quốc tịch phim Việt, để dán nhãn phim Singapore (“Vị” được sản xuất bởi Singapore, Việt Nam, Đức và Pháp, trong đó Singapore là nhà sản xuất  chính) đi dự các LHP quốc tế và mong có giải.

Có đáng không?

Theo Lao Động

'Nếu phim 'Vị' được phổ biến ở Việt Nam, chắc chắn nhận nhiều gạch đá'

'Nếu phim 'Vị' được phổ biến ở Việt Nam, chắc chắn nhận nhiều gạch đá'

"Người đàn ông châu Phi sống với 4 người đàn bà trung niên, ngủ với họ và tất cả đều như thời nguyên thủy, khỏa thân cả trong lúc ăn, làm bếp…", nhà báo Việt Văn nói về bộ phim bị cấm tại Việt Nam.