“Luôn ở đây, ở đây nhé anh Lập!” – Chàng kỹ sư trẻ mê rock nén nước mắt nói khẽ bên linh cữu Trần Lập với bàn tay nắm chặt nơi ngực trái.

Ân hận quá...

Giữa khoảng sân chật kín người của nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng sáng 23/3, có một cô gái mảnh khảnh, đứng lặng lẽ nhìn vào phía hội trường nơi đặt linh cữu Nhạc sĩ Trần Lập. Không nói, chỉ khóc, chị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) đã xin nghỉ làm để có mặt ở đây từ rất sớm. Nhà ở tận Hà Đông, chị phải dậy từ 5 giờ sáng để kịp chen chúc vào dòng người  để đến tiễn đưa Trần Lập. Giọng hơi nghẹn, chị Hoa suýt khóc khi nhắc đến sự ra đi đột ngột của thần tượng: “Gần đây mình có mua vé đi liveshow của anh Lập. Nhưng hôm đó trời mưa rồi có việc bận đột xuất nên thôi. Sau biết đó là đêm diễn cuối cùng của anh ấy mình ân hận quá. Cảm giác như lỡ mất điều gì đó chỉ đến một lần trong đời!”. 

Đêm qua, chị Hoa trằn trọc không ngủ được. Dù đã để chuông đồng hồ nhưng chị không yên tâm. Chị sợ ngủ quên rồi đến muộn thì sẽ không có cơ hội được nhìn anh lập lần cuối. Khoảng 1 giờ sáng, chị giật mình tỉnh dậy như có tiếng ai gọi rồi lại nằm xuống thiếp đi. Đến 4 giờ chuyện đó tiếp tục lặp lại. Mãi rồi trời cũng sáng để chị Hoa lên đường.

{keywords}
Fan Việt mặc áo in hình thần tượng đến viếng.

Thẫn thờ nhìn dòng người tiến vào làm lễ, cô gái nhỏ nhắn có tình yêu rock mãnh liệt nhớ lại những ngày tháng rong ruổi cùng bạn bè trên những cung đường. Bất giác chị bảo: “Bọn mình đi phượt ai cũng nghe nhạc Trần Lập. Mỗi nơi đến, dừng chân đều bật nhạc của anh ấy rồi cùng nhau hát. Thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, mỗi hành trình chỉ thấy những niềm vui, khó khăn gian khổ tan biến!”. Lúc biết Trần Lập mất, chị Hoa òa khóc ngay tại nơi làm việc. Được bạn bè báo tin dữ, chị vẫn không tin. Rồi khi xác minh được sự thật thì không kìm được nữa, nước mắt cứ thế chảy xuống.

Fan 70 tuổi chống gậy đến viếng

Ngay tại gốc cây gần lối vào, một bác lớn tuổi đã ngồi đó rất lâu. Bác là fan của Trần Lập, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Bác cười buồn: “Nhà bác cách đây 1km, hôm nay chân đau nhưng vẫn chống gậy sang. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh buồn lắm”. Nhà có 2 cha con đều mê rock. Bác lớn tuổi, lại ốm lâu rồi nên chưa có dịp đi xem Trần Lập biểu diễn, chỉ anh con trai 35 tuổi thì hay đi.

Người đàn ông lớn tuổi vẫn đam mê những giai điệu cuồng say, hoang dại rất yêu Trần Lập bảo: “Bác quý tính cách Lập khẳng khái, nhân hậu của Lập”. 25/3 tới, có một chương trình tưởng niệm Trần Lập sẽ diễn ra tại Đài truyền hình, bác nhắc con trai nhiều lần dù bạn công việc cũng phải thu xếp để đưa bác tới. Bác muốn hòa cùng mọi người hát những bài ca đầy lạc quan của Trần Lập.

Ám ảnh những người tham gia tang lễ Trần Lập hôm nay là hình ảnh một cậu thanh niên thư sinh mặc sơ mi tím, quần âu, giày tây chỉnh chu. Lúc đi qua linh cữu, chàng trai run rẩy, bàn tay nắm chặt đặt ở tim, miệng khe khẽ: “Luôn ở đây, ở đây, anh Lập nhé!”. Đó là Lương Dũng, một chàng kỹ sư trẻ đang làm việc tại Hà Nội. Không ai nghĩ chàng trai hiền lành ấy lại mê rock, mê đến cuồng si. Bước từng bước nặng nhọc qua nơi để thi thể Trần Lập, Lương Dũng không thể rời mắt trước di ảnh cố nhạc sĩ. Khi bài hát của anh cất lên, Dũng say sưa hát theo, tay vẫn nắm chặt nơi ngực trái. Và khi dòng người ùa theo chiếc xe đang đưa Trần Lập đi xa dần, Dũng đứng lặng, nói trong vô thức: “Chuyện này là sao? Là sao?”. Dường như chàng trai ấy vẫn chưa dám tin những điều đang hiện hữu.

Khi được hỏi về Trần Lập, Dũng say sưa kể: “Mình nghe nhạc Trần Lập từ khi còn học cấp 2. Vì thần tượng Bức Tường và Trần Lập nên mình nộp đơn thi vào Đại học Xây dựng. Năm 2006 mình lên Hà Nội, lần đầu được trực tiếp đứng xem Trần Lập hát thì đó cũng là liveshow cuối cùng của Bức Tường, The last Saturday! Sau bao ngày tháng chờ đợi để được hội ngộ các anh, điều đó làm mình quá hụt hẫng”. Trong đêm diễn đó, Dũng quen được rất nhiều bạn bè, những người trẻ cùng có niềm say mê rock. Từ những người không quen biết, họ khoác vai nhau, hát bài “Trở về”, hát mãi không thôi để cầu chúc cho ban nhạc sớm tái hợp. Từ đó, mỗi show diễn có Trần Lập, hầu như Dũng không bao giờ vắng mặt. Không kìm được xúc động, giọng chàng kỹ sư trẻ lạc đi: “Mới đây thôi, show Đôi bàn tay thắp lửa vẫn còn thấy anh Lập hát. Vậy mà...”.

{keywords}
Nuốt nước mắt tiễn đưa Trần Lập.

Không khóc vì sợ Trần Lập buồn

Với Dũng, Trần Lập có sức ảnh hưởng nhiều hơn một thần tượng. Nhạc Trần Lập đồng hành cùng anh qua rất nhiều biến cố trong cuộc sống. Thúc đẩy, cổ vũ anh từ một cậu học sinh hiền lành trở thành người đàn ông mạnh mẽ, nghị lực trong cuộc sống. Quá xúc động, Dũng đã ngừng cuộc nói chuyện vì không muốn khóc trước di ảnh, điều mà anh cho rằng sẽ làm Trần Lập buồn. Khi sân trước của nhà Tang lễ thưa thớt bóng người, Lương Dũng lặng lẽ đi lấy xe máy để theo đoàn đưa anh Lập về Phú Thọ.

Dương là học sinh lớp 11 trường THPT Kim Liên. Em đến viếng đám tang Trần Lập cùng nhóm nhạc của mình. Nhóm nhạc gồm 4 bạn trẻ yêu rock và thần tượng Trần Lập. Dương cho rằng, thành công của nhóm Bức Tường chính là tấm gương cho em cùng các bạn vươn tới. Trần Lập đã ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và tính cách của em: “Anh ấy truyền lửa cho mọi người ngay cả khi bản thân anh ấy đã kiệt sức...”.

Khi nghe tin Trần Lập bị ung thư, Dương khá buồn nhưng không sốc. Vì em hy vọng anh Lập có thể vượt qua được bệnh tật nhờ sự tiến bộ của y học và tinh thần lạ quan mạnh mẽ. Nhưng khi nghe tin anh qua đời, em sốc và thấy mất mát nhiều lắm: “Em không ngờ lại nhanh như thế, bà em cũng bị ung thu trực tràng giống anh Lập, nhưng bà em vẫn sống khỏe nhờ trị xạ, còn anh Lập thì…”. Đến đó thôi thì khuôn mặt cậu bé buồn đến mức không ai muốn hỏi thêm điều gì nữa.

Chưa tin Trần Lập đã ra đi

Phạm Quang Vinh là một cán bộ địa chất. Cả anh và bạn gái đều yêu rock. Họ luôn sát vai nhau trong mỗi đêm diễn của Bức Tường để chia sẻ niềm đam mê với những ca khúc của Trần Lập. Đám tang Nhạc sĩ Trần Lập diễn ra khi Vinh đang công tác tại Thanh Hóa, anh đã cố gắng thu xếp công việc để trở về Hà Nội, Vinh gửi gắm đến nhạc sĩ: “Tạm biệt anh Trần Lập! Tạm biệt một tính cách rock! Cảm ơn anh vì những bài hát và ngọn lửa tinh thần mà anh đã truyền cho những người trẻ qua giọng hát tuyệt vời tràn đầy năng lượng, phóng khoáng và đồng cảm. Bởi, bất cứ ai yêu thích những bài hát của Bức Tường đều sẽ trở lên lạc quan, có thêm niềm tin và sức mạnh để yêu đời hơn dù gặp phải khó khăn nào. Tin rằng, những bài hát, những ngọn lửa mà anh và những người bạn của anh đã thắp lên sẽ còn sống mãi qua nhiều thế hệ".

Phạm Hương, cô sinh viên Báo chí mê rock và luôn bị mê hoặc bởi những cung đường. Hôm nay Hương đến chia buồn cùng gia đình Trần Lập với chiếc áo phông trắng có in hình nụ cười hiền của thần tượng. Trước di ảnh Trần Lập, Hương thổn thức: “Thực sự, đến giờ em vẫn chưa tin Thủ lĩnh của Bức Tường “Trở về” với cát bụi. Được nghe anh hát, được đứng dưới khán đài hòa vào không khí của “Đôi bàn tay thắp lửa” cảm xúc em đã vỡ òa vì ai nghĩ rằng người nghệ sỹ không riêng gì em mà hàng vạn fan yên mến lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng anh vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vẫn là người Thủ lĩnh tuyệt vời, là người chồng, người cha lo lắng cho vợ con trong những ngày cuối cùng. Yên nghỉ anh nhé, chúc anh hạnh phúc và bắt đầu hành trình mới ở cõi vĩnh hằng. Fan Rock Việt vẫn luôn dõi theo và nhớ về anh….”.

Nhung Phạm