- "Khi con là nhà" với câu chuyện nhỏ, được kể đơn giản – một dạng phim giải trí mang tinh thần phim độc lập của những nhà sản xuất nhỏ. Tất cả các yếu tố sản xuất đòi hỏi dồn về “tài” thay vì tiền - một mô hình phù hợp, nếu không muốn nói là phù hợp nhất trong bối cảnh và trình độ sản xuất của phim Việt chiếu rạp hiện nay.

Bộ phim thứ hai trong năm 2017 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng xây dựng hình ảnh hai cha con rất “khác thường”, chưa từng thấy trong các phim Việt. Đó là mối quan hệ vừa thân thiết vừa “ma mãnh” với nhau. Dù ít “tin” nhau, nhưng Quang và cu Bi vẫn rất thân như chính lời tự sự đầu phim: “Hai cha con tôi vô cùng hoà thuận. À mà không! Đôi khi cũng không hoà thuận lắm”.

Trên một cây cầu cá tra - bên trong tấm vách che, cha chồm hổm “thả mồi”, bên ngoài con quăng cần câu kiếm bữa ăn. Hai cha con vừa “làm việc” vừa nói chuyện. Hai cha con nuôi chung con heo để đi thả nọc những con heo trong xóm kiếm tiền sinh sống. Một ngày, người cha nợ tiền đánh bạc phải“mưu mô” lấy nước mắt đứa con rất lì nhưng ngây thơ: “Con dùng tiền này đi chuộc con heo về đi, rồi người ta sẽ chặt tay chặt chân ba”. Đứa bé vừa mới bù lu bù loa đòi chuộc heo, đã nín khe, rơm rớm nước mắt…

{keywords}
Một số cảnh trong phim.

Mỗi ngày, hai cha con giận hờn nhau như vịt trong chuồng. Quay đầu rồi cứ lủi thủi đi tìm nhau, tìm từ nhà trước ra nhà sau, ngoài đồng đến trong nhà, rồi từ quê lên Sài Gòn, trong trại giam - ngoài chợ… Tìm trong tiếng cười, rồi trong lo lắng, hoang mang, tuyệt vọng…

Mô hình “câu chuyện nhỏ” được đầu tư phần “sức” thay vì “của”

“Đầu tư” rõ rệt và thành công nhất là dàn cast vừa lạ vừa quen. Lương Mạnh Hải sau hàng loạt phim giải trí, truyền hình hoành tráng đã quyết thôi “trắng sáng” để trở thành nông dân nuôi heo tóc dài bù xù, da đen, răng vàng... Với nhân vật Quang, anh vừa thể hiện sự dày dạn trong diễn diễn xuất,vừa rất tươi tắn khi vùng vẫy với một dạng vai diễn mới.

Có thể nói, đây là vai hay nhất của Hải từ trước đến nay trên màn ảnh rộng. Tương tự như vậy, bé Duy Anh vốn quen thuộc với rất nhiều phim làng nhàng cũng đã để lại dấu ấn bằng cả sự chuyên nghiệpvà những xúc cảm trong trẻo trong lần đầu đóng 1 vai chính dài hơi kiểu “steal the show”. La Quốc Hùng, Tú Vi, Ngọc Nga, Mai Khanh…và dàn diễn viên quần chúng đều là những điểm xuyến sinh động và rất mượt mà của phim.

{keywords}
Diễn viên nhí Duy Anh và một cảnh với chú lợn.

Kịch bản giàu tình tiết vốn là thế mạnh của Vũ Ngọc Đãng. Nhưng Khi con là nhà mới trở về đúng thế mạnh nhất của anh (như phim Chuột, Những cô gái chân dài..):cấu tứ đơn giản,chi tiết sinh động, kể chuyện gãy gọn. Câu chuyện thắt mở, thăng trầm chỉ xoay quanh và bám chặt đúng hành trình của hai cha con Quang - Bi. Không tham lam kể thêm và không làm màu bằng tuyên ngôn. Mọi thứ đi vào lòng người nhẹ nhàng, tự nhiên bằng những dụng công về chi tiết, thoại, tình huống và những góc máy đặc biệt.

{keywords}
Lương Mạnh Hải với hình tượng khác lạ trong bộ phim mới.

Nếu có một điều gì đó chưa thật tròn trịa ở đây, thì có lẽ cũng thuộc về tính “duy mỹ” của đạo diễn. Nếu những vai phụ trên phim không chỉ có da đen, quần áo rách mà sần sùi, hom hem hơn; nếu toàn bộ phim được thu tiếng hiện trường … thì tất cả sẽ còn “live” hơn rất nhiều.

Lần đầu tiên, êkíp Lương Mạnh Hải - Vũ Ngọc Đãng dốc sức tiếp cận với thể loại phim hành trình. Và có thể nói họ đã về đích rất thành công với một đề bài khó - “kể chuyện đơn giản, kinh phí thấp”. Việc còn lại là ở khán giả, những người đa phần ở thành thị, vốn đang quen với những món ăn “bom tấn”, có sẵn sàng bỏ tiền mua vé để trải nghiệm một hành trình khác lạ với đời sống thường nhật của mình hay không?..

Ngọc Khánh