- Bao năm sống một mình, NSND Đặng Thái Sơn thành thật có những lúc ông cũng cảm thấy cô đơn. Nhưng vì tử vi nói số "cô thân quả tú" nên ông chấp nhận không than phiền. Người nghệ sĩ tài năng tiết lộ anh không hợp với người trẻ, chỉ những người phụ nữ nhiều tuổi mới hiểu và gắn kết lâu dài với ông trong đời sống.

Phần 1: Nỗi cô đơn của "Nghệ sĩ chơi piano giỏi nhất Việt Nam"

Video NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ về những người đàn bà đặc biệt

Cho đến nay chưa có một bài báo nào có thể khai thác chuyện tình cảm của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Vậy trong cuộc đời nghệ sĩ chắc hẳn cũng phải có lúc anh rung động chứ?

- Thì đương nhiên, nếu không chắc cũng nên giải nghệ. Tôi nghĩ thế này, sống trong cuộc đời ai cũng mong mình được hạnh phúc. Hạnh phúc được tìm trong rất nhiều cái khác nhau. Có người thấy trong công việc, có người trong gia đình, sự nghiệp... Tôi cũng thích mình sống làm sao cho nó vui, tôi tránh những gì khiến mình thấy bất hạnh. Và cũng có nghĩa mình không có tự đầy mình, mình không có đầy ai.

Tại sao anh lại nghĩ điều đó là bất hạnh?

- Biết chứ. Thế cho nên tôi không đi theo đường mòn, cũng không đi theo đường cổ điển. Mặc dù mình đánh nhạc cổ điển nhưng lại rất sáng tạo.

Trong cuộc đời nghệ sĩ của anh chắc hẳn sẽ có những fan là nữ họ bày tỏ tình cảm. Vậy anh ứng xử thế nào trước những tình cảm như vậy?

- Thì tôi cũng cảm ơn mọi người bằng những khúc nhạc. Cũng như tôi đã nói, tôi không quen trả lời bằng ngôn ngữ cho nên các bạn cứ nghe tôi chơi nhạc thì sẽ hiểu được tôi muốn nói điều gì. Theo tôi đó là cách trò chuyện tế nhị nhất và tôi tin chắc mọi người sẽ hiểu ngay.

Có thể trong cuộc đời mình sẽ đeo mặt nạ hay cải trang hay làm gì giấu giếm được nhưng đối với nghệ thuật là trần trụi và mình thấy rõ cái khuôn mặt của mình, con người của mình. Cho nên đối với âm nhạc, nó gọi là nude là không còn giấu giếm gì hết. Tôi cũng thích thông qua con đường ấy để mọi người có thể hiểu được hết. Có những người thông qua âm nhạc cũng có thể hiểu người nghệ sĩ đó như thế nào.

Trong cuộc đời anh có những người phụ nữ đặc biệt nào?

- Trong cuộc đời tôi, có một số người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Đầu tiên là mẹ - người theo tôi từ lúc còn nhỏ đến những khó khăn, mẹ dẫn dắt. Mẹ tôi là người tương đối khác với những người mẹ khác. Có lẽ mẹ tôi là người miền Nam và từ nhỏ đã đi học, văn hóa phương Tây rất là cao. Đặc biệt những lúc tôi bắt đầu đi học bên Nga, tôi rất ngây thơ, lúc đó mọi thứ đều tự mình làm.

Phần lớn tôi rất hợp với những người phụ nữ già dặn và nhiều tuổi hơn. Có lẽ họ có sự chịu đựng nhiều hơn, những người đó sẵn sàng nghe mình, chỉ bảo cho mình tất cả đường đi lối lại. Má tôi thì lo những việc quan trọng, nhưng những cái như là giao lưu trong xã hội rồi cách ứng xử thì bà không có nhiều kinh nghiệm nên tôi có vài người bạn thân giúp mình. Tôi không hiểu vì sao chơi với người trẻ thì dăm ba ngày cũng tan nhưng có những tình bạn cho đến giờ đã mấy chục năm rồi vẫn bền bỉ. Càng ngày tôi lại càng quý những tình bạn như vậy.

Nói về mẹ anh, phần lớn thời gian anh học và làm việc xa nhà. Vậy kỷ niệm nào sâu sắc mà anh có với mẹ?

- Thật ra hai má con luôn sống với nhau, trừ 3 năm lúc tôi sang Nga học năm 1977 thì lúc đó sinh viên không được quyền mang bố mẹ theo, cho đến lúc tôi đoạt giải năm 1980. Trong 3 năm đó tôi không sống với má tôi. Nhưng sau khi được giải năm 1980 tôi đề xuất nhà nước cho phép được mang mẹ đi sang cùng. Thế rồi sau đó tôi sống với mẹ suốt ở bên Nga rồi bên Nhật và Canada. Chỉ có gần đây cách đây 2 năm má tôi trở lại Hà Nội sống vì điều kiện tuổi già, tôi lại hay đi vắng nên cũng hơi lo. Ở đây có anh chị nên tiện trông nom hơn.

Kỷ niệm giữa hai má con thì vô vàn, nhiều lắm. Từ những thuở hàn vi, sơ tán, những lúc đó má tôi cũng rất khổ. Lúc đó bố thì ở riêng, má thì ngoài cái chuyện dạy ở trường thì còn trông con rồi các thứ cho nên nó nhiều sự lắm. Nhưng có lẽ má tôi là người mang lại cho tôi tình yêu đối với âm nhạc và tình yêu đối với Chopin.

Trong cái đêm ở quê, lúc đó đi sơ tán là có điện đóm gì đâu, trong sự yên lặng và nhiều khi chỉ có chút ánh trăng thì má tôi lại chơi những bản nhạc của Chopin. Lúc đó tôi mới chỉ 8, 9 tuổi thôi, đó cũng là những giây phút đầu tiên tôi được nghe nhạc của Chopin trong khung cảnh lãng mạn mà đúng theo tính chất của cái nhạc đó. Sau đấy má tôi cũng yêu Chopin, một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu nhất. Sau đấy má là người đã từng bước dẫn tôi đến với Chopin.

Anh có người chị gái rất nổi tiếng - NSND Trần Thu Hà. Anh có thể chia sẻ về người chị cũng rất giỏi piano này?

- Chị tôi được cái rất kiên cường. Tôi học được nghị lực làm việc của chị. Tôi cứ nghĩ đấy là một cái tính rất cần, vì khi mình học trong cái này mà muốn đạt đến thành công thì nghị lực rất quan trọng. Tài năng là một chuyện nhưng mình phải có nghị lực và quyết tâm dù khó cũng phải vượt qua hết. Từ nhỏ, không hiểu tại sao tôi cũng chơi nhiều với các anh nhưng lại rất hợp với chị. Chắc là do chị hay thủ thỉ nên cảm thấy hợp. Chị Hà không chỉ là người chị mà còn là người tôi có thể tâm tình một cách kín đáo. Chị là người hiểu mình.

Trong tương lai, anh có định về ở hẳn tại Việt Nam và chỉ chuyên tâm vào âm nhạc tại Việt Nam?

- Chẳng biết tương lai thế nào cả. Tôi luôn quan niệm cứ sống ở hiện tại trước, đừng vẽ ra cái tương lai nó quá xa. Còn trước mắt đúng là càng ngày tôi càng có dịp về Việt Nam rất nhiều vì má tôi sống ở trong nước nên tôi về thăm rồi hoạt động cũng nhiều. Trước mắt cứ như vậy. Mỗi lần về cũng rất thú vị là đi chơi, đi thăm đất nước. Mỗi khi về thì thấy đất nước mình đẹp vô cùng.

Anh có lời gì nhắn nhủ khán giả VietNamNet?

- VietNamNet là một trong những cái báo mạng mà tôi đọc hàng ngày. Ở nơi xa chỉ có những cái đường dây như vậy thì mình mới có thể biết được những gì xảy ra, không chỉ ở ngoài mà còn ở trong nước nữa. Tôi cũng biết VietNamNet rất quan tâm đến những hoạt động văn hóa nghệ thuật và gần đây, hàng năm vào ngày 2/9 thì hay tổ chức Chương trình Điều còn mãi. Tôi nghĩ những cái hoạt động này đáng được khích lệ vì nó làm cuộc sống tinh thần của mình phong phú hơn và là một cái gì đó rất cao quý.

VietNamNet