Cả chục ngàn mét vuông đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam đã không được định giá khi cổ phần hóa. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự thất thoát hoặc bị bỏ phí tài sản và lợi thế đất đai như đã từng xảy ra với nhiều doanh nghiệp (DN) trước đây?

Nghèo vẫn hoàn nghèo

{keywords}

Hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu.

Câu chuyện nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng phim nhà nước lại trở nên nóng hơn bao giờ hết sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) hôm 14/4.

Kết quả đấu giá cho thấy, VFS chỉ bán được 115 ngàn, trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án, sau cổ phần hóa (CPH), Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ CNV 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.

Nhìn vào thực tế, cổ phần VFS đã không được các NĐT nhỏ lẻ chào đón, giống như với Hãng phim Giải Phóng trước đây, lý do có lẽ một phần bởi tình hình làm ăn kém hiệu quả của các hãng phim nhà nước, bởi những thông tin hoạt động của VFS khá bê bết và lượng bán cổ phần ra không nhiều, khoảng 10%.

Nhưng điều mà nhiều người yêu điện ảnh và giới đầu tư quan tâm và lo ngại sau IPO VFS là: với kết quả CPH như vậy, tương lai của Hãng phim Truyện Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào sau khi DN này được định giá thấp, tiền thu từ bán đấu giá ít và cổ đông chiến lược của hãng là một DN ngoài ngành.

Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/09/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng.

Đó là chưa kể đến thương hiệu và đất đai. Trong bản kết quả xác định giá trị DN, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 hecta đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị DN khi CPH.

Trong đó, khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội được xem là một mảnh đất vàng, với giá trị theo giá thị trường có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. VFS còn đang sử dụng khu đất hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1,2 ngàn m2 tại Quận 1 làm chi nhánh tại TP.HCM.

Theo kế hoạch sử dụng tiền thu từ đợt bán đấu giá, tiền thu về để lại cho DN chỉ khoảng 30 tỷ đồng, chi phí giải quyết chế độ cho người lao động dự kiến hơn 1,8 tỷ đồng và tiền hoàn vốn ngân sách chưa tới 7,5 tỷ đồng.

Sau CPH, VFS đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 9,4%/năm và đặt mục tiêu có lợi nhuận từ 2017 mà có gắn với một lộ trình cắt giảm chi phí.

Đất vàng đi đâu?

{keywords}

VFS chỉ sử dụng khu đất số 4 Thụy Khuê dưới hình thức thuê của nhà nước.

Theo báo cáo, Hãng phim Truyện Việt Nam đang làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng các khu đất này sau khi hết hạn thuê.

Trong một thời gian dài mấy chục năm qua, VFS chỉ sử dụng khu đất số 4 Thụy Khuê dưới hình thức thuê của nhà nước. Khu đất này vẫn thuộc thành phố Hà Nội và hãng phim chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như một số đơn vị khác.

Tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 30/09/2014, VFS lỗ luỹ kế gần 40 tỷ đồng và nợ 5,7 tỷ đồng tiền thuê đất.

Đánh giá về VFS, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, điểm sáng thu hút NĐT chính là ở chỗ VFS đang sở hữu dưới hình thức thuê đất hoặc được giao đất tại một số khu đất đắc địa tại Hà Nội.

Tuy nhiên, các NĐT mua VFS ở mức giá không bao gồm giá trị hoặc lợi ích từ các khu đất nói trên. Điều đó có nghĩa rằng, hậu CPH, các cổ đông của VFS có thể thặng dư một khoản chênh lệch địa tô lớn nếu như DN được cấp sổ đỏ và cũng có hưởng lợi nếu DN phát triển các công trình trên đó, từ giá trị phần diện tích dôi thêm do xây mới hoặc cải tạo.

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Quang Trí cho rằng, CPH mà không định giá đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan và qua đó việc thất thoát tài sản là không loại trừ.

Trên thực tế, không ít đại gia Việt đã mua được các DN sở hữu đất vàng với giá rẻ bất ngờ do không tính giá trị đất hoặc lợi thế thuê đất trong quá trình CPH. Giới đầu tư vẫn nói đến điều này trong các vụ CPH Khách sạn Phú Gia cạnh hồ Hoàn Kiếm, CPH Bánh tôm Hồ Tây trên đường Thanh Niên (Hồ Tây, Hà Nội), Intimex với đất vàng ở Hồ Gươm, hay gần đây là KS Thắng Lợi với đất vàng ở Hồ Tây… Trong một số trường hợp, danh sách cổ đông thậm chí còn chưa được công bố.

Cũng đã từ lâu, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo về sự thất thoát tài sản nhà nước khi CPH. Nguy cơ đất vàng bị thâu tóm thông qua con đường nắm quyền cổ đông chiến lược khi DNNN CPH là luôn tiềm ẩn. Và để giảm thiểu được thất thoát, lãng phí trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì yếu tố minh bạch cần được chú trọng.

Liên quan tới vấn đề này, TS Ngô Minh Hải, Phó chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ DNNN, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói chưa đủ cơ sở để kết luận rằng có thể có thất thoát lãng phí từ việc cổ phần hóa. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn là có thật. Còn hiện nay đất vẫn là đất thuê thì không thể định giá để đưa vào giá trị tài sản DN mà chỉ tính giá trị tiền thuê đất và một số phụ thu về giá trị tiền được quyền thuê mảnh đất ấy mà thôi.  Tuy nhiên, việc này cần được đưa ra công luận để phòng ngừa chuyện sẽ xảy ra.

V. Hà - Hà Duy
Ảnh: H.Hoàng