Trữ tình, đầy khát vọng - những gì tôi cảm nhận được từ nhạc không lời của ông lại chẳng mấy ăn nhập với hình ảnh chú Hoàng Dương trong đời thường mà tôi lưu trữ trong bộ nhớ của mình từ mấy chục năm trước.


LTS: Nhạc sĩ Hoàng Dương - tác giả ca khúc 'Hướng về Hà Nội' vừa qua đời đêm 30/1 ở tuổi 84. VietNamNet xin giới thiệu lại bài viết của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu về nhạc sĩ Hoàng Dương đã được giới thiệu trên VietNamNet trước thềm hoà nhạc Điều còn mãi 2010. 

{keywords}
Nhạc sĩ Hoàng Dương (1933-2017)

Thời con nít, tôi quen thấy ông - thân phụ của một bạn cùng lớp - trong vị thế của ông bố uy quyền và ông thầy nghiêm nghị. Cái uy, cái nghiêm giống như chiếc áo giáp kiên cố đã che kín con người đa sầu đa cảm. Ông bố khắt khe có thể thẳng tay “đi một bài quân sự” bằng roi vọt để đặt con cái vào khuôn phép hóa ra lại thuộc loài “cá chuối đắm đuối vì con”. Ông bố “cá chuối” sau khi chia tay con trai ở Matxcơva đã khóc sướt mướt và suốt thời gian trên tàu về nước ngày nào ông cũng sụt sùi viết thư cho con, tàu dừng ga nào cũng bỏ thư cho con căn dặn đủ thứ tỉ mỉ như một bà mẹ hay lo và mau nước mắt. 

Giờ đã sang tuổi thất thập rồi mà chẳng vợi được chút nào nỗi khắc khoải vì con, ông sẵn lòng gánh đỡ việc không tên trong cuộc sống gia đình của đứa này, cặm cụi lo bài vở, lo từng bước đi trong sự nghiệp của đứa kia. Ông vẫn “đắm đuối” nhắc lại chuyện các con từ thuở còn nằm nôi rồi tuổi biết quậy phá, như thể quên bẵng những “thằng bé” của ông hiện đang là những nghệ sĩ soliste có vị trí - anh là giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, em là concertmaster của Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.

Chẳng có gì lạ nếu hiểu rằng ông đã thừa hưởng từ cụ thân sinh của mình, một danh nhân văn hóa Hà Nội - nhà văn Trúc Khê, không những cái “gien” văn học nghệ thuật mà cả những nguyên tắc sống dựa trên nền tảng đạo lí Nho giáo. Những giáo lí nghiêm ngặt “gia truyền” kết thành sợi dây vô hình cột chặt ông bố vốn nặng lòng thương vợ yêu con để neo giữ ông ở một bến đậu yên lành.

Chất trữ tình lãng mạn, nguồn cảm hứng nồng nhiệt, những rung động nhạy bén, những khát vọng đam mê… tóm lại, những gì phức tạp rắc rối và mỏng manh dễ vỡ trong con người nghệ sĩ không mất đi, mà đã tìm ra chỗ để “phát”, đấy là lĩnh vực biểu diễn và sáng tác, đặc biệt là sáng tác khí nhạc.

Khó biết được sự nhạy cảm mềm yếu ở người cha, người thầy mực thước, nhưng có thể nhận ra liền vẻ dịu dàng, đắm say, nồng nhiệt trong tiếng đàn của nghệ sĩ độc tấu violoncelle Hoàng Dương. Chỉ tiếc ông không chịu biểu diễn tác phẩm của mình dù “tự biên tự diễn” dễ “nói” được hết điều muốn nói và như thế cũng dễ có được hình ảnh trọn vẹn cái tôi của mình…

Thi ca, đặc biệt thơ tình, hẳn nhiên luôn là nguồn cảm hứng cho sáng tác của một người rất nhạy bén trong cảm thụ văn chương. Điều này thấy ngay không chỉ trong nhiều ca khúc phổ thơ của ông, mà còn ở khí nhạc với hầu hết các tác phẩm đều mang tiêu đề và đôi khi được dẫn giải bằng thơ. Con người Hoàng Dương tưởng như “thiên” về lí lại rất nặng chữ “tình”, tình riêng và tình chung, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước. 

Bằng âm nhạc không lời, ông muốn hoạ nên bộ tranh tứ bình hoặc gom góp những thăng trầm thành cuốn “biên niên sử” cho quê hương. Đấy là miền quê trong tâm khảm mỗi người có thể nằm bất kì đâu trên bản đồ đất nước, nhưng cũng có khi được gắn với địa danh cụ thể, một Hạ Long “giữa núi và biển khơi, lộng lẫy một phương trời” (Thơ Phùng Quốc Thụy, sonatine Bài thơ Hạ Longcho violoncelle và dàn nhạc), một Huế nên thơ giữa “mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng” và quật khởi với “những cổng thành dang rộng cánh chim ưng” (Thơ Tố Hữu và Thanh Hải, tổ khúc Tiếng hát sông Hương cho violoncelle và dàn nhạc). 

Hình tượng quê hương càng thêm đằm thắm trong tình riêng, những mối tình thủy chung “phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ” (Thơ Tố Hữu, rhapsodie Bài ca chung thủy cho violon và dàn nhạc). Tình yêu của Hoàng Dương là tình của những thế hệ trước thế hệ @, cũng “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ” (Thơ Xuân Quỳnh poème Biển cả tình yêu cho dàn nhạc dây, flute và piano) nhưng không bao giờ đánh mất khát vọng về sự vĩnh hằng như sóng biển ngàn năm vẫn vỗ. Ông còn mượn hình tượng Xúy Vân của sân khấu cổ truyền để đẩy cao hơn cái khát vọng được sống được yêu đúng với con người thực của mình và chính cô gái giả dại ấy đã giúp ông mở ra góc khuất tâm hồn và bộc bạch phần nào quan niệm sống, triết lí sống của riêng ông.

Đọc nhiều, biết nhiều, nhớ nhiều, sự uyên thâm về văn hóa âm nhạc nhân loại nói chung cũng như về âm nhạc chuyên nghiệp đương đại phương Tây nói riêng lại không lôi kéo ông chạy theo những trào lưu mốt mới và không bứt được ông ra khỏi cội nguồn dân tộc. Không ít tác phẩm khí nhạc của ông được phát triển trực tiếp từ làn điệu cổ: Lý chiều chiều và Lý con sáo trong Giai điệu quê hương, Se chỉ luồn kim trong Những kỉ niệm quê hương, Hò mái nhì trong Tiếng hát sông HươngLới lơ trong Khát vọng

Có thể nói gia tài khí nhạc của ông được gây dựng từ dân ca, bước đầu cải biên dân ca, phát triển dân ca và tiếp đến là những sáng tác không “dựa dẫm” vào làn điệu cụ thể mà vẫn thấm đẫm tinh thần dân ca. Chất lãng mạn trong ông gần với tính trữ tình mượt mà dễ ngấm của dân ca Việt Nam hơn là những trò ảo thuật âm thanh đầy ấn tượng và đáng nể mà ông đã dày công tìm hiểu. Ảnh hưởng từ một vài thủ pháp sáng tác theo phong cách Hiện đại nếu có cũng không đè bẹp tính giai điệu, mà chủ yếu biểu hiện ở khía cạnh tự do kết cấu âm thanh về chiều dọc và tăng cường động lực phát triển về chiều ngang sao cho phù hợp với những nét nhạc ngũ cung mang âm điệu dân gian.

Việc hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau - giảng dạy, biểu diễn, viết báo, dịch thuật - ít nhiều đều có tác động đến sáng tác của ông. Là nghệ sĩ biểu diễn đàn dây, ông có tham vọng mở rộng khả năng biểu hiện của giọng hát để đưa thanh nhạc lại gần với khí nhạc. Ngược lại, là nhà soạn nhạc trưởng thành từ ca khúc, ông không ngừng chăm chút tính ca xướng trong nhạc đàn. Con mắt suy xét của một cây bút nghiên cứu sử liệu âm nhạc “canh chừng” cho ông không sao nhãng tính chặt chẽ trong cấu trúc tác phẩm và sự hợp lí trong phát triển tuyến giai điệu. 

Ca sĩ Nguyên Thảo hát 'Hướng về Hà Nội' tại Điều còn mãi 2010

Mặt khác, tâm hồn thơ ca luôn thôi thúc ông đi theo logic cảm xúc chứ không coi logic lí trí làm cứu cánh. Thêm nữa, kinh nghiệm biểu diễn cộng với kinh nghiệm sư phạm lâu năm chính là thế mạnh, là sở trường để phát huy kĩ thuật diễn tấu phong phú và phóng túng trong sáng tác của ông. 

Vì “xuất thân” từ nghệ sĩ violoncelle nên nhạc sĩ Hoàng Dương thường viết cho nhạc cụ dây độc tấu cùng dàn nhạc (hoặc piano). Vai chính dĩ nhiên thuộc về cây đàn solo, còn dàn nhạc đóng vai quần chúng thường tôn vinh nhân vật chính bằng cách làm nền đệm, “đúp” bè hoặc đi bè phụ họa. Dàn nhạc có biên chế nhỏ, không nặng tính giao hưởng mà đề cao chất salon, không khai thác vai trò của bộ đồng và bộ gõ mà chủ lực luôn là bộ dây kết hợp với âm sắc nhạc cụ gỗ. Trong âm nền của dàn nhạc mang nhiều chất thính phòng này có thể cảm nhận được những âm thanh của thiên nhiên và đời sống, từ tiếng chuông chùa đồng vọng trong chiều thu (Kỉ niệm quê hương) đến nhịp đưa nôi (Hát ru), từ cái tĩnh lặng của hoàng hôn đến xôn xao sóng biển (Bài thơ Hạ Long) hoặc bồng bềnh sông nước đưa đẩy cho câu hò mái nhì cất lên (Tiếng hát sông Hương). 

Biết ông đã bốn chục năm có lẻ, nhưng đến giờ tôi mới thấy để thực sự hiểu con người ông thì chỉ tiếp xúc với phó giáo sư - nhà giáo ưu tú Hoàng Dương vẫn chưa đủ, mà nhất định phải nghe nhạc sĩ Hoàng Dương, và chỉ nghe ca khúc thôi cũng chưa đủ, mà nhất định phải đến với nhạc không lời của ông.

Nguyễn Thị Minh Châu