Ngày 29/8 tới tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam với chủ đề Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến.

Dựa trên nguồn tư liệu hiện của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trưng bày này giới thiệu 14 công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời có thể hiểu vì sao họ lại có thể thành công được trong mọi hoàn cảnh như vậy. 

{keywords}
Trưng bày là cơ hội để công chúng tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn của trưng bày, thông qua những câu chuyện và hiện vật trong trưng bày, công chúng hiểu biết hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta. Chẳng hạn như GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu điều chế penicillin ở rừng núi Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và bất chấp nguy hiểm vào miền Nam điều trị sốt rét cho thương bệnh binh; những sáng tạo trong phương pháp cắt gan của GS Tôn Thất Tùng đã làm rạng danh nền y học Việt Nam; những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học của GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đình Tứ và GS Nguyễn Văn Đạo khiến thế giới phải nể phục.

Đó còn là những câu chuyện về sự say mê với thiên nhiên, cây cỏ, động vật của GS Thái Văn Trừng, GS Đào Văn Tiến, GS Đỗ Tất Lợi để có được những công trình khoa học để đời của họ; hoặc những hành trình gian khổ kéo dài nhiều năm, khám phá đất đá để thành lập những tờ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ đất Việt Nam...

{keywords}
Trưng bày có nhiều tài liệu và hiện vật gốc của các nhà khoa học. 

Khách tham quan sẽ được thấy nhiều tài liệu và hiện vật gốc đã từng gắn bó với quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi. Những quyển sổ ghi chép, cuốn nhật ký, bức thư, tấm ảnh…, cùng với tiếng nói của người trong cuộc hay hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người thân của nhà khoa học, tất cả cùng kể những câu chuyện phía sau thành công của mỗi nhà khoa học có công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam cũng đồng thời là dịp ra mắt tòa nhà Quyển sách mở - nơi lưu trữ di sản của các nhà khoa học và đưa những di sản đó đến với công chúng. Cùng với các trưng bày do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức như Thẳm sâu trong từng kỷ vật, Chuyện nghề địa chất…, trưng bày mới này là một bước trong quá trình hiện thực hóa dự định xây dựng Bảo tàng Các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai.

Tình Lê

Trưng bày hai cuốn sổ tay ghi chép quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trưng bày hai cuốn sổ tay ghi chép quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây hiện vật quý được trưng bày trong chuyên đề 'Ngày Độc lập 2/9' tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai mạc sáng 18/8.