VCPMC cho biết, dù thế nào họ cũng sẽ kiên trì thuyết phục để các chủ kinh doanh khách sạn nói riêng và cộng đồng hiểu rõ hơn về việc thực thi tác quyền.

Ngày 25/5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thông tin đến báo chí về vấn đề thu phí tại các khách sạn ở Đà Nẵng có sử dụng âm nhạc với mức phí đưa ra là 25.000 đồng/phòng/năm đối với phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi.

{keywords}

Theo VCPMC việc thu tiền tác quyền tại các khách sạn đã được VCPMC thực hiện từ nhiều năm qua theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Bern tại Hà Nội 

Kiên trì thu phí cho bằng được

Theo ông Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC, việc thu tiền tác quyền tại các khách sạn đã được VCPMC thực hiện từ nhiều năm qua theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Bern tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam với các khách sạn 4-5 sao. Năm 2016, việc thu tiền tác quyền tại các khách sạn của Văn phòng VCPMC khu vực phía Nam đã đạt gần 3 tỉ đồng. Tại Đà Nẵng, do mới thực hiện nên một số chủ cơ sở kinh doanh chưa hiểu đúng về Luật. Bởi trong khoản thu đó, tiền thu tính theo đầu tivi/phòng tại khách sạn rất nhỏ mà chủ yếu là thu tiền tác quyền từ biểu diễn âm nhạc, quán bar, nhạc sảnh chờ, phòng karaoke… chứ không phải là chỉ thu trên đầu tivi như báo chí đã phản ánh.

Ông Phương cho biết việc thực hiện thu tiền bản quyền tác giả có 4 loại: quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi sử dụng tác phẩm của mình (trong lĩnh vực phát sóng kể cả sóng vô tuyến hay sóng vệ tinh), quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Ngoài ra còn các quyền liên quan khác như quyền được nhập khẩu, phân phối sản phẩm đến nước ngoài...

Ông Phương lấy ví dụ: "Khi một ca khúc được in đĩa, áp dụng quyền sao chép tác phẩm để kinh doanh dù các chủ cửa hàng đã mua đĩa rồi nhưng lại nảy sinh môi trường kinh doanh mới mà chúng tôi thu phí là quyền truyền đạt tác phẩm và quyền biểu diễn. Tương tự như vậy với khách sạn, việc thu phí khi các khách sạn mở ti vi là được quyền trong lĩnh vực phát sóng, quyền truyền đạt đến công chúng và quyền biểu diễn trước công chúng".

Báo chí đặt ra câu hỏi rằng việc thực hiện các chương trình âm nhạc, đài truyền hình đã thực hiện tiền bản quyền, tại sao người xem lại phải trả tiền lần nữa, phải chăng đây là một sự chồng chéo khiến người dân bị rơi vào cảnh phí chồng phí? "Những quyền thu này đều được ghi trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và công ước Bern, không phải là phí chồng phí, không phải là quyền này dẫm chân quyền khác" - ông Phó Đức Phương nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc khu vực miền Bắc VCPMC cũng đồng quan điểm cho rằng: "Truyền hình đã và đang tiến hành thanh toán tiền bản quyền cho chúng tôi thì đó là họ thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Đối với việc thu tiền từ các ti vi ở khách sạn là thu tiền từ các vi ti có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không phải là thu tiền của người xem là người dân bình thường".

Ông Giang cho biết, hiện nay Trung tâm không thể kiểm soát được lượng ca khúc mà các khách sạn sử dụng, cũng như số đầu ti vi có trong khách sạn mà chủ yếu là dựa trên số liệu mà khách sạn cung cấp. Do đó việc rạch ròi tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được các khách sạn đang sử dụng vẫn ở mức tương đối, tức là chưa thực sự công bằng.

VCPMC mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được phần mềm hỗ trợ để kiểm soát được tần suất sử dụng ca khúc tại những đơn vị kinh doanh này thì việc thu và phân phối tác quyền sẽ minh bạch hơn. VCPMC cho biết dù thế nào họ cũng sẽ kiên trì thuyết phục để các chủ kinh doanh khách sạn nói riêng và cộng đồng hiểu rõ hơn về việc thực thi tác quyền.

{keywords}
Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Chưa áp các khách sạn thực hiện

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định, việc VCPMC – một trong những tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tiến hành thu tác quyền âm nhạc là phù hợp với qui định của luật pháp Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, VCPMC cần thay đổi phương thức làm việc so với hiện nay, cần đàm phán để đạt được đồng thuận với đối tác kinh doanh sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong trường hợp không thỏa thuận được mới nhờ tới sự can thiệp của luật pháp.

"Đề nghị VCPMC thực hiện đúng quy trình, đúng Luật, khi triển khai trên địa bàn mới phải triển khai đúng lộ trình, phù hợp. Phải có gặp gỡ, giải thích với các chủ cơ sở kinh doanh chứ không nên cứ gửi văn bản như vừa qua, gây hiểu lầm là "cửa trên" - ông Hùng đưa ra ý kiến.

Theo ông Hùng, công văn mà VCPMC gửi các khách sạn ở Đà Nẵng nói trên cũng nên được hiểu họ vẫn đang trong giai đoạn vận động, thương thảo chứ chưa phải là việc áp các khách sạn thực hiện.

T.Lê