1. Sài Gòn hôm nay xa lạ quá.

Thập niên 1950, gia đình tôi vào Sài Gòn, ngôi nhà mới đầu tiên ở hẻm Vườn Chuối. Nhà thứ 2 ở đường Bàn Cờ, sát nhà vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm, ba mẹ Hồng Hạnh. Cô Cẩm rất hiền, là bạn mẹ tôi. Nhà thứ 3 ở Thị Nghè. Thằng em tôi bị xe tông chết, ba tôi buồn nên trở về Huế sống. Mấy năm sau, ba tôi đưa con về lại Sài Gòn. Đường sá ngày xưa nhỏ, yên bình hơn. Dĩ nhiên, các quận trung tâm vẫn đông.

{keywords}
Nhạc sĩ Bảo Chấn tuổi 72. Ảnh: Nguyễn Thị Lê Giang

2. Tuổi 17 – 18, tôi đi hầu đồng (giúp việc - PV) cùng Quốc Dũng. Tôi, Đoan Trang và chị Anh Thư là 3 pianist giỏi nhất trường (riêng Dũng học mandolin), đều từng đi hầu đồng. Đại khái, các thầy chơi đàn còn mấy đứa chúng tôi đứng lật bài. Thời đó, chương trình phát thanh phát trực tiếp, 8h phát bài thì đúng 9h chơi. Các ông mải mê cười nói nhưng tới giờ chơi nhạc như sàn gạo. Chẳng như bây giờ, người ta coi bài mỗi một nốt đọc hoài không xong! 

Cùng trang lứa tôi có Dũng, Trung Nghĩa, Đức Huy, Ngô Thụy Miên,… Thời ấy, Bình chưa phải Ngô Thụy Miên bây giờ. Bình học violin, ưa ngủ gật, cứ môn nào chán là lăn ra ngủ, người ta chọc quá nên sau này lấy luôn tên “thụy miên” (ngủ gật).

Ra trường, tôi đi phụ giáo 2 năm rồi đi chơi nhạc. Phòng trà xưa thường nhỏ nhưng sang trọng, Sài Gòn lác đác mấy chục cái. Cứ 10 cái phòng trà hết 8 cái được nghiệp chủ mở để chơi vui. Dĩ nhiên, chơi vui âm nhạc là chính cũng đủ kiếm tiền ào ào rồi. Vì âm nhạc của mỗi phòng trà quá hay, không ai động chạm ai. Dân lục tỉnh muốn nghe Bolero phải tới Nam Đô nghe Phương Hồng Quế; tân nhạc sang trọng có phòng trà Khánh Ly, Lệ Thu, Như An, Ngọc Chánh; nhạc trẻ có Kontiki, Maxim's, Jo Marcel…

Nếu coi Sài Gòn là cái bia bắn cung thì phòng trà nào càng gần tâm càng xịn. Nhạc công tụi tôi cũng vậy. Tôi mới ra trường chỉ chơi ở cầu Phan Thanh Giản, Duy Quang chơi ở Ngã tư Hàng Xanh, là bọn vô danh tiểu tốt. Sau này khi lần lần vào tới Lê Lợi, Tự Do, tụi tôi mới là nhạc sĩ tốp đầu. Từ lương 16 ngàn đồng, 5 năm sau, lương tôi lên 150 ngàn đồng. Thời điểm đó, 1 lượng vàng 14 ngàn đồng. Đại khái, 10 tháng lương của tôi đủ mua căn nhà, loại nhà Phú Mỹ Hưng bây giờ.

3.

Nhiều năm nay, tôi không để ý mình được bao nhiêu tiền tác quyền mỗi tháng nữa. Trước đây, tôi để tụi nhỏ lãnh mà xài, từ từ tụi nhỏ cũng không thèm nữa nên tôi để bà xã lãnh thay. Tôi thì hết nhu cầu xài tiền. Nếu có, chỉ là để đi Indonesia thăm đứa út. Con bé lấy chồng rồi định cư ở đó.

{keywords}
 

Bài Hoa cỏ mùa xuân viết từ mấy đứa con gái của tôi. Trẻ con từ tuổi 14 trở đi, bạn đừng theo dõi chúng nữa, không sẽ bị ghét lắm. Tụi nhỏ nhà tôi lên 10 tuổi đã không cho ba đưa đón gần cổng trường. Tôi thì đểu, bận đưa thì đứng xa, bận rước thì đứng chình ình ngay cổng. Con bé ôm cặp dứng tần ngần tức tối, đợi người ta đi hết mới chịu ra lên xe ba đưa về, không quên lườm: Ba kỳ quá! Hoặc trên đường, nếu thấy xe cô giáo, tụi nhỏ sẽ giục ba chạy thật nhanh.

Lên 16 – 17 tuổi, tụi nhỏ đã biết yêu, cầm sổ ghi ghi chép chép, làm thơ tình, nhìn biết ngay. Tôi quan sát tất cả điều nhỏ nhặt ấy viết thành những bài hát, Hoa cỏ mùa xuân chỉ là một trong số. Vợ tôi gần gũi con hơn, còn ông già nhạc sĩ này chỉ đứng từ xa quan sát. Đến giờ, tụi nó vẫn không biết chuyện này.

4.

Tôi và anh Trịnh Công Sơn là bà con. Mẹ anh Sơn là cô tôi, dòng Nguyễn Phước. Chú tôi họ Trịnh, là một công chức ở Buôn Mê Thuột, mất sớm. Ngày ấy, mọi người hay đùa: Nếu thời xưa Trịnh - Nguyễn phân tranh thì giờ Trịnh - Nguyễn giao hôn. Anh Sơn lành, dễ thương, lành, cửa miệng luôn nói hai từ “thôi kệ”. 

Anh Sơn chơi chữ như chơi lego. Một kiểu chơi chữ không ai hiểu gì nhưng ai cũng sợ. Tụi tôi là anh em trong nhà, thỉnh thoảng được anh mách vài chỗ mới biết. Câu Trời cao níu bước sơn khê (bài Biển nhớ) đâu phải trời níu bước núi khe mà là anh Sơn với cô Bích Khê. Có khi nắng khuya chưa lên (bài Chiều một mình qua phố), làm gì có nắng khuya? Đó là ánh trăng. Ai cũng tưởng Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ (bài Diễm xưa) là chùa Thiên Mụ, thật ra là cái ngấn cổ cô Diễm. Anh là trùm nghịch ngợm, hay cài ẩn chữ, bố ai mà biết! Chính phép cộng của nhạc và lời biến âm nhạc của anh thành một thứ gì đó rất siêu nhiên.

{keywords}
 

Anh Sơn được yêu thích nhất bởi những sáng tác trước năm 1975. Những bài sau này được ca sĩ hát vì cái tên Trịnh Công Sơn hơn là sự yêu thích một tác phẩm chạm đến trái tim người nghe. Tuổi già, anh Sơn hầu như chỉ viết cho mình. Con người thật của anh với báo chí viết gần như khác hẳn.

Phương trong Lê Uyên Phương, tôi hay gọi anh là Lập, cũng là bà con của anh Sơn, cùng là hoàng phái. Ngày xưa, Uyên và Phương ở khu Nguyễn Trãi, gần ngay billiards ông Năm Thượng. Tôi vẫn hay lên lầu ở đó ngồi với cặp Uyên - Phương, cặp Từ Công Phụng, còn anh Sơn thì nhiều cặp quá!

Mỗi thứ Bảy, Chúa Nhật, tôi lại lần mò sang quán Văn. Tôi là người đầu tiên chơi bài Giọt lệ cho ngàn sau của anh Phụng. Anh hơn tôi 7 - 8 tuổi nhưng tôi cứ hỗn hào xưng hô “mày – tao” vì chơi thân. Anh cầm tờ giấy viết bài Giọt lệ cho ngàn sau bảo tôi đọc nốt đi rồi đánh cho anh. Tôi bảo anh cứ hát, tôi đánh luôn. Tôi đánh cho một lần, anh nhớ tới giờ, lần nào về nước cũng nhắc.

5.

Thỉnh thoảng, tôi mơ thấy những con sông trong Đại nội - nơi tôi và Phúc hay chơi đùa thủa ấu thơ. Trời mưa, lụt dâng cao, nhà tôi thì sát thành, từ mái nhà có thể trèo lên tường thành. Trên tường thành có mấy bụi chuối. Chúng tôi hay chặt thân cây chuối làm bè, mình làm tráng sĩ thả bè trôi sông. Có lần trôi tận cống Lương Y, 5 đứa nhỏ khóc như đám chó con. May, có người thả dây thừng kéo vào. Chúng tôi mà trôi ra sông Đông Ba thì xong đời, nghĩ lại ẩu dễ sợ! Dĩ nhiên, sau hôm ấy, đứa nào cũng nằm lên phản ăn đòn.

{keywords}
 

Tuổi 72, thỉnh thoảng tôi mới về Huế. Ở đó đã không còn gì thân quen nữa ngoài những đứa bạn học cũ. Vài cô bạn năm xưa gặp lại, tôi suýt kêu “bà ngoại”. Hóa ra đứa nào cũng già cả rồi. Tụi tôi gặp nhau, “nhắc chuyện đời chuyện người thương đau”.

Mọi thứ đã khác nhiều. Những ngôi nhà cũ của tôi, thỉnh thoảng đi ngang nhòm, người chủ sau để chúng xập xệ lắm. Cảm xúc là thứ rất tự nhiên. Nhà - nơi nhốt tuổi thơ của tôi, đã khác, tôi lại nhìn chúng bằng chiều khác, khó tránh khỏi hụt hẫng. Mấy chục năm ở Sài Gòn, tôi về quê có nói giọng Huế vẫn bị “chém đẹp”. Họ tinh lắm.

Mỹ Linh hát 'Hoa cỏ mùa xuân' (st: Bảo Chấn)

Nhạc sĩ Bảo Chấn

Đón đọc bài ngày mai: 'Khánh Ly mở ví Trịnh Công Sơn thấy rỗng là bỏ tiền cho anh xài'

Góc khuất chưa kể về tác giả ca khúc 'Tình thôi xót xa'

Góc khuất chưa kể về tác giả ca khúc 'Tình thôi xót xa'

"Nói đến lòng tự trọng để nhắc về một tai vạ của anh và nhiều người khác: nghi án đạo nhạc 2004. Thời đó anh bị nặng nhất, bị xỉ vả, cái tên bị đem ra chê bai và làm cho méo mó", Quốc Bảo viết về Bảo Chấn.