Tình trạng chung đang diễn ra là rạp chiếu lụp xụp, thậm chí có nơi không dám mở cửa vì sợ sập, phòng chiếu phim hôi hám, ghế ngồi bẩn thỉu gãy đổ, máy chiếu phim thì cũng đã bị cho vào danh sách gần như tuyệt chủng.

Cơ sở vật chất tồi tàn, trang thiết bị lạc hậu, nhân lực không đáp ứng nhu cầu công việc, tư duy ‘bao cấp’ trì trệ, các rạp chiếu phim do nhà nước quản lý đang tự bỏ miếng ăn của mình cho các tập đoàn liên doanh và tư nhân.

Trước thực tế sự phát triển ồ ạt của các rạp chiếu phim liên doanh nước ngoài và tư nhân gần đây, các rạp chiếu phim lạc hậu và không được tái đầu tư của nhà nước đang trở thành những rạp chiếu phim bỏ hoang hoặc trở thành những mảnh đất vàng cho các tập đoàn mua lại.

Ngoài việc mới đây Hãng phim truyện truyện Việt Nam được bán cổ phần cho một công ty tàu thủy không liên quan đến điện ảnh đã gây xôn xao dư luận thì còn tồn tại một thực trạng nhức nhối hơn nhiều là các trung tâm chiếu phim đang dần đánh mất toàn bộ thị trường rạp chiếu phim trong nước cho các tập đoàn tư nhân.

{keywords}
Rạp Dân Chủ năm ngoái đã phải đóng cửa sau hơn nửa tế kỷ tồn tại vì không cạnh tranh nổi.

Rạp xuống cấp đến nỗi không dám mở cửa vì sợ sập

Kinh doanh rạp chiếu phim là để phục vụ nhu cầu giải trí thư giãn và thưởng thức văn hóa của người dân. Thế nhưng với các rạp chiếu phim nhà nước hiện nay, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng khiến các rạp này đang đánh mất dần lượng khán giả về tay các rạp hiện đại của tư nhân.

Trong cuộc hội thảo do Cục điện ảnh tổ chức tại HN ngày 31/5, gần như tất cả các rạp chiếu phim đều nhắc đến vấn đề kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Tình trạng chung đang diễn ra là rạp chiếu đa phần lụp xụp, thậm chí có nơi không dám mở cửa vì sợ sập, phòng chiếu phim hôi hám khiến khán giả vừa xem phim vừa phải bịt mũi, ghế ngồi bẩn thỉu gãy đổ chỉ toan sập bất cứ lúc nào.

Với những bộ phim mới do cả trong nước lẫn nước ngoài sản xuất đều yêu cầu máy chiếu phim kỹ thuật số thì hiện nay gần như chiếm 80% các rạp chiếu phim nhà nước chỉ có máy chiếu phim 35mm phim nhựa đời cũ.

Với những máy chiếu phim nhựa cũ kĩ này, các bộ phim mới đáp ứng được thị hiếu của người xem cũng không đến được các rạp chiếu phim nhà nước do các máy chiếu phim nhựa đời cũ không đảm bảo tính bảo mật về vấn đề bản quyền. Do vậy cũng không có nhà phát hành nào muốn cộng tác.

Về nhân lực, nhiều trung tâm phát hành tại các tỉnh kêu gọi cơ chế xin thêm lao động thì một số nơi lại nêu lên chuện thừa nhân lực không có chuyên môn. Tình trạng đang chiếu phim bị hỏng máy chiếu và không một ai trong đội ngũ nhân viên rạp biết sửa khiến khán giả bỏ về là thực trạng không ít rạp tại các tỉnh gặp phải.

Lao động già không đáp ứng được thì vẫn không thể cho nghỉ, tuyển thêm lao động trẻ thì không có chỉ tiêu. Nhiều rạp chiếu phim cứ xoay quanh vòng luẩn quẩn tự trói mình để mất dần thị trường cho các rạp chiếu phim hiện đại của tư nhân và nước ngoài.

Đầu tư rạp phim: vẫn chỉ ở trên giấy

Theo bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh thì theo quyết định số 88\QĐ-TTg ký tháng 1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa trong đó tổng số rạp chiếu phim xây dựng mới là 57 rạp và nâng cấp là 49 rạp.

Tuy nhiên đến nay, những quyết định trên vẫn chỉ nằm trên giấy. Chưa kể tại hội thảo còn nêu lên tình trạng việc thu hồi rạp chiếu phim và chuyển đổi mục đích đang diễn ra mặc cho Nghị định số54/2010/NĐ-CP về Luật Điện ảnh có ghi rõ “Trong quy hoạch đô thị phải dành quỹ đất phải xây dựng rạp chiếu phim và cơ quan có thẩm quyền quy hoạch đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng phải phù hợp với quy mô phát triển dân số”.

Thêm vào đó, Nghị định 54 của Chính phủ yêu cầu “tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam đảm bảo ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu và phải được chiếu từ 18-22 giờ trong ngày” đang cũng chỉ nằm ở trên giấy do không có đủ máy chiếu kĩ thuật số để chiếu phim.

Thêm vào đó, nhiều mảnh đất vàng tại các thành phố, tỉnh thành - nơi đóng các rạp chiếu phim đang dần bị chuyển đổi và thu hồi. Việc hoạt động của nhiều rạp chiếu phim vẫn trì trệ quen theo cơ chế bao cấp đang khiến thị trường rạp chiếu phim đang dần rơi vào tay các tập đoàn tư nhân đa quốc gia.

Ngoài nguyên nhân cơ sở nghèo nàn đi cùng tính bất cập trong cơ chế chính sách, nguyên nhân khác khiến các rạp chiếu phim năng động cũng lao đao trong cơ chế thị trường  là câu chuyện về các nhà phát hành phim và nỗi bức xúc của những rạp phim muốn thoát khỏi vòng kim cô.

Bài sau: Chuyện cái nhà vệ sinh ở trung tâm chiếu phim quốc gia

H.Hoàng