Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức đã khép lại sau 9 ngày diễn ra sôi nổi trên sân khấu Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh Hà Nam, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 

Lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy

{keywords}
Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trao tặng HCV cho các tài năng trẻ.

57 trích đoạn của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chèo trên cả nước đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người làm nghề cũng như công chúng khán giả yêu nghệ thuật Chèo ở tỉnh Hà Nam. Cuộc thi là minh chứng điển hình cho lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy trong các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Chèo hôm nay. Đằng sau thành công của các diễn viên trẻ là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo các đoàn, là công sức của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi khi đã vượt khó đưa lớp diễn viên trẻ tài năng đến với cuộc thi lần này. 

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam Lê Xuân Huy trao HCB cho các diễn viên.

Phát biểu tại lễ bế mạc Cuộc thi tài năng diễn viên trẻ sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc – 2020, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi nhận định: "Sự xuất hiện của thế hệ diễn viên trẻ trên sân khấu lần này đã cho ta thấy tận mắt những tinh hoa của nghệ thuật Chèo, sức sống ngàn năm cùng với vẻ đẹp và sự cuốn hút của nó. Điều đáng mừng, đáng vui hơn là sức sống, vẻ đẹp và sự cuốn hút của nghệ thuật Chèo, vốn được các thế hệ hôm qua giữ gìn và phát huy để trở thành một truyền thống của sân khấu Kịch hát dân tộc thì hôm nay đã được các thế hệ diễn viên trẻ kế thừa và thể hiện một cách sáng tạo".

{keywords}
Phùng Thị Thanh Huyền, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội vai Thị Màu trong trích đoạn 'Thị Màu lên chùa', HCV cuộc thi.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, thông qua các tiết mục biểu diễn đã thấy được sự nghiêm túc chỉn chu và ý thức gìn giữ những giá trị tinh hoa, giữ gìn những nguyên tắc thích hợp của sân khấu truyền thống của nhiều đơn vị, thể hiện rất rõ ở sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ diễn viên trẻ.

Lần đầu tiên một đơn vị nghệ thuật địa phương như Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 em diễn viên trẻ tham gia cuộc thi. Đằng sau những tiết mục hay và sự thành công của tài năng trẻ chính là công lao rèn luyện nghề, dày công chuẩn bị cho tiết mục của các lớp nghệ sĩ, đàn anh, đàn chị của từng nhà hát. Đã là cuộc thi tài năng trẻ phải có tài năng thật sự, lần này không hiếm diễn viên trẻ tài năng đã thể hiện các làn điệu bài bản, kể cả một số làn điệu chèo khó hát nhất.

Nỗi lo sau những đêm cháy hết mình

Sau những đêm cháy hết mình với nghề, các nghệ sĩ và cả những người quản lý lại quay về với bài toán "cơm, áo, gạo, tiền". Làm thế nào để lòng yêu nghề vẫn mãi rực cháy khi Chèo không còn là thứ mà khi muốn giải trí, khán giả có thể nghĩ tới ngay, các vở diễn dựng ra không thể bán vé, không có doanh thu? Đó còn chưa kể các đơn vị bị sáp nhập, co cụm lại để đủ kinh phí hoạt động.

{keywords}
Nguyễn Thị Thu Hiền, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam vai Thị Nở trong 'Chuyện tình làng Vũ Đại', HCV Cuộc thi.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: "Có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm chèo, kịch nói và cải lương thành một đoàn, kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở, nếu chèo dựng vở, tiết mục thì cải lương và kịch thôi và ngược lại. Mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại ngày càng ít đi do không có nguồn thu... Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật Chèo".

Ông Tuấn cũng cho biết trong kế hoạch công tác năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn. Đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư rồi Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật mà ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển.

Tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về VHNT trong thời gian tới.

"Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật cần tiếp tục đầu tư hơn nữa coi đây là một trong những công tác quan trọng để duy trì và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Bộ VHTTDL tổ chức các cuộc thi tài năng trẻ để phát hiện những nguồn nhân lực cao cho nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu truyền thống", Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh. 

Kết quả, BTC đã trao 10 Huy chương Vàng, 18 Huy chương Bạc, 1 giải thưởng cho diễn viên trẻ nhất và 3 giải diễn viên chèo triển vọng. 10 tài năng trẻ được trao HCV gồm: Phùng Thị Thanh Huyền, Phạm Thị Kim Liên (NH Chèo Hà Nội), Trần Thị Lệ Thu, Nguyễn Thị Thu Hiền (NH Chèo VN), Đặng Thị Quyến (NH Chèo Bắc Giang), Lê Thị Hồng Vân (NH Chèo Thái Bình),  Nguyễn Thị Tuyền (NH Chèo tỉnh Ninh Bình), Phạm Văn Hoá (NH NTTT Thanh Hoá), Nguyễn Thị Huyên (NH Chèo Quân đội), Lê Thị Kim Cúc (Trung tâm VHNT Hà Nam).

Bên cạnh đó Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng và Bằng khen cho các diễn viên trẻ triển vọng, đơn vị có thành tích xuất sắc cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo và bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận là Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Ninh Bình.

  Tình Lê

Chương trình xiếc được đầu tư tiền tỷ phục vụ thiếu nhi

Chương trình xiếc được đầu tư tiền tỷ phục vụ thiếu nhi

Chương trình xiếc 'Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên' trình làng khán giả Thủ đô phiên bản mới 'Kho báu rừng xanh'.