Đó có thực sự là may mắn? Có phải là điều chúng ta muốn khi đi cầu xin những đấng bậc thần linh mà tôi dám chắc không phải ai cũng biết tường tận về họ.

{keywords}

Cướp phết ở lễ hội Hiền Quan. Ảnh: Zing


Mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp đến với bản thân, gia đình và những người thân là nhu cầu tất yếu, thường trực trong mỗi con người chúng ta. Đó là một nét đẹp trong cuộc sống hằng thường, cũng là những mong ước nhỏ góp vào một ước mơ lớn, hướng đến xã hội tốt đẹp hơn, con người có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Và đi lễ hội đầu năm để cầu may cũng là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Nét đẹp ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nhưng những hình ảnh đau lòng trong các lễ hội đầu năm gần đây khiến chúng ta nghĩ gì?

Chúng ta mới bước vào năm mới vừa đúng 2 tuần lễ, khoảng thời gian mà theo như sự kiêng kị của chúng ta thì vẫn là đầu tháng, đầu năm, vẫn là thời điểm nằm trong khung kiêng giữ, tránh làm những điều không tốt, không mang lại may mắn. Vậy mà chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu cảnh cướp giật, đánh đấm hỗn loạn.

Những hình ảnh người chen lấn, xô đẩy, đè đầu cưỡi cổ nhau, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để tranh giành một quả phết, một hoa tre (biểu tượng của sự may mắn), rồi hình ảnh một nam thanh niên ngất xỉu, nằm chơ vơ bên bờ ruộng với khuôn mặt, quần áo bê bết bùn đất và khoé miệng mở ra đớp khí... không khỏi khiến chúng ta đau đớn, xót xa.

Đó có thực sự là may mắn? Có phải là điều chúng ta muốn khi đi cầu xin những đấng bậc thần linh mà tôi dám chắc không phải ai cũng biết tường tận về họ.

Câu hỏi đặt ra là vì sao người ta lại mù quáng đến như vậy khi lao vào "trận chiến" sinh tử để "cướp" may?

Phải chăng người ta không còn niềm tin vào bản thân mình, không còn niềm tin vào những điều có thật đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong cuộc sống này?

Phải chăng lòng tham và sự ích kỷ khiến con người ta bằng mọi giá phải đạp lên thân xác người khác để giành giật chút may mắn cho bản thân mình?

Phải chăng xã hội bất ổn khiến con người không còn niềm tin vào hiện thực cuộc sống đến nỗi phải cầu viện vào sự hỗ trợ của các đấng siêu nhiên giống như thời kỳ ra đời các câu chuyện thần thoại?

Phải chăng con người ta đang dư thừa năng lượng sống, dư thừa sức khoẻ, tiền bạc, của cải vật chất, dư thừa thời gian, dư thừa tâm trí đến nỗi không biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi vận may đến từ một thế giới huyền bí, từ một thế lực siêu nhiên?

Trước đây, khi đất nước chiến tranh, bao nhiêu sức trẻ dồn cho tiền tuyến, người ta sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân vì sự bình yên của đất nước, của dân tộc, người ta sẵn sàng gắn kết với nhau thành sức mạnh của bó đũa để bảo vệ giống nòi. Còn ngày nay, những người trong làng, trong xã, trong một "luỹ tre xanh" lại sẵn sàng giẫm đạp lên nhau, chà đạp lên nhau chỉ để cướp giật một vật phẩm được cho là mang đến may mắn.

Tôi nhấn mạnh "được cho là" vì ai biết được cái hoa tre nát bươm vì tranh cướp kia, quả cầu vải lấm lết bùn đất kia có thực sự mang đến may mắn trong ba trăm năm chục ngày còn lại sau những lễ hội này?

Tối 21/2, chương trình thời sự 19h của Đài THVN đưa 2 bản tin cách nhau vài phút, một là hình ảnh người nông dân Lào Cai nước mắt ngắn dài vì thảo quả chết trắng rừng, không còn bất cứ nguồn thu nhập nào để sinh sống, trong khi đó, tại đền Bảo Hà, cũng ở Lào Cai, người ta xếp những hàng ngựa giấy to như ngựa thật, dài như đoàn ngựa chiến chuẩn bị xông trận để... chờ hoá, chờ được đốt thành tro bụi, và họ tin, khi những "ông" ngựa được đốt thành tro sẽ bay đến chốn linh thiêng huyền bí và thánh thần sẽ sử dụng nó rồi ban phước lành cho họ.

Trước Tết Nguyên đán, khi ghé qua hàng vàng mã mua hương nhang về thắp tết, tôi có hỏi giá tiền mỗi ông ngựa giấy như vậy, ngựa nhỏ (cỡ khoảng cao 50cm, rộng 15cm, dài 70 cm) kèm cả quần áo, mũ, hia, cờ quạt là 90.000 đồng/ 1 "ông", còn ngựa to như ngựa thật thì tuỳ nhu cầu trang trí hoa văn mà có giá dao động từ 5 trăm đến 1 triệu đồng một "ông", cứ nhìn hàng ngựa trên ti vi và đếm vội tính vội, một học sinh tiểu học cũng tính được người ta đã đốt đi bao nhiêu tiền.

Thú thật, xem xong những hình ảnh ấy, tôi không khỏi xót xa và tôi dám chắc, bất cứ ai xem, nghe thấy những điều ấy cũng đau lòng. Đó là sự chênh lệch giàu, nghèo? Đó là nghịch lý của cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận? Hay đó là sự chênh lệch, khập khiễng giữa lượng của cải vật chất và lượng tri thức mà mỗi con người có được?

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nghề làm vàng mã cũng là một nghề thủ công mang đến thu nhập khá cho người lao động. Rồi nữa, những người đốt nhiều vàng mã là do họ có nhiều tiền, tiền trong túi họ, họ làm gì là tuỳ họ, ai có quyền ngăn cản họ, không cần biết thần thánh có mang đến điều may mắn gì cho họ không, nhưng ít nhất khi dâng cúng như vậy họ thấy thanh thản, yên ổn trong tâm hồn, bỏ ra một số tiền để mua sự yên tâm, cho tâm lý được thoải mái, vui vẻ, chả lẽ lại cấm sao?

Và nữa, xung quanh chuyện đi lễ hội đầu năm để cầu may của đại bộ phận người Việt Nam chúng ta hiện nay, đã kéo theo sự phát triển của rất nhiều ngành dịch vụ, dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tổ chức sự kiện, và nữa, cả ngành sản xuất hàng mã nếu chúng ta coi nó như một ngành kinh tế, vì có lao động, có thu nhập, có giá trị gia tăng...

Nói về những hình ảnh phản cảm của một vài lễ hội đang xôn xao dư luận, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về văn hoá nói đó là sự loạn chuẩn, vậy đâu là chuẩn, làm thế nào để chúng ta đạt chuẩn, ai sẽ là người giúp phần lớn những người đang "loạn chuẩn" kia và những thế hệ kế tiếp của họ thực hiện "chuẩn" văn hoá trong lễ hội.

Đất nước ta còn nghèo, mỗi người dân chúng ta còn phải cố gắng lao động, học tập, sáng tạo rất nhiều để làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước, và tôi nghĩ, không ai có thể mang đến may mắn, hạnh phúc cho chúng ta ngoài chính bản thân ta.

Lễ hội là một nét đẹp văn hoá của dân tộc cần gìn giữ và phát huy, là dịp khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, là để thể hiện tính cố kết cộng đồng, là tinh thần đoàn kết của người Việt, nhưng những hình ảnh phản cảm trong các lễ hội thời gian gần đây đã làm mai một nét đẹp văn hoá ấy, nguy hiểm hơn, nó làm cho hình ảnh một Việt Nam thân thiện, đoàn kết và nhân văn dần trở nên mai một trong mắt bạn bè quốc tế.

Chủ trương lớn, đường lối lớn muốn thành công, không thể không bắt đầu từ thực hiện những hành vi nhỏ, có lẽ, ở thời điểm này vẫn chưa quá muộn để chúng ta bắt tay ngay vào việc "xốc" lại "hồn dân tộc" từ ý niệm "Cầu may" trong mỗi cá nhân ở các lễ hội xuân như thế này!

Vũ Thanh Lịch
Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Ninh Bình