Điện ảnh Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 được gọi là thời kỳ "phim mì ăn liền" vì dòng phim thương mại lên ngôi. Nhiều ê-kíp làm phim buông tuồng, chóng vánh để thu hồi vốn. Các phim giai đoạn này hầu hết phát hành rồi trôi chìm vào lãng quên vì chất lượng kém. 

{keywords}
 

Dù vậy, một số phim của Lê Công Tuấn Anh đóng vẫn được đánh giá là điểm sáng, với sức sống đến tận hôm nay. Những câu chuyện tình đẫm lệ của anh trên màn ảnh được khán giả các thế hệ khắc ghi trong trí nhớ. 

Bộ phim luôn được kể đến đầu tiên khi nhắc tới Lê Công Tuấn Anh là Vị đắng tình yêu (1990) với hiện tượng Quang "Đông ki sốt". Phim kể về Quang, một sinh viên y khoa nghèo, đem lòng yêu cô nữ sinh nhạc viên tên Phương (Thủy Tiên) nhưng chuyện tình của hai người không được gia đình Phương chấp nhận. 

Trích phim "Vị đắng tình yêu":

Khi biết Phương có một mảnh đạn nhỏ bị găm trong đầu đã 20 năm, nếu Bình (người yêu Phương - Lê Tuấn Anh đóng) rời xa cô thì Quang lại luôn ở cạnh người thương, nhờ thầy mình "phẫu thuật" tâm lý cho cô. Phương khỏe lại, Quang bị tình địch dùng thủ đoạn đẩy ra chiến trường. 10 năm sau, Phương và Bình thành vợ chồng, có 1 con gái. Quang vẫn còn yêu Phương và giữ thói quen đứng nơi cửa sổ nhà cô. Khi mảnh đạn trong đầu Phương tái phát, Quang là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thật giúp cô lấy mảnh đạn ra khỏi đầu.

Đúng như tên phim Vị đắng tình yêu, Quang của Lê Công Tuấn Anh chỉ toàn nếm vị đắng nhưng tình yêu chân tình, trong sáng và cao thượng của anh đã đánh động trái tim của thiếu nữ thời đó. Phim lập kỷ lục với doanh thu hơn 500 triệu đồng, Lê Công Tuấn Anh cũng trở thành hiện tượng. Cho đến nay, Vị đắng tình yêu vẫn được xem là một trong những phim đề tài sinh viên dễ thương và chân thật nhất.

Trích phim "Anh chỉ có mình em":

Phim Anh chỉ có mình em (1992) có Lê Công Tuấn Anh đóng chính được đánh giá cao ở tính nghệ thuật và thông điệp hậu chiến. Anh vào vai Hoan, trở về từ chiến trường, mong chờ được làm đám cưới với Vân (Thu Hà). Vì trước lúc ra đi, Hoan và Vân đã trao nhau tình yêu đầu và nguyện thề sẽ đợi nhau. Không ngờ khi Hoan đi lính, gia đình anh nhận được giấy báo tử.

Vân tưởng người yêu đã tử trận sa trường nên tâm thần bất ổn. Cô trở nên ngây dại, nhìn vịt trời mà tưởng đó là con mình. Mặc người làng đàm tiếu, Hoan vẫn tin và yêu Vân tha thiết. Hai con người luôn hướng về nhau nhưng lại bị những lề thói của làng quê bóp nghẹt.

Nếu Vị đắng tình yêu là bài tình ca lãng mạn, thi vị của tuổi đầu đời thì Anh chỉ có mình em là khúc trầm buồn giữa Hoan và Vân. Qua mối tình chung thủy bị chia cắt bởi chiến tranh, đạo diễn Đới Xuân Việt phác họa nên nỗi đau thời chiến, thân phận của những người phụ nữ hậu chiến.

{keywords}
Lê Công Tuấn Anh nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1993.

Thời phim “mì ăn liền” đang phát triển rầm rộ, phim Anh chỉ có mình em vẫn trung thành thể thức phim nhựa. Trong phim có cảnh "tình cảm" giữa Hoan và Vân trên chiếc bè ở ngã ba sông. Diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh và Thu Hà vừa phải, đủ tình, có chất thơ mà không quá bạo liệt hay sa đà vào dung tục.

Một trong những vai để đời của Lê Công Tuấn Anh là vai nhạc sĩ Quang Sơn trong phim Em còn nhớ hay em đã quên? (1993). Phim ra đời từ các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong phim, chàng nhạc sĩ lãng du mắc kẹt trong mối tình dang dở với 2 cô gái.

Trích phim "Em còn nhớ hay em đã quên?":

Diễm (Trương Ngọc Ánh) bỏ đi mất, Quang Sơn cũng đóng chặt trái tim mình. Anh gặp cô gái hát rong tên Huyền My (Hoàng Hồng Nhị), vun vén cho giọng hát và sự nghiệp của cô. Với anh, Huyền My là học trò, nàng thơ, lại vừa phảng phất bóng dáng của Diễm; trong khi với cô, Quang Sơn là cả cuộc đời. Huyền My nổi tiếng cũng là ngày Quang Sơn bị bắt vì trốn lệnh tòng quân. Trong trại giam, Quang Sơn thấy Huyền My thét gọi tên mình, nhận ra anh yêu cô nhưng đã muộn.

Trong phim, chiến tranh không hiện hữu trực tiếp nhưng tạo ra những vết thương cho các nhân vật. Bộ phim đã giành được rất nhiều giải thưởng về đạo diễn, biên kịch, nam diễn viên xuất sắc (cho Lê Công Tuấn Anh) tại kỳ LHP quốc gia lần thứ nhất.

Trích phim "Ngọt ngào và man trá":

Phim Ngọt ngào và man trá (1996) đánh dấu bước đột phá diễn xuất cho Lê Công Tuấn Anh khi vào vai đúp Cường Tuấn và Hùng Tuấn. Nếu Cường Tuấn là chàng trai khôi ngô tuấn tú thì người em song sinh Hùng Tuấn bị bệnh tâm thần. Gia đình anh lừa dối Xoan - người yêu cũ của Cường Tuấn (Khánh Huyền), để cô cứu Hùng Tuấn. "Giấy không gói được lửa", ngày Hùng Tuấn hồi phục cũng là lúc Xoan nhận ra người mình yêu hiện tại không phải Cường Tuấn.

Trong quá trình đóng phim, Lê Công Tuấn Anh đã sống cùng những bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần Hà Nội (Sài Đồng, Long Biên). Vì thế, anh diễn vai người điên vô cùng chân thực. Chẳng ai ngờ, đây cũng là vai diễn cuối cùng trong đời anh. Ngày 17/10/1996, Lê Công Tuấn Anh tự tử trước ngày phim lên sóng. Phần 2 phim Ngọt ngào và man trá cũng như kết cục mối tình giữa Hùng Tuấn và Xoan vĩnh viễn bỏ lửng. 

Lê Công Tuấn Anh đóng kịch "Vực thẳm chiều cao":

Ngoài 4 phim này, Lê Công Tuấn Anh cũng ghi dấu ấn rất nhiều phim như Mặt trời đêm, Hoa quỳnh nở muộn, Vĩnh biệt Cali, Vĩnh biệt mùa hè, Áo trắng sân trường... Bên cạnh phim điện ảnh và truyền hình, anh cũng là diễn viên kịch tài năng của đoàn kịch nói Kim Cương, từng đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc đợt 2 năm 1995 cho vai Sỏi trong vở Bước qua lời nguyền.

Cẩm Lan 

Chuyện chưa kể bên mộ nghệ sĩ Thanh Nga, diễn viên Lê Công Tuấn Anh

Chuyện chưa kể bên mộ nghệ sĩ Thanh Nga, diễn viên Lê Công Tuấn Anh

Các dịp giỗ ngày 17/10 hàng năm của Lê Công Tuấn Anh, Minh Anh thường đến sớm một ngày, đi một mình hoặc cùng mẹ. Cô dọn dẹp mộ sạch sẽ, đặt hoa tươi lên rồi đi.