- Nhạc trưởng Lê Phi Phi cho rằng việc VietNamNet làm bắt đầu rất tốt nhưng để phổ cập hơn nữa thì một buổi không đủ. Phải làm sao để Điều còn mãi phát triển lên tầm không phải 1 lần một năm mà ít nhất là nó là một Festival liên hoan dài ngày với sự hỗ trợ của truyền thông.

VietNamNet xin giới thiệu phần 2 của cuộc bàn tròn trực tuyến về hòa nhạc Điều còn mãi với sự tham gia của các khách mời là Nhạc trưởng Lê Phi Phi, NSƯT Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia, ca sĩ Đăng Dương và ca sĩ Tùng Dương.


Xem toàn bộ nội dung phần 2 cuộc bàn tròn

Chính chúng ta tôn vinh các tác phẩm của Việt Nam

Nhà báo Ngân Phương: Các nhạc sĩ của ta từ xưa đến nay ví dụ nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Nam đã sáng tác nhiều bản giao hưởng, sonate, concerto, nhưng những bản nhạc đó trong thời đại ngày nay hiếm khi được trình diễn trên sân khấu hay trên phương tiện truyền thông cũng vậy. Điều Còn Mãi mới tổ chức 5 lần năm thôi nhưng cũng đã cố gắng giới thiệu được đến công chúng một số các tác phẩm của các nhạc sĩ gạo cội của chúng ta. Vậy theo các anh việc làm đó có cần thiết không và giới trẻ có cần phải nghe những tác phẩm đó để hiểu về lịch sử âm nhạc của chúng ta hay không?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Thực ra đây không phải là câu hỏi đầu tiên tôi từng gặp khi làm việc ở Việt Nam về việc phổ cập âm nhạc cổ điển nói chung đối với lớp trẻ, công chúng. Việc đó nó phải rất nhiều những đơn vị, rất nhiều cách để làm và đặc biệt là được sự ưu ái đặc biệt của nhà nước. Bởi ở đâu, nước nào cũng thế thôi, nhạc cổ điển, những dàn nhạc giao hưởng quốc gia, đã gọi là chữ "quốc gia" là vì sao nó khác với những đơn vị nghệ thuật khác. Chẳng hạn như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam thì về mặt cơ chế tổ chức, tài chính nó phải khác những đơn vị nghệ thuật khác.

Không phải vì nó kinh khủng hơn mà đã gọi là quốc gia là của đất nước thì nó phải chế độ khác. Có phải đơn vị nghệ thuật nào cũng đại diện một đất nước? Chính cái đó mới đến vấn đề: điều kiện, nhà hát, kinh phí, biểu diễn. Bởi sức thì có hạn, nếu cứ tập mãi ở một phòng không đủ điều kiện, hôm thì nóng hôm thì lạnh thì nghệ sĩ nào yên tâm làm việc được. Tức là nó có nhiều mặt khác nhau.

Quay lại vấn đề việc VietNamNet làm để phổ cập các tác phẩm cổ điển của các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam là điều nên làm nhưng một buổi trong một năm thì không thể đủ bởi kho tàng tác phẩm rất lớn và học một kinh nghiệm từ nước Macedonia tôi đang sống thì Bộ Văn hóa, Hội nhạc sĩ Macedonia, một năm người ta tổ chức một Festival trong vòng từ 5 đến 7 ngày ở đó họ chơi các tác phẩm đương đại, quá khứ, hiện đại... để giới thiệu tác phẩm, tác giả và nghệ sĩ luôn... Vì có nhiều nghệ sĩ trẻ.

{keywords}
Nhạc trưởng Lê Phi Phi.


Việc VietNamNet làm bắt đầu rất tốt nhưng để phổ cập hơn nữa thì một buổi không đủ. Điểm thứ 2 là theo tôi chương trình khi tập rồi, ngày 2/9 rất trọng đại, biểu diễn thêm một vài lần trong cùng giai đoạn đó thì tính phổ cập rất lớn. Về sự phổ cập nói chung đây cũng là việc tốt nhưng có lẽ có nhiều nơi, đủ kinh phí và để làm sao nó phát triển lên tầm không phải 1 lần một năm mà ít nhất là nó là một Festival liên hoan dài ngày hơn có sự hỗ trợ của truyền thông.

Những gì liên quan đến vấn đề miễn phí thì tức là những đơn vị quảng cáo cũng phải giúp đỡ. Ở Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia, chính vì không đủ tiền quảng cáo nhưng có hai đài truyền hình. Một đài truyền hình của nhà nước, một đài truyền hình tư nhân họ sẵn sàng cho quảng cáo miễn phí trước đó một tuần. Đó là hình thức giúp đỡ bởi nếu không có quảng cáo không ai biết được cả mặc dù VietNamNet có trang báo của mình nhưng không phải ai cũng đọc web. Các bạn không có báo giấy, cũng không lên được tivi. Để chương trình lan rộng hơn nữa thì có lẽ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Theo tôi, đây là một công việc chung về việc tôn vinh nền âm nhạc văn hóa của cả đất nước. Nó không chỉ là nhiệm vụ riêng của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia hay của VietNamNet hay của các nghệ sĩ nữa rồi mà nó là chương trình cộng đồng cần sự chung tay của nhiều đơn vị.

Nhà báo Ngân Phương: Ông Nguyễn Trí Dũng trên cương vị giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, ông có nghĩ rằng cần sự hỗ trợ hơn nữa để cho dàn nhạc đến với đông đảo công chúng?

NSƯT Nguyễn Trí Dũng: Trong gần 10 năm qua, sự phát triển của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều. Hoàn cảnh của chúng ta đó là bước tiến đáng kể tuy nhiên so với các nước phát triển thì chúng ta còn rất yếu kém. Tôi được biết các nước phát triển có những dàn nhạc chuyên giới thiệu các tác phẩm hiện đại, có những dàn nhạc chơi chuyên các tác phẩm lãng mạn, có những dàn nhạc chuyên chơi loại hình âm nhạc ba-rốc... và có những kênh truyền hình 24/24 hết ngày này qua ngày khác chuyên phát các tác phẩm giao hưởng... và một cái nữa là tất cả chủ trương chính sách cả xã hội chúng ta phải chung tay vào, kể cả đào tạo.

Đào tạo ở đây chúng ta tưởng nhầm rằng lớp trẻ ở Châu Âu sinh ra và lớn lên người ta đã có dòng máu thưởng thức loại hình âm nhạc đó. Không phải đâu. Mà mà chính là khi đẻ ra người ta đã được giáo dục, một cách hết sức khoa học nghiêm túc để khi trưởng thành người ta có hành trang, kiến thức vô cùng đầy đủ để thưởng thức loại hình âm nhạc này.

{keywords}
Ca sĩ Đăng Dương và ông Nguyễn Trí Dũng trong buổi tọa đàm.
 

Đây là công cuộc có thể nói là cách mạng nhà nước chúng ta phải quan tâm, chăm sóc, phải có những chính sách để truyền hình, thông tấn, các doanh nghiệp chung tay vào đó là con đường phát triển tất yếu. Tôi cho rằng Điều còn mãi năm nay được nâng lên là Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi đó là vô cùng may mắn cho chúng ta, cho nhân dân chúng ta có cơ hội thưởng thức. Cái đặc biệt của chương trình là chính chúng ta tôn vinh các tác phẩm của Việt Nam, giới thiệu khả năng của các nghệ sĩ biểu diễn và mọi người đều trông mong. Chúng ta rất đau đáu, khuôn viên chỉ có vậy, nhà hát chỉ có bằng ấy chỗ, một năm chỉ có một lần mà kho tàng của chúng ta thì rất lớn. Làm thế nào đây? Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ.

Gameshow nhiều, hòa nhạc chất lượng lại ít

Nhà báo Ngân Phương: Ca sĩ Đăng Dương và Tùng Dương, các anh có nghĩ rằng chúng ta cần phải có một Festival để quảng bá cho âm nhạc chính thống Việt Nam như ý kiến của anh Lê Phi Phi hay là nếu có cơ hội để đào tạo cho lớp trẻ hoặc những người dân Việt Nam để hiểu biết hơn âm nhạc chính thống thì hai người sẽ làm gì?

Ca sĩ Đăng Dương: Theo tôi cái quan trọng nhất là quản lý văn hóa. Bộ Văn hóa - nơi quản lý chung phải có tầm nhìn, như anh Lê Phi Phi nói bây giờ mình diễn có một buổi không thể nói là phổ cập được. Bây giờ phải thường xuyên có những chương trình phát trên truyền hình chẳng hạn. Truyền hình cũng phải ưu đãi về thính phòng cổ điển, phải có nhiều chương trình hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng hát không lấy tiền để phổ cập.

Trước đây cũng có một vài chương trình truyền hình làm theo kiểu chỉ đánh theo piano hoặc những cái gì đó rất nhẹ và bây giờ cũng bỏ luôn. Và đó là một trong những điều tôi rất buồn. Từ khi tôi là sinh viên tôi đã được tham gia các chương trình như vậy nhưng đến bây giờ cũng cắt luôn. Chỉ có một vài chương trình vào thứ bảy, ví dụ Dàn nhạc giao hưởng diễn ở Nhà hát lớn thì truyền hình đến quay và phát cũng rất muộn, lúc 11h - 12h mới phát thì người xem họ cũng không xem giờ đó. Cái đó là một trong những điều những người lãnh đạo phải để ý. Đặc biệt cơ quan đại chúng như truyền hình chẳng hạn phải có thường xuyên có nhiều chương trình hơn nữa.

Ca sĩ Tùng Dương: Những gameshow thì quá nhiều, truyền hình thực tế thì nhan nhản ra và bản thân tôi rất dị ứng khi xem và tôi thấy rằng có thể mang tính giải trí nhưng cái gì nhiều cũng bị bão hòa và nó lên ngôi như vậy thì thành ra tất cả những chương trình ca nhạc hay buổi hòa nhạc chất lượng mang tính nghệ thuật lại ít đi. Đó cũng là điều hạn chế, tức là những con người đấy họ chưa ý thức được tầm vóc hoặc việc quan trọng để chúng ta hướng tới thẩm mỹ của số đông. Ngày nay các bạn trẻ du nhập nhiều văn hóa âm nhạc Phương Tây như Pop, Rock, Hip hop, những gì mang tính bề mặt, ồn ã nhưng tôi biết có những bạn trí thức cũng có thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu, gạn lọc cho chính mình để nghe thứ âm nhạc nó chiều sâu, sâu sắc hơn để qua đó các bạn tìm ra lý tưởng, khát vọng sống của các bạn.

{keywords}
Ca sĩ Tùng Dương và nhà báo Ngân Phương.

Ví dụ một câu slogan của mọi người chỉ để là vui như "Không phải dạng vừa đâu" hay những cái gì đấy mang tính chất nhất thời. Tôi không phê phán dòng âm nhạc như vậy hay ca từ như vậy nhưng rõ ràng những cái đó nó thẩm thấu các bạn trẻ rất nhanh và nó trở thành câu cửa miệng của một bộ phận các bạn trẻ. Và đến người lớn tuổi cũng biết. Họ theo một cái gì đó trào lưu. Do vậy việc phổ cập ở đây không phải một sớm một chiều chúng ta làm được mà cả một thời gian cũng như sự kiên nhẫn, sự cố gắng của cả tập thể các nghệ sĩ của dòng nhạc hàn lâm và những người nghệ sĩ muốn đóng góp cho âm nhạc nước nhà. Đó là tập thể và chúng ta muốn xã hội hóa, đi sâu vào quần chúng nhân dân thì chắc chắn chúng ta phải có sự đầu tư và suy nghĩ nghiêm túc vào vấn đề này.

Sứ mệnh của người nghệ sĩ

Nhà báo Ngân Phương: Ý kiến của Tùng Dương rất xác đáng. Thực ra người sáng lập ra chương trình hòa nhạc Điều còn mãi chắc cũng có mong muốn như vậy. Tuy nhiên, cũng rất khó khăn để làm chương trình hàn lâm hay chính thống ở Việt Nam. Ví dụ như VietNamNet năm ngoái phải dừng tổ chức một năm và năm nay chúng tôi quyết tâm muốn đẩy mạnh hơn nữa chương trình hơn nữa. Để trở thành một hoạt động Festival như nhạc trưởng Lê Phi Phi nói thì quá lý tưởng nhưng thực sự kêu gọi nhà tài trợ chương trình thì không phải dễ. Các anh là người trong nghề có cao kiến gì cho VietNamNet?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Anh Trí Dũng chắc chắn là có nhiều kinh nghiệm hơn chúng tôi vì ở công việc quản lý sẽ có câu trả lời.

NSƯT Nguyễn Trí Dũng: Tôi cũng được là nhiều năm là nghệ sĩ, nhạc công của dàn nhạc và sau này lên quản lý có nhiều cơ hội để tham gia một số Festival ở châu Âu cũng như châu Á... Tôi không rõ lắm về quy mô nhưng tôi nghĩ rằng cái quan trọng chính là phải có ý tưởng và ý tưởng phải được các lãnh đạo, các cơ quan ban ngành, trong giới ủng hộ thì mới làm được. Ví dụ trong ngành giao hưởng, cách đây 4 năm tôi có ý tưởng tổ chức các Festival nhưng chưa thực hiện được lý do đơn giản là vấn đề tài chính khó khăn. Tuy nhiên, các dàn nhạc giao hưởng bạn như Na Uy, Đức, Indonesia, Pháp, Nhật, Úc, Nga, Singapore, Trung Quốc, Malaysia... mong muốn sang Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ nhưng vấn đề mình tổ chức như thế nào là cả một vấn đề.

Cái này cũng là một tương lai, cũng là niềm hi vọng. Quay trở lại chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi, tôi cho rằng đây là bước khởi đầu vô cùng quan trọng. Rất nhiều người để ý ngóng theo. Tôi cho rằng cả các lãnh đạo nhà nước cũng quan tâm đến chương trình này nhưng mới chỉ quan tâm về mặt thái độ còn thực tế, trực tiếp tham gia ý kiến ra làm sao bằng cả tinh thần lẫn vật chất thì chưa có. Hy vọng qua chương trình năm nay đã được nâng cấp thành Hòa nhạc quốc gia thì chúng ta làm cho thật tốt để làm cho rõ tôn vinh chính những tài sản di sản của chính chúng ta. Đó là trách nhiệm của chúng ta nói riêng và của cả xã hội.

Ca sĩ Tùng Dương: Cũng mong VietNamNet giúp cho ý kiến của chúng tôi - những người rất muốn có sự phát triển cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung theo dòng chảy phát triển đồng bộ chứ không chỉ dòng nhạc nào hay đối tượng nghe nhạc nào. Muốn sự phát triển toàn diện như vậy phải có sự công bằng cho tất cả khi mà có sự đầu tư về chất xám, về vật chất và nhiều yếu tố khác mới giúp chúng tôi cất cánh được để giúp cho những giấc mơ người nghệ sĩ được chơi những bản nhạc bất hủ, dòng nhạc kinh viện tại quê nhà của chúng tôi. Đó là sứ mệnh rất lớn mà trong chúng tôi luôn ý thức được điều đó để tiếp quản điểu đó.

{keywords}
Các khách mời dự buổi tọa đàm

Nhà báo Ngân Phương: Vâng, mong muốn tiếp quản dòng âm nhạc đó cũng là điều rất có ý nghĩa. Bởi các ca sĩ hiện nay thích chạy theo thị trường hơn vì cái đó dễ kiếm tiền nhanh hơn nên nhạc hàn lâm không được quan tâm bằng nhạc thị trường. Cũng mong rằng các nghệ sĩ như Tùng Dương, Đăng Dương cũng như các nghệ sĩ khác quan tâm và đóng góp nhiều hơn những chương trình Điều còn mãi để chương trình đến được rộng rãi hơn với công chúng.

Và cũng xin chia sẻ một bức thư của độc giả gửi đến độc giả VietNamNet khi biết tin báo sắp tổ chức Điều còn mãi. Bức thư viết: "Tôi đã gần như trào nước mắt khi nghe dàn nhạc Giao hưởng chơi bản Quốc ca Việt Nam. Tự nhiên khi nghe bản nhạc này trong không khí trang nghiêm ấy tay tôi tự nhiên đặt lên ngực và thấy tim mình đập rộn ràng hơn. Tôi rất muốn có thể dẫn hai con mình cùng đi nghe buổi hòa nhạc năm 2015 này để chúng có thể cảm nhận rõ giá trị của hai từ "tự hào" thay vì suốt ngày lo trưng xe đẹp hay quần áo đẹp". Các anh đánh giá thế nào về âm nhạc có thể khơi dậy niềm yêu nhạc qua những chương trình như Điều còn mãi?

Nhạc trường Lê Phi Phi: Sự tự hào khi làm chương trình này tôi có thể khẳng định là tất cả những nghệ sĩ tham gia chương trình rồi hậu cần cho đến tổ chức để làm chương trình có ý nghĩa này nó hoàn toàn khác với những chương trình chúng tôi làm. Sự thiêng liêng và cảm xúc đặc biệt tôi có thể tin tưởng lấy từ bản thân mình. Cùng là một tác phẩm "Bên kia sông Đuống" khi tôi nghe Tùng Dương hát với Dàn nhạc giao hưởng, tôi cảm nhận rõ ràng là sự chuẩn bị tinh thần đến buổi tập đầu tiên nó đã căng thẳng hơn, tức là cách hát này khác, kỹ thuật này khác hát với Dàn nhạc giao hưởng nó đòi hỏi đầu tư hơn kể cả về mặt thời gian kể cả mặt chất xám để làm sao hát hay nhất.

Ví dụ Hồng Nhung hát bài "Nhớ về Hà Nội", tôi có thể không đếm được cô hát bao lần nhưng lần đầu tiên tham gia chương trình Điều còn mãi và sau khi hát xong, cô ấy phát biểu rằng chưa bao giờ hát ca khúc này lại có cảm xúc như vậy. Mà ngay điều đó kể cả khán giả nghe cũng cảm nhận thấy. Tức là nó mang màu mới mang tâm trạng khác mà đấy là sự tự hào của mỗi người tham gia chương trình.

Ban Văn hóa
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty rượu bia giải khát Sài Gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.