LTS: Nhân chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" trên báo VietNamNet, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết về mẹ cùng những nỗi niềm gói kín trong lòng khiến anh yêu mẹ sâu sắc và không ngừng hoàn thiện bản thân để mẹ tự hào. VietNamNet xin đăng bài viết của nhạc sĩ gửi đến mẹ.

"Khi con hư, người ta không chửi con mà chửi má không biết dạy con...".

Đó là lời mẹ nói với tôi suốt cả tuổi thơ để kềm lại cái tính lì lợm, bướng bỉnh, ham chơi lười học của tôi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và luôn cố gắng sống sao cho mẹ tự hào về mình. Tất nhiên, đoạn đường “giác ngộ” câu nói đó không dễ dàng.

Mẹ cũng thường nói: "Ở đời không ai tự nhiên thương mình đâu. Con đừng ngây thơ quá”, mỗi khi tôi hào hứng khoe với mẹ có người này, công ty kia đưa ra những lời đề nghị hợp tác hấp dẫn mà thoạt nghe có vẻ rất “có lợi” và “tương lai tươi sáng” thời tôi chập chững bước vào con đường sáng tác. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiệt huyết, mộng mơ, ảo tưởng vào bản thân, tin vào cái kết thành công dễ dàng, vinh quang vang dội nhưng cũng thường nhận lại trái đắng phũ phàng.

Thật vậy, 70 - 80% phi vụ đó đều kết thúc không mấy thuận lợi và vui vẻ hay có lợi như những gì tôi đã từng chia sẻ trên truyền thông rằng “con đường tôi đi thật may mắn”. Có rất nhiều chuyện tôi không muốn nói ra vì chẳng giải quyết được gì. Mình ngu thì mình chịu, biết và tránh xa những người đó, tự rút ra bài học và xem như đó là kinh nghiệm cho mình.

Những lời ngon ngọt, hứa hẹn lúc đầu luôn kết thúc bằng sự hụt hẫng khi người ta ôm trọn phần lợi nhuận khổng lồ sau mỗi lần hợp tác, thậm chí, có người từng là bạn thân. Ban đầu, tôi từng cho là mẹ suy nghĩ bi quan. Sau những chuyện đó, tôi mới nhận ra lời mẹ nói là thực tế của cuộc sống. Và bài học thứ 2 của mẹ dạy tôi là: "Lỡ rồi, mất rồi, chấp nhận đi con, làm lại thôi". 

{keywords}
Nguyễn Văn Chung bên cha mẹ.

Không tự nhiên mà tôi có thể viết được nhiều bài hát về mẹ: Thư của mẹ, Con nợ mẹ, Mấy giờ con về, 8 lời nói dối của mẹ, Khi vắng mẹ… và nhất là bài hát tự hào nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi: Nhật ký của mẹ. Tôi yêu mẹ. Tôi luôn trân trọng đến mức chữ Mẹ nào tôi cũng viết hoa dù đang nói về mẹ tôi hay người mẹ nào đó.

Ngày xưa, tôi cũng từng là một cậu bé vô tư, vô tâm, ham chơi lười biếng như bao cậu bé khác. Tôi thường giận hờn mẹ vì mẹ hay đánh đòn tôi nhất trong nhà, thậm chí có lần đánh oan. Sau này, mẹ mới nói đánh tôi phần vì làm gương cho hai em, phần vì áp lực cuộc sống làm mẹ khó chịu không biết trút vào đâu, và phần vì tôi lì thật!  

Năm tôi lớp 5, gia đình tôi xảy ra biến cố. Em trai tôi bị bắt cóc ngay trước cửa nhà. Khi nhận ra, cả nhà túa ra đi tìm. Tôi chạy chân không khắp các con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu để tìm. Tôi thấy mẹ chạy chiếc Chaly nhỏ xíu màu trắng vừa khóc vừa gọi to “Đức ơi! Đức ơi…”. Tự nhiên, tôi khóc. Tôi biết sau này lỡ mình có chuyện gì, mẹ sẽ lo lắng và đi kiếm tôi như vậy. Đó là hạt mầm đầu tiên về tình yêu mẹ được gieo trong tôi.

Tôi dần trưởng thành, ngày càng tỏ rõ cái tôi của mình. Tôi không học đúng ngành mẹ muốn, không thi đúng trường mẹ chọn (thật ra, tôi nghĩ mình không đủ khả năng); tôi cãi nhau với ba về các quyết định nghề nghiệp của mình; mải mê theo đuổi con đường mình thích mà không quan tâm đến cảm giác và sự lo âu của ba mẹ; mải mê vui chơi cùng bạn bè, mải mê công việc thâu đêm suốt sáng…

Có đêm, tôi gặp cơn ác mộng đáng sợ nhất đời mình. Tôi cứ nghĩ mơ thấy ma, bị đuổi hay bị rơi đã là đáng sợ rồi. Nhưng không! Đó là giấc mơ tôi về nhà nhưng không thấy mẹ. Tôi vào bếp thấy đèn tắt tối thui, trên bàn không có đồ ăn. Tôi đi lên lầu, nơi thường thấy mẹ ngồi xếp đồ cho mình, vẫn là vắng lặng. Bất giác, tôi kêu: "Má ơi", không có ai trả lời. Tôi cứ kêu: "Má ơi, má ơi...", vẫn sự im lặng đáng sợ. Tôi gào lên "Má ơi má...". Đó là lúc tôi biết sợ. Tôi trống rỗng, nghẹt thở trước cảm giác chỉ còn mình tôi trên cuộc đời này. 

Mẹ Nguyễn Văn Chung thời trẻ và hiện tại.

Đầu tôi lướt qua rất nhiều hình ảnh: lúc mẹ chạy trên chiếc Chaly nhỏ chở tôi đi Chợ Lớn mua đồ chơi; lúc mẹ khóc chạy đi tìm em tôi; lúc mẹ đưa đón tôi đi học; những buổi tối mẹ chiên cơm với trứng và học bài cùng tôi; những lần tôi cãi mẹ làm mẹ tức phát khóc; cả những lần mẹ la mắng, càu nhàu tôi... Tôi muốn xin lỗi mẹ, ốm lấy mẹ, muốn nhìn thấy mẹ nhưng không được nữa. 

Rồi tôi òa khóc, khóc rất to, nước mắt chảy giàn giụa không ngừng được. Lâu lắm rồi, tôi không khóc to như vậy kể từ những trận đòn ngày nhỏ. Tôi cảm nhận được nỗi đau mất mẹ lớn đến dường nào. Và, nó bóp nghẹt trái tim mình ra sao.

Khi mở mắt ra, tôi thấy mình đã khóc ướt chiếc gối đang nằm. Đó là ngày tôi thay đổi mãi mãi! Tôi may mắn vì được gặp giấc mơ này, được thức tỉnh và nhận cơ hội thứ hai trong đời. Tôi xuống nhà, nhìn thấy mẹ đang chuẩn bị cơm cho cả nhà. Tôi ngồi sụp ngay góc cầu thang và lại khóc! Tôi tự hứa với lòng sẽ không bao giờ cãi mẹ hay làm mẹ buồn nữa. Tôi sẽ luôn dành cho mẹ những điều tốt nhất có thể. Tôi muốn báo đáp lại tình yêu mẹ đã dành cho tôi.

Từ đó trở đi, tôi về nhà mỗi ngày để nhìn thấy mẹ, ăn cơm với mẹ. Khi mẹ càu nhàu, tôi chỉ cười, không cãi mẹ nữa. Tôi tập nhìn mọi việc trong cuộc sống bằng góc nhìn của tôi lẫn của mẹ. Chuyện gì tôi cũng thảo luận với mẹ và học cách thuyết mẹ khi mẹ sai. Đúng sai không quan trọng bằng cách nói và cảm giác khi mẹ con tôi nói chuyện với nhau.

*

Mẹ đã dạy tôi nhiều bài học đúng mà tôi đã học trọn vẹn vào cuộc sống của mình. 

Mẹ dạy tôi đồng tiền chỉ là phương tiện, mình dùng đúng thì người ta sẽ quý, tôn trọng mình. Trong làm ăn, tiền của ai là của người đó. Mình phải giữ uy tín, đã mượn là phải trả thật vui vẻ và đúng hẹn. Người có uy tín làm gì cũng dễ và thuận lợi hơn người khác. Không cần bất chấp kiếm tiền, danh dự quan trọng hơn. Ai tình cảm thì mình tình cảm lại. Ai tính toán thì mình cứ theo lý mà làm.

Mẹ dạy tôi cuộc đời này phức tạp, mỗi người một ý. Mình không thể sống vừa lòng hết mọi người. Hôm nay, họ quý sẽ khen mình, ngày mai họ ghét sẽ đạp mình. Vì vậy, cứ sống cho đàng hoàng, đúng pháp luật, đạo lý và tình nghĩa là được, còn lại đừng bận tâm ai nói gì. Cái quan trọng nhất là mình phải ngay thẳng. Chỉ khi ngay thẳng, mình mới ngủ ngon mỗi ngày...

Còn nhiều điều lắm, tôi khó mà kể hết. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ mẹ. Mẹ cho tôi trái tim có cảm xúc, biết yêu thương mọi người. Cách mẹ cư xử với những người khác là tấm gương cho tôi. Mẹ hoà nhã, thân thiện, nói năng cẩn trọng với mọi người; mẹ chăm lo cho từng người trong gia đình;... tất cả, tôi đều thấy được.

{keywords}
Nguyễn Văn Chung sống tử tế để mẹ tự hào.

Hai năm trước, gặp một biến cố khiến tôi mất hết những gì từng tích cóp được. Mẹ vì lo nghĩ, buồn cho tôi mà đổ bệnh. Cả tháng trời, tôi ở bên mẹ trong bệnh viện, tâm sự với mẹ rất nhiều. Nhờ lần đó mà hai mẹ con lại được dịp nói chuyện và hiểu nhau nhiều hơn. Hai mẹ con vẫn chốt lại câu: “Lỡ rồi, mất rồi, chấp nhận đi con. Làm lại thôi!”.

Học cách chấp nhận sẽ khiến cuộc sống chúng ta dễ dàng hơn. Chữ "chấp nhận" rất hay, chúng ta hiểu rằng mọi việc vốn dĩ phải thế, bản chất con người là vậy; rằng đó là tất yếu của cuộc sống, là lựa chọn mong muốn của người khác… Chúng ta sẽ bớt bất mãn về cuộc đời, bớt ngạc nhiên về lòng người và đơn giản là tìm cách giải quyết, thích nghi với nó.

Tôi cũng khuyên mẹ không nên buồn vì những gì xảy ra với tôi hay các em: "Mẹ cứ chấp nhận vì đó là cuộc đời, ai cũng sẽ gặp những chuyện như vậy. Mẹ hãy tin tưởng anh em con sẽ có cách vượt qua, chỉ cần mẹ giữ sức khoẻ và làm những gì mẹ vui là được". Tôi biết mẹ hay lo cho người khác đến mức quên cả bản thân mình. 

Mẹ không mua gì cho mẹ cả. Tôi mua sâm cho mẹ, mẹ lại để cho ba; mua yến cho mẹ, mẹ lại để cho cháu. Mẹ là vậy, có đồ ngon lại dành cho gia đình. 

Khi biết mẹ ký tên hiến xác cho y học, nhiều người quen phản đối, có người nhắn tôi khuyên mẹ. Tôi chỉ mỉm cười và nói rằng, tôi tôn trọng mọi quyết định ấy vì đó là mong muốn và điều mẹ thấy ý nghĩa.

Đúng như câu "Khi con hư, người ta không chửi con mà chửi má không biết dạy con", tôi bây giờ làm gì cũng nghĩ đến mẹ, đến con. Tôi không bài bạc, rượu chè, tiêu xài hoang phí. Tôi không xăm mình (dù chẳng kỳ thị hay ác cảm gì chuyện này) vì điều đó có thể làm mẹ không vui. Tôi không viết bài hát gây sốc, “cá tính riêng”, “nổi loạn”; không chửi thề hay sỉ nhục ai trên Facebook... Tất cả điều đó không ai ép tôi được, chỉ đơn giản là tôi không muốn mẹ không vui.

Tôi muốn sống sao cho mẹ tự hào, bớt lo lắng về con trai. Để khi tôi thành công và được ghi nhận, người ta không cần khen tôi mà khen mẹ tôi biết dạy con!

Video: Hiền Thục hát 'Nhật ký của mẹ'

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Nhạc sĩ bán độc quyền bài hit cũ là tham tiền, thiếu tình?

Nhạc sĩ bán độc quyền bài hit cũ là tham tiền, thiếu tình?

Vụ việc Nguyễn Văn Chung bán hit cũ của Cao Thái Sơn cho Nathan Lee dấy lên tranh cãi. Nguyễn Hồng Thuận cho rằng quan hệ công việc hay tình cảm thì hết tình vẫn còn nghĩa, làm nghề cần chữ Tín.