Có ba điều làm tôi nhớ đến nhà thơ Hoàng Trung Thông cho dù ông đã rời bỏ thế gian này hơn 20 năm.


Điều thứ nhất: Tập thơ Mời trăng của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Tôi hay về quê. Những đêm trăng ở quê, tôi thường ngồi uống cà phê trong vườn nhà một mình. Đó là những đêm cả khu vườn giàn giụa trăng. Có đêm, tôi đã rùng mình tự hỏi: “ Vì sao tôi lại được ngồi trong một khu vườn được dát vàng bởi ánh trăng đẹp đến chói lọi như thế". Đó thực sự là một lâu đài và tôi lúc đó là một ông Hoàng. Và trong những câu chuyện liên quan đến trăng đều có chuyện về nhà thơ Hoàng Trung Thông và tập thơ Mời trăng của ông.

Điều thứ hai: họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ (con trai nhà thơ). Thi thoảng tôi lại gặp họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ mà hầu như chỉ ở những triển lãm của anh và bạn bè. Anh thường ghé sát tai tôi nhận xét một bài thơ nào đó hay một nhà thơ nào đó mà anh đã đọc để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong anh. Cuối cùng anh lại hỏi: “Anh thấy em có khả năng đọc thơ không nhỉ?”. Mỗi khi gặp Vỹ tôi lại nhớ đến cha anh. Và đôi lúc, tôi chợt thấy gương mặt cổ xưa của nhà thơ Hoàng Trung Thông trùm phủ gương mặt Hoàng Phượng Vỹ. Đặc biệt là đôi mắt Vỹ lúc đó. Nó xa xôi tận đâu đó. Nó chìm vào tận chốn nào đó. Đôi mắt nhà thơ Hoàng Trung Thông khi ngồi một mình là đôi mắt như thế.

{keywords}
Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ vẽ chân dung cha mình: nhà thơ Hoàng Trung Thông

 

Điều thứ ba: chị Hà (con gái nhà thơ). Suốt năm năm qua làm ở Hội Nhà văn, hầu như ngày nào tôi cũng gặp chị Hà con gái nhà thơ trừ những khi đi công tác xa. Chị là một công chức mẫu mực. Bởi thế chị là người rành mạch và không lụy ai. Khi đến tuổi về hưu là về đúng ngày đúng tháng, không xin ở lại thêm một ngày. Thi thoảng chị đến cơ quan chơi với dáng đi thong dong và cười rất vô tư như chẳng có gì phải phiền muộn. Cách sống đó của chị sinh ra từ một phần phong cách của nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Tôi nhớ cách đây 21 năm, tôi có một may mắn khi được Báo Văn Nghệ phân công viết về một số nhà văn, nhà thơ đã khuất cho một số đặc biệt: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Minh Châu và nhà thơ Lưu Quang Vũ. Tôi còn quá trẻ, nên hai trong bốn nhà thơ, nhà văn kia tôi mới chỉ được tiếp xúc hai người. Tôi đã đến ngôi nhà mà bốn nhà văn, nhà thơ nói trên đã sống và sáng tạo. Và năm nay là năm kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Hoàng Trung Thông, tôi lại nhớ đến buổi chiều tôi đã đến và ngồi im lặng trong ngôi nhà của ông ở phố Ngô Quyền như chờ ông từ một cõi khác trở về.

-    Buổi tối – Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ, con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông kể - Bố tôi thường ngồi lặng lẽ uống rượu và ngắm trăng.

Tôi đứng rất lâu ngắm nhìn chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ dẫn lên gác hai của ngôi nhà 70 Ngô Quyền nơi nhà thơ Hoàng Trung Thông đã sống. Tôi chưa bao giờ được ngồi nói chuyện với ông. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông là khi ông đang nằm bất động trên giường bệnh viện. Những năm tháng cuối đời ông rất yếu, và thế tôi tin, ông phải vịn lan can cầu thang mỗi khi lên xuống và đôi lúc phải dừng lại hoặc ngồi xuống một bậc cầu thang để thở.

Cái gác xép bốn mét vuông mà khi sống, ông dùng để nghỉ và viết sau khi ông mất  đã giành cho họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ. Còn bây giờ thì chị Hà, cán bộ thư viện Hội Nhà văn vừa nghỉ hưu đang ở. Vì căn phòng quá chật nên đôi khi lại phải sắp xếp lại. Khi còn sống, nhà thơ không có một chỗ viết cố định, tiện chỗ nào ông đặt bàn viết ở chỗ đó.

-    Chúng tôi không bằng người về cái ăn, chỗ ở - Vợ nhà thơ nói với tôi – Nhưng tinh thần thì thanh thản. Có lúc đi chơi, tôi dặn ông ấy phải khóa cửa. Ông ấy cười và nói: “ Nhà mình có gì đâu mà sợ kẻ trộm. Nếu có người ăn trộm sách thì mừng quá”.

{keywords}
Nhà thơ Hoàng Trung Thông

 

Chúng ta chống lại mọi hành vi ăn trộm ngoài trừ ăn trộm sách. Bây giờ, hầu như người ta không còn ăn trộm sách như mấy chục năm về trước nữa. Thậm chí, họ không bao giờ đọc và nhớ đến một cuốn sách mà ai đó đã tặng họ. Họ đã đi qua những cuốn sách không một chút xao lòng. Đôi khi những cuốn sách đối với họ chỉ là một thứ hão huyền và vô ích.  Quả thực, nếu bây giờ có người ăn trộm sách để đọc thì xã hội chúng ta may mắn đến nhường nào. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã cảm nhận được một điều gì đó đẹp đẽ và nhân văn đang rời xa con người.

Trong ngôi nhà chật chội ấy, vào những ngày nghỉ, con cháu của ông ngồi sum vầy bên nhau ăn một bữa cơm và nhắc lại những kỷ niệm đẹp về người cha. Trong những bữa cơm khi còn sống, nhà thơ vừa uống rượu vừa kể những câu chuyện vui. Và ông thường nói: “ Tôi phấn đấu sống đến năm 2000”. Nhưng ông không lưu lại cõi trần này đến năm 2000. Bởi những năm cuối đời ông đã đến gần trăng quá. Khi ông còn sống, thì khoảng cách giữa ông và trăng đã gần hơn rất nhiều khoảng cách giữa ông và mặt đất trần tục này. Đọc tập thơ “Mời trăng” của ông tôi thấy rõ điều ấy. Nhưng có một chi tiết mà tôi được nghe thì tôi thấy ông đã nhập vào trăng rồi. Đó là ông uống rượu một mình và ngắm trăng cả những đêm không có trăng. Ông đã có trăng trong lòng mình.

Trong căn phòng sơ sài đầy sách, tôi mường tượng hình dáng của nhà thơ trong những đêm ông ngồi uống rượu ngắm trăng. Những ô cửa kính đã nham nhở vỡ và mờ vì thời gian như mơ hồ, xa xăm trong nắng đông. Và bên một ô cửa sổ, tôi thấy hai chiếc sừng dê màu huyết dụ có phủ một lớp bụi mỏng. Tôi cảm giác thấy rượu và trăng  vẫn năm tháng rót giàn giụa vào đôi sừng dê màu huyết dụ kia. Và phía sau đôi sừng dê là mảnh trời mùa đông một ngày nhiều nắng có một đám mây trắng đang thong dong bay. Tôi lại nhớ đến ông, tóc râu bạc trắng nằm im lặng trên giường bệnh. Và tôi tin, đó không phải ngày ông đau ốm, mà là ngày ông lắc mình đi về cõi trăng.

Bây giờ, vầng trăng vẫn đẹp huy hoàng và chói lọi như từ thuở nó sinh ra. Nhưng càng ngày càng ít người nhìn thấy nó. Đấy là bởi vầng trăng trong mắt người đã tắt. Tâm hồn chúng ta đã không còn khả năng rung động bởi biết bao vẻ đẹp trong vũ trụ này nữa. Và khi không còn những vẻ đẹp trong con người chúng ta thì chúng ta sẽ trở thành cái gì và biết đi đến đâu.

Nguyễn Quang Thiều

* Bài viết nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Trung Thông