Mỗi năm vào dịp 2/9, nhạc trưởng Lê Phi Phi lại trở về Việt Nam, đồng hành cùng chương trình hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi". Anh định cư ở nước ngoài, nhưng với Lê Phi Phi "Dù có đi đâu biểu diễn thì dòng chữ "Nhạc trưởng Lê Phi Phi (Việt Nam)" luôn là niềm tự hào của tôi". Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân về nước biểu diễn cùng VNOB.

- Đã 9 năm đồng hành với chương trình hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi", làm thế nào để anh luôn giữ được cảm xúc tươi mới và khác biệt trong mỗi chương trình?

+ Các chương trình đều có sự khác nhau về tác phẩm, tác giả, chủ đề, nghệ sĩ biểu diễn… Điều đó luôn luôn mang lại cho tôi những cảm xúc mới. Năm nay, chương trình hòa nhạc có nhiều đổi mới với chủ đề "Trên đôi cánh tình yêu", lần đầu tiên quy tụ đầy đủ các nghệ sĩ ở cả hai miền Bắc - Nam.

Ngoài những ca sĩ quen thuộc của chương trình như Đăng Dương, Mỹ Linh còn có lực lượng hùng hậu của miền Nam như ca sĩ Đức Tuấn, nghệ sĩ thính phòng Đào Mác, Khánh Ngọc. Điểm nhấn năm nay, ngoài những tác phẩm quen thuộc như "Quốc ca Việt Nam" của nhạc sĩ Văn Cao, "Việt Nam muôn năm" của nhạc sĩ Hoàng Vân, "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương… còn có tác phẩm "Quê tôi giải phóng" của nhạc sĩ Quang Hải, một tiết mục khá ấn tượng đàn tranh độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đặc biệt, Bài dân ca "Hoa thơm bướm lượn" sẽ do một nhạc sĩ người Nga phối khí. Tôi hy vọng điều đó sẽ làm nên sự mới lạ cho chương trình.

{keywords}
Lê Phi Phi: Xem 'Điều còn mãi', bố tôi không bao giờ dựa lưng vào ghế.

- Năm nay "Điều còn mãi" có hai tác phẩm của thân phụ anh, nhạc sĩ Hoàng Vân, người đã đồng hành cùng chương trình trong nhiều năm qua. Năm đầu tiên vắng bóng ông, hẳn anh có rất nhiều cảm xúc?

+ Nhạc sĩ Hoàng Vân ra đi là một sự trống vắng, tiếc nuối lớn trong tôi. Từ năm nay trở đi những buổi hoà nhạc của tôi tại Hà Nội sẽ vắng bóng ông như một khán thính giả thường xuyên, sẽ thiếu những lời khuyên, nhận xét của ông trước và sau mỗi chương trình… Tôi đã mất đi một chỗ dựa về tinh thần và sự ủng hộ của ông trong mỗi chương trình…

Nếu các bạn để ý trong tất cả những lần xem "Điều còn mãi", nhạc sĩ Hoàng Vân ngồi nghe hai tiếng đồng hồ, ông không bao giờ dựa lưng vào ghế, nghe rất chăm chú. Điều đó thể hiện sự hòa đồng đến tận cùng vào những giai điệu đang vang lên trên sân khấu. Tôi đứng ở vị trí chỉ huy, luôn quay lưng lại nhưng tôi vẫn cảm thấy sự ấm áp, nâng đỡ và theo dõi của cha tôi trong những đêm biểu diễn như vậy.

- Trong buổi họp báo hòa nhạc "Điều còn mãi", khi nhắc đến bố, anh đã không nén được xúc động. Có lẽ, nhạc sĩ Hoàng Vân đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của anh?

+ Ông có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi trong nghệ thuật. Ông đã dạy cho tôi những nốt nhạc đầu tiên khi tôi còn bé, ông hướng nghiệp cho tôi theo chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, ông ủng hộ quyết định của tôi sau khi tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky sang nước cộng hoà Macedonia làm việc và sinh sống.

Ông là người cha, người bạn của tôi mỗi lần tôi về Hà Nội, đi ăn sáng, cà phê, đi dạo Hồ Gươm, xem triển lãm… Sau khi ông mất, mỗi bước chân của tôi ở Hà Nội sẽ không bao giờ tràn đầy như xưa nữa…

- Tác phẩm "Việt Nam muôn năm" là một trong những sáng tác đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân, được dàn dựng trong chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" năm nay. Anh muốn chuyển tải tinh thần của bài hát này như thế nào đến thế hệ hôm nay?

+ Tôi xin trích một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…". Cha ông chúng ta đã mất bao nhiêu xương máu, công sức để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc.

Chúng ta, những thế hệ tiếp nối phải làm sao để cái tên Việt Nam được rạng ngời khắp thế giới trên nhiều lĩnh vực. Đấy là điều tôi muốn chuyển tải. Bản thân tôi dù có đi đâu biểu diễn thì dòng chữ "Nhạc trưởng Lê Phi Phi (Việt Nam)" luôn là niềm tự hào của tôi.

{keywords}
Nhạc trưởng Lê Phi Phi nhận hoa của Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo.

- Rõ ràng, những tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Văn Cao còn rất nhiều, nhưng hiếm có cơ hội vang lên, thậm chí nhiều tác phẩm đang ở tình trạng cất kho. Anh nghĩ gì về hiện trạng đó?

+ "Điều còn mãi" là chìa khoá vàng để mở ra và sử dụng dần dần kho tàng âm nhạc đồ sộ của Việt Nam. Nó quá lớn và chúng tôi đang nhẫn nại chắt lọc, lựa chọn dần dần cho vào chương trình biểu diễn hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có quá ít chương trình như vậy nên rất nhiều tác phẩm chưa được khai thác. Chúng ta cần thêm những chương trình tôn vinh âm nhạc, khai thác các giai điệu đẹp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

- Anh có chia sẻ rằng, trong đêm hòa nhạc sắp tới ở nước ngoài, anh sẽ chỉ huy biểu diễn một tác phẩm Việt Nam. Cảm giác của anh như thế nào khi những bản nhạc Việt vang lên ở nước ngoài. Đó có phải là cách anh mang âm nhạc Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế?

+ Tôi phải đính chính là cả đêm nhạc đó sẽ là một bữa tiệc âm nhạc gồm toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, trong đó có bản giao hưởng thơ "Thành đồng Tổ quốc" của cha tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi bật khóc khi nhắc đến cha, nhạc sĩ Hoàng Vân. Tôi sẽ diễn ngày 8 - 9 tại thủ đô Sôphia của Bungari với Dàn nhạc Giao hưởng Sôphia nhân dịp mừng Quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Bungari kết hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Bungari tổ chức. Tôi đã mang các tác phẩm âm nhạc Việt Nam đi diễn ở nhiều nơi trên thế giới và tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì điều này.

- Theo anh, cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về âm nhạc Việt có nhiều không và khán giả nước ngoài đón nhận thế nào?

+ Khán giả luôn đón nhận một cách hào hứng, quan tâm đặc biệt vì thật ra những người Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển trên thế giới không nhiều, nhạc trưởng lại càng hiếm. Tôi luôn tạo mọi cơ hội để trình diễn các tác phẩm Việt Nam ở nước ngoài với các dàn nhạc giao hưởng, tiếng vang sẽ lan rất xa trong giới nghệ thuật.

- Mỗi năm, anh đều dành thời gian trở về Việt Nam biểu diễn. Mong muốn lớn nhất của anh trong những chuyến trở về là gì?

+ Cũng không đến nỗi quá nhiều, thường là hai tháng một năm tôi trở về Việt Nam. Hiện nay tôi chỉ tham gia biểu diễn chứ chưa giảng dạy. Đây cũng là điều mà tôi mong muốn, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục âm nhạc cổ điển của quê hương, đào tạo những thế hệ trẻ để nối tiếp sự nghiệp của cha ông… Hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ có cơ hội làm được điều này.

- Nói đến vấn đề đào tạo, nhiều người cho rằng, nhân tài cổ điển của chúng ta không thiếu, nhưng chúng ta vẫn thiếu một đời sống âm nhạc cổ điển đúng chất hàn lâm của nó. Theo anh, làm thế nào để kích hoạt nó lên trong đời sống âm nhạc Việt Nam đang mất cân bằng hiện nay?

+ Đời sống xã hội Việt Nam hiện nay đã khá hơn, nhưng đời sống của những người làm âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Họ lao động rất vất vả, thậm chí khắc nghiệt. Họ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tập, khổ luyện.

Thực sự phải là những người rất yêu nghề mới trụ lại được. Nhưng "có thực mới vực được đạo", nếu họ có một mức lương khá hơn, chế độ đãi ngộ khá hơn thì họ sẽ có nhiều năng lượng kích thích hơn để làm nghề một cách toàn tâm toàn ý… Đời sống của người làm âm nhạc được nâng cao thì chất lượng chuyên môn cũng sẽ cao hơn, hay hơn và nghiễm nhiên là sự quan tâm của khán thính giả, xã hội sẽ lớn hơn…

- Anh có thể chia sẻ về cuộc sống và công việc hiện tại ở nước ngoài của anh như thế nào?

+ Cuộc sống của tôi ổn định. Công việc thì luôn luôn bận rộn. Tôi giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Macedonia, hợp tác làm chương trình với các dàn nhạc, nhà hát tại Macedonia và các nước khác. Nhưng tôi luôn tranh thủ và thu xếp thời gian để gần với gia đình nhỏ của mình hơn…

- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sống trong cái nôi văn hóa của một gia đình truyền thống, nhưng anh lại định cư ở nước ngoài và lấy vợ Tây, đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Liệu sự xê dịch đó có làm phai nhạt bản sắc Việt trong anh?

+ Không bao giờ. Tôi là người Việt và mãi mãi sẽ là người Việt!

- Vậy theo anh, điều gì căn cốt nhất để hòa nhập trong thế giới rộng mở và kết nối hôm nay mà không đánh mất bản sắc của chính mình?

+ Mình phải thật thà với chính mình, phải luôn luôn tôn trọng, nâng niu và gìn giữ, phát triển bản sắc văn hoá của dân tộc Việt một cách chuyên nghiệp và có tâm.

*Tít bài đã được biên tập lại.

(Theo CAND)
Ảnh: Lê Anh Dũng

Các tiết mục đã trình diễn ở Điều còn mãi 2018

Các tiết mục đã trình diễn ở Điều còn mãi 2018

Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2018 do Báo VietNamNet phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình nhận được sự khen ngợi của nhiều khán giả. 

Điều còn mãi 2018: Dấu ấn tình yêu khiến người xem thổn thức

Điều còn mãi 2018: Dấu ấn tình yêu khiến người xem thổn thức

Hơn 2 giờ đồng hồ, mỗi tác phẩm của Điều còn mãi 2018 là một dấu ấn tình yêu khiến người xem thổn thức. Nhạc trưởng Lê Phi Phi xuất sắc dẫn dắt dàn nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn đạt tới đỉnh điểm của sự viên mãn.

Điều còn mãi 2018: Thăng hoa trên đôi cánh tình yêu

Điều còn mãi 2018: Thăng hoa trên đôi cánh tình yêu

Đúng 14h ngày 2/9, hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2018 với chủ đề 'Trên đôi cánh tình yêu' đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.