Tôi là não cá vàng’ kể về cô gái tên Huyền (Khánh Hiền), vốn là một nhà thiết kế thời trang tài năng nhưng lại mắc căn bệnh Alzheimer – dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ, khiến cuộc sống của Huyền ngày càng gặp nhiều trở ngại, đỉnh điểm là khi cả người chồng tương lai (Tuấn Trần) cũng vì thế mà chia tay cô.

Giữa những đau khổ và suy sụp, Huyền vô tình gặp được chàng nhiếp ảnh gia tên Thoại (La Thành) – người đã luôn bên cạnh, động viên và tỏ tình với Huyền ngay cả khi biết rõ căn bệnh của cô gái trẻ. Nhưng bi kịch lại lần nữa diễn ra khi chứng hay quên ấy ngày càng trở nặng.

Trailer phim ‘Tôi là não cá vàng’:

Cách trang điểm cũ, nhân vật ăn mặc lỗi thời

Khi mốt trang điểm trong suốt đang lên ngôi ở các nước Châu Á, dàn diễn viên nữ của ‘Tôi là não cá vàng’ lại đánh mắt xanh tô môi hồng trên lớp phấn dày như cách phối nền thịnh hành từ thập niên trước. Và dù nhân vật Huyền được giới thiệu là một nhà thiết kế tài năng, cách cô ăn mặc trong phim lại có phần sến sẩm với những tông màu chói sáng hay những chiếc áo mỏng khoác ngoài đầy hoa chi chít.

Kiểu tóc của nhân vật Thoại cũng là kiểu tóc phổ biến từ những năm 2000. Dễ dàng nhận ra vật này trên poster và trong phim có hai kiểu tóc hoàn toàn khác nhau, cộng thêm màu phim ngả xanh tương tự như màu của những MV ca nhạc xưa cũ, người xem tự hỏi liệu có phải ‘Tôi là não cá vàng’ được quay vào thời điểm nhiều năm về trước, vì lý do nào đó mà đến tận bây giờ mới được công chiếu hay không?

Nói về những thắc mắc xoay quanh thời điểm khởi quay bộ phim với VietNamNet, đạo diễn Lê Hướng Nam chia sẻ: “Phim đã được quay cách đây khoảng hơn 3 năm về trước nên mọi thứ có phần không phù hợp so với bây giờ. Nhưng do một số phát sinh khách quan mà đến hiện tại phim mới được công chiếu. Với phim này, tới thời điểm này, dù bị khen, chê, thành công hay không thì việc được công chiếu cũng là một thành công và may mắn theo nghĩa tinh thần của những người đóng góp làm ra bộ phim rồi”.

{keywords}
Kiểu tóc trên poster (trái) và trong phim (phải) của La Thành khác nhau hoàn toàn, khiến khán giả suy đoán phim đã quay từ lâu, gần đây mới chụp poster để công chiếu

Kịch bản chắp vá, kém duyên

Câu chuyện tình yêu trong ‘Tôi là não cá vàng’ khiến người xem liên tưởng đến rất nhiều các tựa phim đã thành công trước đó, điển hình có thể kể đến ’50 lần hẹn đầu’ (tựa tiếng Anh: ‘50 First Dates’) khi cùng khai thác câu chuyện tình yêu giữa cô gái mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn cùng một chàng trai mới quen.

Tuy nhiên khác với căn bệnh mất trí ở ’50 lần hẹn đầu’ được khai thác một cách mới mẻ, đóng vai trò tạo bất ngờ trong những tình huống phim, Huyền được giới thiệu mắc chứng hay quên ngay từ phần mở đầu. Suốt 2/3 thời lượng phim sau đó, người xem chỉ thấy chứng bệnh này được dùng để pha trò một cách lãng phí.

Ngoài ’50 lần hẹn đầu’, ‘Tôi là não cá vàng’ cũng có nhiều điểm tương đồng với ‘Một lít nước mắt’ (tựa tiếng Anh: ‘A litre of tears’) – loạt phim truyền hình Nhật Bản từng được phát hành rộng rãi từ năm 2005.

Huyền cũng bị người yêu bỏ rơi vì căn bệnh của mình, cũng được một chàng trai mới quen thầm yêu và tỏ tình ngay cả khi biết căn bệnh đó không thể được cứu chữa. Đến phân đoạn đắt giá nhất trong ‘Một lít nước mắt’, khi Haruto Asou đứng ngoài mưa che ô cho Aya còn bản thân mình bị ướt, cũng được Thoại lặp lại với Huyền ở rất nhiều phân cảnh. Điều đáng nói là trong khi Asou không hề kể lể về việc nhường ô đó, thì Thoại lại thường xuyên nói những câu sướt mướt về chuyện anh bị ướt mưa. Nhiều khán giả còn nhận ra một chi tiết vô lý là Thoại không che ô khi đi theo Huyền trong mưa, chỉ tới lúc tiếp cận cô, anh mới bật ô che cho Huyền rồi kể về chuyện mình bị ướt.

{keywords}
Phân cảnh ‘chiếc ô không thể che hai người’ này của ‘Một lít nước mắt’ đã được làm lại một cách dài dòng

Tuy nhiên điểm khác biệt lớn là, chuyện tình của Asou và Aya trải qua nhiều thử thách trong nhiều năm ròng mới đi tới bước tỏ tình, còn của Huyền và Thoại chỉ diễn ra trong vài ngày, khiến người xem không thể nào tin tình yêu chớp nhoáng này là một tình yêu sâu đậm.

Chưa kể đến tính cách nhân vật Huyền trong phim, ngoài việc được giới thiệu là người tài năng, Huyền lại có thói cư xử vô duyên với mọi người, hay gắt gỏng và tỏ ra khó chịu khi bị góp ý, điển hình như việc cô không thèm trả tiền cho tài xế taxi (Kiều Minh Tuấn), cúp máy ngang khi cô bạn thân (Thu Trang) tỏ ra khó chịu vì Huyền quên mất cái hẹn giữa hai người, quát Thoại vì anh đến muộn khi Huyền gặp phải bọn giang hồ trên xe buýt,...

Các cảnh quay đứt gãy, chi tiết thừa và sạn

Cách dựng phim, cắt cảnh, chuyển cảnh thô khiến tất cả các tình huống phim đều diễn ra nhanh và vô lý: bạn trai của Huyền vô tình gây tai nạn cho một cô gái lạ và quyết định chia tay Huyền ngay để cưới cô gái gặp nạn; tên giang hồ (Quách Ngọc Tuyên) từng bị Huyền truy hô nên ôm hận với Huyền, truy đuổi cô ở bất kỳ nơi đâu nhưng ngoài rượt đuổi ra không làm gì khác cả;...

Việc bố trí cảnh quay, bố cục phim của đạo diễn bị sắp xếp lộn xộn, non tay khiến một loạt sạn không đáng có xuất hiện: chưa có cảnh quay nào liên quan tới chiếc khăn choàng cổ của Huyền mà Thoại đã khẳng định đó là kỷ vật tình yêu giữa hai người; ở phân cảnh Huyền rơi xuống sông, máy quay bắt cận cảnh gương mặt Huyền dưới nước nhưng cô không hề giãy giụa mặc dù không biết bơi;...

Có vẻ phần kịch bản tham chi tiết đã khiến đạo diễn bị rối trong quá trình xử lý bố cục, quên cả cảnh quay nào phải xuất hiện trước, tình huống nào là điểm nhấn cần khai thác. Để nhường chỗ cho các cảnh gây cười kém duyên, triệu chứng bệnh Alzheimer của Huyền chỉ được sắp xếp đưa vào qua loa, không khắc hoạ bất kỳ sự khó khăn nào đáng kể trong cuộc sống của cô ngoài đôi lần quên đường, đi nhầm địa chỉ.

{keywords}
Huyền trượt chân rơi xuống sông nhưng không hề giãy giụa.


Dàn diễn viên không hợp vai, lồng tiếng sơ sài

Khó để có thể đánh giá diễn xuất của diễn viên trong khi kịch bản phim đã sẵn không tốt. Rất ít trường hợp làm được như Tye Sheridan hay Ana de Armas trong ‘Kẻ trực đêm’ (tựa tiếng Anh: ‘The Night Clerk’), khi họ vẫn thể hiện tốt vai trò diễn xuất của mình dù phần nội dung không hấp dẫn.

Khánh Hiền không hợp vai một cô gái có tính cách nhí nhảnh, trẻ con. Trong tất cả những cảnh phim cần thể hiện sự đáng yêu, ngây thơ của nhân vật chính, Hiền chỉ biết lặp đi lặp lại việc trợn tròn mắt, nhảy cẫng lên hay lắc đầu, nhăn mặt phụng phịu, trong khi những điều đó là biểu hiện của một người hơi ngốc nghếch, ngớ ngẩn chứ không phải nhí nhảnh và thông minh.

La Thành cũng gặp cùng vấn đề như Khánh Hiền, anh không hợp với vai chàng trai si tình dù bản thân là một diễn viên có kinh nghiệm. Anh từng có những vai diễn ấn tượng như trong ‘Vô gian đạo’ hay gần nhất là trong ‘Đôi mắt âm dương’. Nhân vật lần này của anh si tình một cách vô lý nên để diễn xuất thuyết phục cũng là một rào cản lớn với diễn viên cũng như phối hợp diễn xuất cùng các vai khác.

Bên cạnh hai nhân vật chính, dàn nhân vật phụ như Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Quách Ngọc Tuyên, Tuyền Mập,… hầu như không liên quan đến mạch truyện, chỉ được đưa vào những vị trí nhạt nhoà để tấu hài một cách kém duyên.

{keywords}
Nhân vật của Kiều Minh Tuấn dường như chỉ xuất hiện để bị Huyền quát mắng.

Khâu lồng tiếng cũng vướng phải những lỗi điểm khiến khán giả khó chấp nhận. Nhân vật thường xuyên có khẩu hình khác với âm thanh được ghép vào, không rõ do các diễn viên không thuộc thoại xuyên suốt quá trình quay, hay do biên kịch sau khi quay xong lại muốn chỉnh sửa thoại nên để xử lý âm thanh lồng đè chứ không cho diễn lại.

Chia sẻ với VietNamNet, đạo diễn Lê Hướng Nam cho biết: “Đây là phim lồng tiếng lại hoàn toàn. Sau khi lồng tiếng lần thứ nhất, phim nhiều lần phải chỉnh sửa, bổ sung và thay đổi nội dung hình ảnh nên quá trình lồng tiếng phải lặp lại nhiều lần. Thường phim lồng tiếng lại ít nhiều sẽ bị tình trạng sai lỗi kỹ thuật như vậy”.

Người xem dễ nhận ra phim vẫn giữ một số đoạn thoại thô không xử lý, khiến chất lượng âm thanh toàn phim không đồng bộ, khi được lồng tiếng lại khá to, khi vẫn còn tiếng vang, tiếng ồn do lấy luôn âm thanh thô từ phân cảnh.

Bên cạnh đó, phim còn liên tục đem ngoại hình và giới tính của các nhân vật phụ ra chế giễu để làm tình tiết gây hài, khiến bộ phim có đôi chỗ phản cảm.

{keywords}
Nhân vật của Tuyền Mập xuất hiện vài giây chỉ để Ham Hố (Thu Trang) thản nhiên gọi là “con cá voi”.

Nhiều khán giả không khỏi bức xúc sau khi xem phim ở rạp và để lại các bình luận tiêu cực trên khắp các diễn đàn về phim trên mạng xã hội.

Khán giả Karson Vir cho rằng: “Khá nhiều điểm kém duyên, thiếu khoa học và dưới chuẩn văn hóa xuất hiện trong bộ phim, bao gồm văn hóa giao thông, giao tiếp, cư xử, dịch vụ, văn hóa đám đông”.

Khán giả KKPD bức xúc: “Phim ‘Não cá vàng’ có những pha chuyển phân đoạn cụt ngủn tào lao, khâu lồng tiếng không thể nào méo mồm hơn, những phân đoạn sướt mướt khiến người xem không biết nên khóc hay nên cười”.

Trước những đánh giá không hay về phim từ phía người xem, đạo diễn Lê Hướng Nam chia sẻ với VietNamNet: “Đứng ở vai trò đạo diễn một phim điện ảnh đầu tay, tôi đã làm hết sức mình. Sau khi phim được công chiếu, tôi nhận thấy những phản ánh của khán giả cũng như của báo chí đều đúng. Tất cả những vấn đề đó, bản thân tôi cảm nhận được tôi đã làm chưa tốt trong phim này”.

Thanh Minh

Phim Tết Việt 2020: Khán giả đòi trả tiền vé vì phim dở

Phim Tết Việt 2020: Khán giả đòi trả tiền vé vì phim dở

 - Cuộc đua phim Việt dịp Tết năm nay với 3 ứng cử viên: Đôi mắt âm dương, 30 chưa phải Tết và Gái già lắm chiêu 3 vẫn đang 'giằng co' nhưng chất lượng không khiến khán giả thỏa mãn.