Gần đây, sự ca sĩ Văn Mai Hương nhiều lần trình diễn 3 ca khúc của ngôi sao quốc tế Lady Gaga là Always remember us this way, Shallow I'll never love again ở các chương trình có yếu tố thương mại gây tranh luận. Có ít nhất 18 video Văn Mai Hương hát 3 bài này, số lần cô trình diễn thực tế còn nhiều hơn và đều diễn trong các chương trình bán vé. Ngoài 3 ca khúc này, Văn Mai Hương cũng hát rất nhiều bài nhạc ngoại lẫn nhạc ngoại lời Việt. 

Việc Văn Mai Hương lạm dụng 3 ca khúc của Lady Gaga đi diễn nhận cát-xê gây tranh cãi trên mạng xã hội, báo chí vào cuộc. Nữ ca sĩ phản hồi việc xin phép, trả phí thuộc về đơn vị tổ chức sự kiện, nhưng ít nhất 4 đơn vị tổ chức lại cho rằng Văn Mai Hương tự chọn bài nên cô phải là người có trách nhiệm trả phí bản quyền.

Đôi bên đá "quả bóng trách nhiệm" qua nhau, cho đến khi Văn Mai Hương nhận lỗi “sơ suất không ghi người thể hiện ca khúc gốc, các clip trên YouTube không bật kiếm tiền và rất thích các bài hát của Lady Gaga”. Sự việc tạm lắng, nhiều video, bản thu 3 ca khúc này của cô vẫn biến mất trên YouTube, Sportify và một số nền tảng khác. Vụ việc là lời cảnh tỉnh để các bên liên quan nhìn lại vấn đề tác quyền đối với các ca khúc nước ngoài tại Việt Nam.

{keywords}
Văn Mai Hương hát nhiều ca khúc nước ngoài khi đi diễn. Ảnh: Hà Thanh Phúc

Nhạc ngoại là món hời vô tận với ca sĩ Việt

Những bản thu nhạc quốc tế (bao gồm bài hát gốc và bản lời Việt) xuất hiện từ thập niên 1970 - 1980, đến đầu thập niên 1990 trở thành trào lưu phổ biến rộng rãi. Ca sĩ Việt chủ yếu hát nhạc Hoa, nhạc Âu-Mỹ, nhạc Pháp,… Nền tân nhạc Việt Nam vì thế có một giai đoạn vàng, với nhiều tên tuổi thành danh từ thể loại nhạc Hoa lời Việt.

“Trong quá khứ, việc vi phạm bản quyền diễn ra hồn nhiên, tức là thấy hay thì hát hoặc đặt lời Việt mà không cần biết tới chuyện tác giả hoặc chủ sở hữu tác quyền có đồng ý hay không”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nói.

Ngày 26/10/2004, Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, kéo theo ngày 1/7/2006, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức có hiệu lực. Thời kỳ nhạc Hoa lời Việt chấm dứt.

Gần đây, chủ đề này một lần nữa nóng lên từ vụ việc xoay quanh Văn Mai Hương và người hâm mộ Lady Gaga tại Việt Nam. Ngoài Văn Mai Hương, Orange, Hải Yến, Dương Hoàng Yến,… cũng thường xuyên hát ca khúc nước ngoài khi đi diễn.

Nhạc ngoại lời Việt cũng là món hời hấp dẫn không kém. Ca sĩ trẻ Tăng Phúc có bài hit đạt vị trí Top 1 xu hướng thịnh hành YouTube đầu tiên trong sự nghiệp với bản cover Chỉ là không cùng nhau (bài gốc: Thời không sai lệch; st: Ngải Thần), thu hút hơn 71 triệu lượt xem. Hay ca sĩ Juky San trở nên nổi tiếng, được biết đến rộng rãi nhờ bản cover Thiên hạ hữu tình nhân (bài gốc: Thần thoại, tình thoại; sáng tác: Châu Hoa Kiện). Sau đó, cô “thừa thắng xông lên” với loạt ca khúc nhạc Hoa lời Việt khác. Ái Phương cũng phát hành hẳn một sê-ri nhạc Hoa lời Việt nhiều mùa.

Mỗi ca khúc nước ngoài trở thành hiện tượng ở Việt Nam như Độ ta không độ nàng, Cô độc vương, Tay trái chỉ trăng… đều là dịp để các ca sĩ Việt đua nhau phát hành sản phẩm cover, đi diễn bất chấp vi phạm quyền tác giả.

Luật sư Nguyễn Cường nói về tình trạng làm tác phẩm phái sinh vô tội vạ: "Những ca khúc nhạc ngoại đặt lời Việt không được cấp phép; chỉ cấp phép những ca khúc dịch sang lời Việt khi người đăng ký cấp phép xuất trình được giấy tác giả gốc cho phép dịch và đồng ý với bản dịch; chỉ cấp phép những ca khúc phổ thơ khi nhạc sĩ xuất trình được giấy tác giả thơ cho phép phổ nhạc. Vậy, những ca khúc sáng tác sau năm 2004 rơi vào những trường hợp trên mà không đủ điều kiện nghĩa là trái luật".

Văn Mai Hương, Orange, Tăng Phúc, Hà Nhi,… là những ca sĩ chủ yếu hát cover khi đi diễn. Trong đó, nhạc quốc tế chiếm phần không nhỏ. Họ hát nhạc quốc tế tại các tụ điểm và được trả cát-xê. Hoạt động này diễn ra đều đặn trong nhiều năm qua.

{keywords}
Nhạc Hoa lời Việt mang đến danh tiếng cho Tăng Phúc, Juky San,...

Vi phạm quyền tác giả do luật chưa chặt chẽ?

Hiện tượng ca sĩ Việt hát nhạc quốc tế không xin phép, không trả phí nhằm mục đích thương mại những tưởng chấm dứt vào năm 2006 bỗng trở lại rầm rộ và công nhiên sau đó 15 năm. Đây là thực trạng và nghịch lý tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ Việt hát cover nhạc của nhau dễ bị phản ứng nhưng hát nhạc quốc tế lại “an toàn” hơn rất nhiều. Họ không phải trả phí để hát nhưng kiếm tiền từ chúng. Vì thế, nhạc quốc tế ví như “niêu cơm Thạch Sanh” ăn mãi không hết.

LS Phan Vũ Tuấn cho biết các nước thành viên Công ước Berne có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả của công dân những nước thành viên Công ước bất kể các tác phẩm đã công bố hay chưa. Quyền tác giả được bảo hộ trên cơ chế tự động phát sinh mà không phụ thuộc vào việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Ông Quang Long nói thêm: “Ngay cả khi nghệ sĩ không xác định bật nút kiếm tiền trên YouTube hay nền tảng khác thì việc tự ý sử dụng tác phẩm chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu vẫn là vi phạm tác quyền”.

Dù vậy, nguyên nhân gốc rễ không nằm ở pháp luật. LS Tuấn cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã quy định khá chặt chẽ và rõ ràng về quyền tác giả và quyền liên quan. “Pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tiệm cận với các quy định của pháp luật Quốc tế và áp dụng khá bài bản. Thực trạng vi phạm xuất phát từ nguyên nhân khác”, anh nói.

Văn Mai Hương hát live "Always remember us this way" tại một chương trình:

Bài 2: Cần xóa tâm lý 'vùng trắng' quyền tác giả đối với ca khúc nước ngoài 

Gia Bảo

Loạn danh xưng của showbiz Việt bị lên án trên sóng VTV

Loạn danh xưng của showbiz Việt bị lên án trên sóng VTV

Chương trình Thời sự 23h trên VTV1 đêm 7/7 đã đề cập đến câu chuyện: Loạn danh xưng - trách nhiệm của truyền thông.

Những lý do khiến MV của ca sĩ Việt bị ẩn khỏi YouTube

Những lý do khiến MV của ca sĩ Việt bị ẩn khỏi YouTube

Noo Phước Thịnh, BigDaddy, Sơn Tùng là những ca sĩ có MV từng bị ẩn vì yếu tố bản quyền hoặc hình ảnh nhạy cảm.