Truyện cho thiếu nhi nhưng dùng từ ngữ và hình ảnh phản cảm khiến người đọc lầm tưởng sách dành cho lứa tuổi 18+...


Thạch Sanh, Sọ Dừa cũng bị 'chế tác'

Liên tiếp gần đây có quá nhiều lỗi ở sách dành cho thiếu nhi khiến nhiều phụ huynh khó khăn trong việc chọn lựa sách chuẩn cho con em mình.

Trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của NXB Hồng Đức, Sọ Dừa - nhân vật cổ tích quen thuộc - được mẹ sinh ra sau khi bà uống nước đựng trong chiếc sọ người, kèm theo là hình ảnh minh họa người phụ nữ cầm trên tay chiếc đầu lâu. Đoạn truyện viết: "Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây". Truyện còn dùng ngôn từ khá "mạnh" với trẻ nhỏ như: "quái thai", "đem chôn sống nó đi...".

{keywords}

Sọ dừa biến thành sọ người trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của NXB Hồng Đức

Trong tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi "Truyện cổ tích Việt Nam" của NXB Kim Đồng với những câu chữ vụng về, miêu tả quá chi tiết và dùng từ ngữ mạnh mẽ tả hành động giết Trăn tinh ở câu truyện Thạch Sanh khiến các mẹ đang đọc truyện cho con cũng phải rùng mình. Trong đoạn miêu tả cảnh Thạch Sanh chiến đấu với Trăn tinh có đoạn: “Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

Năm 2014, dư luận cũng từng dậy sóng về "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú". Đoạn truyện miêu tả: “Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú *** của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động... Đến lúc dần tỉnh lại thì nàng không thấy con chim trắng đáng yêu đâu nữa. Trên cơ thể nàng hình như vẫn còn lại những rung cảm êm dịu, vẫn còn lại cái cảm giác râm ran không sao cảm nhận được rõ ràng...".

{keywords}

Truyện cổ tích Việt Nam với nhiều lỗi về ngôn từ gây phản cảm người đọc

Không thể chấp nhận được

Những lỗi sai phạm kể trên cho thấy thực trạng đáng báo động trong kiểm duyệt ở mảng sách dành cho thiếu nhi. 

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phải thốt lên rằng khó có thể tưởng tượng được khi đọc sách dành cho trẻ con, nhưng lại có quá nhiều hình ảnh bạo lực và sex. "Nhiều đoạn văn đọc xong, người lớn còn phải sợ hãi vì tính bạo lực chứ chưa nói tới con trẻ", nhà văn Thu Huệ bức xúc.

Nhà văn Lê Tấn Hiển, người có khá nhiều ấn phẩm viết cho thiếu nhi tỏ thái độ thẳng thắn trước những lỗi sai phạm trong sách thiếu nhi thời gian qua. "Đây vẫn là những lỗi không thể chấp nhận được của những người làm sách, biên tập và cơ quan cấp phép.  Thử hỏi với những câu chữ gợi dục, nhạy cảm ấy, hay kinh dị ấy, các em ở tuổi chưa hẳn người lớn, nhưng cũng không còn trẻ con nữa, sẽ nghĩ đến chuyện gì? Và thực chất chuyện có "sạn” trên sách thiếu nhi trong khoảng vài năm trở lại đây đã không phải là việc mới lạ hay chưa từng xảy ra. Ðiều đó càng chứng tỏ, lâu nay công tác cấp phép, biên tập và quản lý ấn phẩm qua các đầu nậu ở ta cực kỳ lỏng lẻo và tùy tiện.

Trước hiện trạng này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho rằng, cần xốc lại khâu kiểm duyệt sách dành cho thiếu nhi.

"Vừa rồi, khi truyện Thạch Sanh trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam bị dư luận lên án phản cảm, dù chưa đến mức độ vi phạm nhưng Cục đã gửi công văn yêu cầu NXB Kim Đồng làm rõ".

Ông Hòa cũng cho hay, việc đầu tiên để xốc lại tình trạng này là cần rà soát kỹ ở khâu biên tập. "Cục cũng ra văn bản số 1430/CXBBIPH-QLXB về việc rà soát và biên tập kỹ nội dung xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi nhằm đảm bảo chất lượng về nội dung đẹp về hình thức, tránh tình trạng nội dung thô tục, bạo lực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận".

Tiếp đến, theo người đứng đầu Cục xuất bản, Cục sẽ mở lớp để đào tạo vào cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên. "Bước đầu, lớp này có khoảng 300 người. Sẽ được đào tạo bài bản thi rồi cấp chứng chỉ. Khi đã hành nghề viên tập viên, nếu họ phải chịu trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra, sai phạm sẽ bị thu hồi giấp phép, không làm công việc biên tập viên nữa", ông Hòa nói.

T.Lê