Không có điều kiện tài chính, không có 'đại gia' chống lưng, Hoài Phương phải bán nhà để thực hiện ước mơ.

Không hối hận vì đã theo âm nhạc chính thống

Hoài Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Quảng Bình. Khi lên 6 tuổi, chị đã tham gia ca hát, 9 tuổi theo học đàn tỳ bà.

Sau đó, Hoài Phương đã có 9 năm trời gắn bó với cây đàn này khi theo học hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội. Mặc dù bị gián đoạn với âm nhạc dân tộc khoảng 4 năm khi theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế nhưng cuối cùng Hoài Phương vẫn trở lại với vạch xuất phát.

Ngay sau khi ra trường, chị một mình khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp. Nhờ khả năng chuyên môn cùng một chút liều, chị nhanh chóng được nhận vào biên chế của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Cùng lúc đó, Hoài Phương tham gia Mặt trời đỏ, ban nhạc chơi theo phong cách dân gian đương đại từng được nhiều người biết đến.

{keywords}
Hoài Phương

Đến lúc này, sau 10 năm, Hoài Phương hiện đang là trưởng đoàn ca – Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Chị cũng đang có một ban nhạc mới của mình là Giao thời sau khi lần lượt Mặt trời đỏ rồi Mặt trời mới tan rã.

Hỏi Hoài Phương trong 10 năm qua, có bao giờ nghĩ đến việc trở thành một ca sĩ thị trường, chị cười và bảo có. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy nhanh chóng biến mất khi chị bị cuốn vào guồng quay công việc của Nhà hát cũng như những dự án âm nhạc dân tộc riêng.

Hiện tại, khi nhắc lại chuyện này, Hoài Phương chia sẻ rằng nếu trước đó có cơ hội, chị cũng sẽ không ngại mà thử sức. Mặc dù vậy, theo chị thì việc trở thành ca sĩ thị trường có thể mang đến tiền bạc và danh tiếng nhưng lại không bền. Trong khi đó, việc hoạt động nghệ thuật chân chính lại có sự ổn định và giúp mình tập trung với nghề. Vậy nên, Hoài Phương chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.

Chị nghĩ cái gì mình bỏ sức lao động, thực sự yêu nó thì rồi sẽ được đền đáp. “Giống như cô Thu Hiền vậy. Giờ cô vẫn hát, thậm chí cát sê của cô còn cao hơn nhiều ca sĩ ngôi sao”, Hoài Phương cho biết.

Quyết bán nhà vì nhạc dân tộc

Mới đây, Hoài Phương vừa cho ra mắt một album nhạc Huế có tên Mắt Huế xưa. Album gồm 7 ca khúc quen thuộc viết về cố đô, được chị thực hiện với mong muốn tri ân mảnh đất đã có một thời gian gắn bó với cuộc đời mình.

Được biết, album này chỉ là một phần trong dự án âm nhạc dân tộc mà chị đang ấp ủ thực hiện. Sắp tới, chị và nhóm Giao thời sẽ tiếp tục cho ra mắt một album nhạc dân tộc mới, bên cạnh đó là dự án đưa nhạc dân tộc đến với trường học cùng kế hoạch kết hợp tất cả các loại hình âm nhạc dân tộc với nhạc điện tử trong thời gian không xa.

{keywords}
Cô ca sĩ xinh đẹp bên cây đàn tì bà

Nói về những gì mình đang làm, Hoài Phương cho biết đó là mong ước từ rất lâu của chị. Với “giọng ca vàng” của Nhà hát Bông sen, chị có một cái duyên không thể tách rời với âm nhạc dân tộc. Đã từng có lúc không hào hứng với cây đàn tỳ bà, từng có lúc rẽ ngang để học thanh nhạc nhưng theo thời gian, giờ có muôn buông chị cũng chẳng thể bỏ được.

Cũng vì gằn bó lâu như vậy mà Hoài Phương luôn nuôi khao khát đưa âm nhạc dân tộc đến được với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, chị cũng mong muốn mình có thể làm gì đó để giúp những nghệ sĩ cũng theo đuổi âm nhạc dân tộc như chị có thể sống được với nghề.

Khao khát là vậy, nhưng khi thực hiện Hoài Phương đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, tiền bạc là một trở ngại lớn. Và để hiện thực hóa giấc mơ của mình, chị đã quyết định bán nhà. Đây là căn nhà mà bố mẹ chị đã mua khi mới vào TP HCM.

“Mình không có điều kiện về kinh tế, lại không có bệ phóng đằng sau, nên đành phải liều. Khi nói chuyện này, bố mẹ cũng suy nghĩ nhiều lắm. Tuy nhiên, vì bố mẹ tôi đều làm nghệ thuật, hiểu được trăn trở và khó khăn của tôi nên sau khoảng 1 tháng, các cụ đã đồng ý”, Hoài Phương tâm sự.

Cũng vì quyết định này mà Hoài Phương bị nhiều người nói là “khùng”, là “hâm”. Mặc dù vậy, chị cũng không vì thế mà buồn. Hơn ai hết, Hoài Phương biết mình đang làm gì cũng như hiểu được rằng muốn có thành công thì buộc phải đánh đổi.

Vẫn biết con đường phía trước còn nhiều gian khó, việc nuôi dưỡng và hun đắp tình yêu với âm nhạc dân tộc trong giới trẻ là không thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng chị vẫn luôn nuôi một niềm tin rằng mình sẽ làm được. Niềm tin này, Hoài Phương không nói ra bằng lời nhưng có thể cảm nhận được khi chị bất ngờ cất lên một câu Chèo rất ấm giữa quán café nhỏ khiến bao người phải ngoái nhìn.

Phong Vũ