Lần theo lời mời từ nam sinh viên đại học TĐT, chúng tôi nhanh chóng có tên trong danh sách được trả tiền làm fan hâm mộ của nữ nghệ sĩ T và đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi "ông chủ" trả tiền để có được cái vote từ chúng tôi.

 

Những người trẻ gắn mác hâm mộ vội vàng, thần tượng vội vã một gương mặt kém tài bùng phát, hâm nóng thị trường cung cấp người hâm mộ cho các gameshow. Phía sau câu chuyện tôn vinh thần tượng là một cuộc đua tranh giành người hâm mộ bát nháo chốn hậu trường. Ở đó, người nghệ sĩ bỗng dưng nổi tiếng với lượng khán giả vượt trội, theo dõi đột biến nếu có đủ tiền chung chi cho các công ty chuyên cung cấp khán giả, cung ứng fan hâm mộ, miễn sao là nghệ sĩ chịu bỏ tiền để hoàn tất công đoạn tạo hiệu ứng. Trong cuộc đua này đã đang phát sinh nhiều biến tướng bi hài cùng sự chua chát của chính người trong nghề. 

Giá phải trả để được làm 'thần tượng'

Khi show truyền hình thực tế bung nở rầm rộ, ngay lập tức nhiều nghệ sĩ nhanh nhảu tham gia như là cách nhanh gọn để phổ cập hình ảnh đến với công chúng. Trong cuộc đua truyền hình thực tế, lá phiếu bình chọn của khán giả trở thành cột mốc quan trọng giúp nghệ sĩ đang sắm vai thí sinh lần lượt vượt qua vòng loại để tiến thẳng vào các vòng sau. Chính phương thức loại trực tiếp thông qua lá phiếu bình chọn của khán giả của nhiều chương trình thực tế đang hot tại VN hiện nay đã đẩy nhiều nghệ sĩ vào cuộc đua trụ hạng càng lâu càng tốt.

Từ nhu cầu "thiết thực" này, đã có nhiều công ty chuyên mua bán vote ra đời, trong đó công ty chuyên cung cấp đầu số để trực tiếp giúp khách hàng nghệ sĩ giành vị thế trong cuộc thi truyền hình thực tế. Và nghệ sĩ khi sắm vai thí sinh chỉ cần bỏ tiền. Tuỳ theo số tiền mặt chi trả cho công ty, lượng tin nhắn bầu chọn cho họ sẽ tăng đột biến nhờ vào công nghệ số. Theo kế hoạch này, tin nhắn bình chọn sẽ được công ty nhắn bình chọn theo bội số 1000. Nghĩa là chỉ một cú click chuột, thí sinh nghệ sĩ dễ dàng có được 1000 lượt bình chọn do một công ty đảm trách. Trào lưu này bùng phát dữ dội góp phần gây điều tiếng cho nhiều chương trình truyền hình thực tế khi mà nghệ sĩ bỏ tiền nhiều hòng đi tiếp lại phải bất ngờ dừng chân vì đối thủ tung tiền bạo tay hơn.

Hiện tượng mua tin nhắn bình chọn đến nay, dần thoái trào bởi một vài đơn vị tổ chức siết chặt phương thức bình chọn. Tẩy chay các đầu số cùng lúc vote vượt mức cho phép để dành quyền ưu tiên cho một thí sinh, bên cạnh đó là công ty kiểm toán độc lập, chuyên môn làm cầu nối kiểm định. Tuy nhiên, trong cái khó ló ngay cái khôn, để nhiều nghệ sĩ trẻ vịn vào, biến cuộc thi tài thường dựa trên nội lực, cá tính âm nhạc hay chuyên môn thành cuộc đua fan thông qua gói hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp người hâm mộ, khán giả cổ động cho nghệ sĩ, nếu họ đủ tiền chơi đẹp với nhà cung cấp.

{keywords}

Thông tin tuyển dụng khán giả, fan hâm mộ khắp nơi.


"Tại TPHCM hiện tại có ba công ty chuyên cung cấp nhân sự khán giả, tạo fan hâm mộ ảo cho bất kì người nào muốn nhón chân vào showbiz", anh T, một quản lý từ thời là sinh viên năm 3 ĐH KHXH&NV khẳng định chắc nịch khi chúng tôi muốn tìm fan ủng hộ cho một nhân tố mới của showbiz. Qua màn chào hỏi, T tỏ vẻ am hiểu: "Cháu anh chị muốn làm ca sĩ à? Hát ổn chứ?. Tụi này chỉ hô biến lập tức sẽ có khoảng 500-1000 khán giả nhào đến ủng hộ, gọi tên, căng băng rôn để cháu anh nở mày nở mặt trong sô diễn". Sau đó T cười phá lên kèm câu chốt: "Dĩ nhiên là phải cam kết, kí hợp đồng nhé" và không quên gợi ý hỏi chi tiết về profile của đối tượng cần người đóng vai fan hâm mộ, trong đó có chi phí được tính trên một người, theo giờ.

Băng rôn, đèn nháy, vòng đeo tay, poster của nghệ sĩ cam kết... được tính riêng bên cạnh một kịch bản chi tiết dành riêng cho đối tác. Chơi cao cấp hơn, nhiều nghệ sĩ muốn nhanh nổi như VO, ĐN, QH... Còn chi bạo khi bao luôn áo đồng phục in hình chính mình cho tất cả fan mặc trong sô diễn có mình tham gia. Theo tìm hiểu, một áo pull kiểu này nếu in đẹp cũng có giá 65.000-120.000. Đó là chưa cộng chi phí cho fan mình đi thuê rồi tiền giám sát đội ngũ fan lên đến vài chục triệu một sô diễn có nghệ sĩ đối tác tham gia.

Bi hài các cuộc thuê fan

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều thủ lĩnh nhận sô dạng này. Trong tay họ là sinh viên một loạt các trường đại học như ĐHNT, ĐHNL, CĐ SKĐA... Ngoài việc được đi xem một gameshow hay chương trình ca nhạc miễn phí, họ còn có chút ít tiền hỗ trợ đi lại nên các thủ lĩnh nhanh chóng thu được lợi nhuận. Mức giá T đưa ra như sau: nghệ sĩ mới diễn sô:120.000 đồng/sô event, diễn chương trình ca nhạc-sô truyền hình thực tế: 130.000-180.000 đồng/sô tuỳ vào đàm phán và số lượng. Đặc biệt, với sô diễn cần huy động số lượng trên 200-500 fan, con số chi phí mà đối tác nghệ sĩ phải chi trả luôn dao động ở mức 80.000-100.000 đồng/người.

Trong đó, sinh viên trong vai fan hâm mộ được huấn luyện về cách tung hô thân chủ khá bài bản, kết hợp thành từng tổ toả khắp sân khấu gây hoạt náo. Theo đó, khi thân chủ xuất hiện, một fan mồi sẽ hô tên nghệ sĩ, cả nhóm lập tức reo theo. Sau 3 lần hô tên là màn vỗ tay ầm ào, át cả lời giới thiệu của người dẫn chương trình. Thậm chí, như công ty cung cấp khán giả N, họ còn đào tạo lượng lớn fan hâm mộ khá nhạy với camera của nhà đài. Camera lia đến đâu lập tức fan ở vị trí đó đứng dậy, giơ poster có thần tượng để thu hút người xem đài bằng mọi cách, giăng băng rôn có tên "thần tượng" mà họ chưa bao giờ biết đến để làm vừa lòng người mua gây ra nhiều tình huống bi hài ngay chính trong một sô diễn.

Năm 2012, trong chương trình G. truyền hình trực tiếp trên sóng V.. bầu show nam ca sĩ Q tức tối gọi điện tới công ty cung cấp khán giả khi trông thấy "người nhà" sau khi tung hô gà son lập tức quay sang ủng hộ nam ca sĩ đối thủ M. Tay quản lý không ngần ngại thản nhiên nói: "Nè, tôi cho anh hay nhé, hợp đồng ghi sao thì chúng tôi thực hiện đúng vậy. Gà bên anh hát xong, tụi nó hò reo cổ vũ khản cả giọng và xong nhiệm vụ. Việc tụi nó bóc áo bên anh ra, mặc cái khác để làm người hâm mộ của nghệ sĩ khác thì bọn này không quản lý được. Đó là quyền của tụi nó. Đừng vịn vào đấy mà quỵt hợp đồng nhé. Đến tai báo chí là cô A mua fan thì toi nhá".

Trong chương trình ca nhạc theo chủ đề GĐ.., quản lý của ca sĩ V hốt hoảng khi cô nàng này vừa xuất hiện thì ngay lập tức fan thuê bao rào rào gọi tên vang một góc sân khấu thế nhưng khi nhìn xuống, anh quản lý tức điên người khi fan hâm mộ tay huơ huơ poster một nữ ca sĩ khác diễn ngay sau V. Tay này rút điện thoại quay lại để làm bằng chứng nói chuyện với công ty cung cấp. Hỏi ra mới biết, công ty này nhận sô cho cả hai nữ ca sĩ kèm lời giải thích ' các bạn ấy phấn khích quá, nên tung nhầm hình".

Những sự cố bẽ mặt như thế vẫn liên tục diễn ra. Tháng 6/2915, tại đêm chung kết một chương trình thực tế, khi người hâm mộ nghệ sĩ Đ còn ngất ngây với men chiến thắng thì ngay tại bãi xe bên ngoài sân khấu, xảy ra một cuộc võ mồm giữa các khán giả xuất phát từ nhóm sinh viên ĐH KHTN. Họ thừa nhận đi cổ vũ vì được tiền, lại vui chứ thật ra Đ hát live tệ lắm. Những câu chuyện hậu trường đầy mùi tiền, ẩn chứa nhiều sự thật bẽ bàng như thế vẫn được người hâm mộ truyền tin cho nhau phía sau những khoản tiền mà cô A, anh B bỏ ra để tự ru mình bằng mỹ từ "ngôi sao", người hâm mộ.

Bài sau: Hé lộ công nghệ 'tô trét' thần tượng gây sốc

Đinh Quý Anh