Đạo diễn Điều ước thứ bảy cho rằng, 2015 là một năm ý nghĩa vì anh được thay đổi nơi công tác, quen những đồng nghiệp yêu nghề và sáng tạo nên học hỏi được rất nhiều. 


Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được đạo diễn, Phó giám đốc kênh VTV9 - Lại Bắc Hải Đăng vì lịch công tác liên tục của anh. Mọi người đánh giá anh tiếp nhận công việc mới ở TP HCM là sự thăng tiến trong nghề, còn anh cho rằng, mình đang đối diện với thử thách lớn. 

{keywords}

Phó giám đốc VTV9 Lại Bắc Hải Đăng ngoài đời giản dị, vui tính.

Bài học về cách nhìn người từ sai sót của Điều ước thứ 7

- Sắp bước sang năm mới, nhìn lại năm 2015 có ý nghĩa thế nào với anh?

- Năm nay cũng như nhiều năm trước, tôi luôn hài lòng với những gì mình đạt được. Có lẽ tính tình tôi vui vẻ, suy nghĩ lạc quan nên đón nhận những chuyện không vui cũng rất nhẹ nhàng. Riêng năm nay là năm tôi được thay đổi rất nhiều. Thứ nhất là chuyển công tác tới VTV Huế, quen với nhiều anh chị dễ thương. Ở đó, 5 tháng thôi nhưng tôi coi như Hà Nội thứ 2 của mình. Thứ 2, là việc chuyển vào TP HCM. Việc thay đổi môi trường tạo nên nhiều sự xáo động nhưng nếu hòa nhập được thì rất tốt, tạo cho mình cơ hội và học hỏi được nhiều.

Đầu năm 2015, chương trình Điều ước thứ 7 do tôi phụ trách có sự cố nhưng tôi không nghĩ nó quá nặng nề. Nhiều người gặp tôi, bắt tay chia sẻ nhưng thật ra, tôi không đau đớn, buồn phiền như mọi người nghĩ đâu. Trong cái không may thì vẫn có cái được đó chứ. Đó là bài học về cách nhìn người, đánh giá vấn đề.

Chuyển công tác, phải xa gia đình nhưng nhìn theo hướng tích cực lại là điều may mắn vì vợ chồng tôi sau mỗi chuyến công tác như đi tuần trăng mật. Thời gian vợ chồng ở bên cạnh nhau trở nên đáng quý vì nhận ra nhiều điều, hiểu nhau hơn.

- Chuyển vào TP HCM sống và làm việc, sự thay đổi đó khiến anh gặp những khó khăn gì?

- May mắn là trước đó tôi đã chuyển tới Huế, quen với sự thay đổi rồi nên không bỡ ngỡ, không bị sốc. Nếu ở Huế, tôi có những người bạn đã quen từ lâu, thì ở TP HCM, lại có nhiều người lạ, phải làm quen từ đầu.

Mới vào làm được 1 tháng, việc đầu tiên tôi phải làm là nhớ được tên mọi người, ai ở phòng nào, sở trường gì. Trong công việc mang tính tập thể cao như truyền hình thì phải hiểu nhau, biết điểm mạnh yếu của đồng nghiệp thì mới biết kết hợp với nhau có hợp không?

Đó còn là sự khác biệt về công việc. Nếu vào Huế, tôi vẫn làm công việc mình đã quen, trực tiếp thực hiện các chương trình, còn vào TPHCM, tôi bắt đầu học thêm với việc quản lý. Hiện tại, tôi cũng xây dựng loạt fomat chương trình mới nhưng tất cả đang trong quá trình triển khai.

Còn việc ăn uống, đi lại ở TP HCM khá đơn giản vì tôi vào đây công tác nhiều lần. Chỗ ở được bà xã tìm cho khi mới vào, bạn bè gửi cho list danh sách những quán ăn ngon, hợp vị Bắc.

- Tiếp nhận vị trí mới phó giám đốc kênh VTV9 là sự thăng tiến trong công việc nhưng ở góc độ người đàn ông của gia đình, việc xa gia đình, vợ con là điều không dễ dàng. Anh có phải mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định?

- Thực ra, suy nghĩ đắn đo nhiều nhất lại là khi tôi điều chuyển sang VTV Huế. Đó là thời gian thay đổi lớn nhất. 5 tháng mà tôi ở Huế chính là thời gian vợ con, ông bà quen với việc đi vắng của tôi.

Vào TP HCM, mọi người đánh giá là thăng chức nhưng tôi không nghĩ nhiều đến điều đó. Ngược lại, tôi xác định đó là thử thách, khó khăn nhiều, chứ không phải là tương lai, sung sướng. Đó là áp lực xây dựng kênh VTV9 tạo được sự chuyển mình, khác biệt so với trước. Tất nhiên, tôi hiểu rất rõ mình chỉ có thể góp được 1 phần rất nhỏ trong dự án rất lớn này của Đài THVN.

Tương lai chưa biết thế nào nhưng tôi vẫn nói đùa mà thật với bạn bè, vào TP HCM, lương không đủ để trả tiền vé máy bay vì cứ cách 2 tuần, tôi phải bay về thăm vợ con. 

- Ở VTV3, anh từng ghi dấu ấn với chương trình Điều ước thứ 7. Chương trình này cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Vậy bước sang VTV9, anh có dự định làm chương trình đề cao tính nhân văn như thế?

- Ai cũng mong muốn được làm những chương trình như thế. Bản thân tôi đang ấp ủ một phiên bản kế tiếp cho Điều ước thứ 7 nhưng vẫn chỉ là ý tưởng giống như một ông nhà văn đang nghĩ rằng mình có câu chuyện hay và đang viết bản thảo. Còn Điều ước thứ 7 hiện được các bạn trong ê-kíp vận hành rất tốt. Tôi nghĩ, đến lúc làm cái mình thích nhưng chắc chắn phải khác và mới.

- Chương trình Điều ước thứ 7, nhận được phản hồi tốt, tuy nhiên vì sự cố mà anh phải lên báo xin lỗi và thuyên chuyển công tác, anh có cảm thấy bất công?

- Xin khẳng định lại một lần nữa là không. Nếu như mình đúng mà phải chịu xin lỗi thì mới là bất công, còn việc mình sai thì không. Ê-kíp chúng tôi hài lòng, tiếp nhận những gì đã xảy ra. Nếu tôi không vấp lần đó, sẽ vấp lần sau, không phải câu chuyện đó sẽ là chuyện khác. Ê-kíp làm chương trình đều là những người trẻ, va chạm ít và quá tin yêu nhân vật của mình nên xảy ra sai sót là điều khó tránh khỏi.

Khi tiếp xúc với các anh chị làm điều tra, tôi thấy họ có cách nhìn và lật lại vấn đề rất sắc sảo. Ê-kíp của chúng tôi chưa có điều đó, gặp nhân vật mình nghĩ tốt thì cho rằng họ tốt hoàn toàn, không nghi ngờ gì. Đó là thiếu sót. Phải có những chuyện như vậy, mình mới rút ra bài học rằng làm những câu chuyện tử tế về người tử tế thì vẫn cần phải có sự đề phòng. 

{keywords}

Anh ghi dấu ấn trong các chương trình: Đồ rê mí, Điều ước thứ 7, Rung chuông vàng trên VTV3.

Học được từ bố mẹ tinh thần làm việc

- Tốt nghiệp báo chí, anh vào làm trong đài, được phụ trách chương trình lớn và giờ lên sếp ở tuổi rất trẻ. Nói sự nghiệp của anh như trải hoa hồng thì có đúng?

- Thực ra tôi không phải là người trẻ nữa rồi. Ở VTV đã có những người trẻ hơn tôi nhưng đã tiếp nhận vị trí công việc như tôi hiện nay cách đây vài năm rồi. Nhưng tôi thừa nhận mình đã rất may mắn.

Tôi mới trao đổi với một anh bạn về sự thành công trong công việc. Tôi cho rằng, sự thành công chỉ đến được khi hội tụ 2 yếu tố: tài năng và may mắn. Khái niệm trải hoa hồng hơi văn học quá, tôi nghĩ mình may mắn khi có công việc và gia đình luôn ở bên.

- May mắn còn là có người bố nổi tiếng – MC Lại Văn Sâm?

- Do đánh giá của mỗi người, tôi không bình luận. Bản thân tôi may mắn trong cuộc sống khi mỗi buổi sáng mở mắt ra không đau đầu nghĩ làm sao được ăn uống đầy đủ, không ăn năn, day dứt về điều gì đó, lại được làm công việc mình yêu thích.

- Là con trai duy nhất, anh hẳn được bố truyền hình cảm hứng tình yêu với truyền hình từ nhỏ?

- Tôi hay đùa với mọi người, nếu tôi không ảnh hưởng của bố thì biết đâu tôi trở thành một người luật sư tài ba, nhà kinh doanh giàu có (cười). Ba mẹ không ép buộc tôi phải làm gì, theo nghề gì nhưng sự ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi giống như xung quanh mọi người đều thích quần áo Hàn Quốc thì đương nhiên tôi cũng thích. Có thể bản thân không giỏi tiếp cận với những ngành nghề khác chăng? Biết đâu đó là điều thiếu may mắn thì sao. 

- Thế còn lúc chập chững vào nghề, ba anh có truyền cho con trai những kinh nghiệm làm chương trình?

- Người hướng dẫn tôi khi mới vào nghề là chị Bảo Vân – người dẫn chương trình đầu tiên của Vườn cổ tích. Sau đó là chị Bạch Dương, Hồng Cư. Lúc đó, tôi chỉ là cậu cộng tác viên, lính lác nên chỉ làm việc với sếp trực tiếp chứ đâu được làm việc cùng bố. Theo tôi, trong nghề này, quan trọng nhất không phải kỹ năng mình được truyền thụ thế nào mà là tinh thần làm việc. Bố mẹ truyền cho tôi tinh thần làm việc đến cùng, tận tâm với nghề. Điều này không chỉ tôi mà rất nhiều người làm việc với bố mẹ tôi đều nhận được sự ảnh hưởng.

Tôi vào Huế công tác, được gặp những đồng nghiệp yêu nghề hơn tôi nhiều lần và tự cảm thấy xấu hổ. Từ lâu, mình làm việc trong điều kiện tốt, được đầu tư, ê-kíp đầy đủ nhưng các anh chị ở Huế phải làm trong thiếu thốn nhưng vẫn đam mê. Vì thế, tôi cho rằng có nhiều thứ đáng quý, đáng để mình học hỏi. Tất nhiên, gia đình là nền móng đầu tiên nhưng những người xung quanh cũng tác động đến mình không ít. 

Theo Zing