Lần đầu tiên, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tạ Tỵ - một trong những họa sĩ huyền thoại của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người từng được ví như một “Picasso của Việt Nam” thập niên 1950 được nhìn lại qua cuốn sách “Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo”. Và cũng lần đầu tiên, nhiều tác phẩm của ông được biết trở lại nhờ công phu và tâm huyết của những người biên soạn.

{keywords}
Cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tạ Tỵ.


Năm 1941, khi còn đang là sinh viên, ông đã nhận được giải thưởng đặc biệt do chính phủ Pháp trao tặng và được Vua Bảo Đại mời đi thăm kinh đô Huế. Đến năm 1943 cũng là năm ông tốt nghiệp, tác phẩm “Mùa Hạ” được ông sáng tác theo xu hướng trường phái lập thể đã nhận được giải thưởng từ cuộc triển lãm Salon Unique. Có thể nói giải thưởng này chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cũng như đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhắc đến Tạ Tỵ, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tác phẩm lập thể đầy chất thơ như “Đêm Hoa Đăng”, như “Vàng và Tím”, như “Dạ Khúc”.... Ở đó không chỉ là nguyên tắc cách nhìn, sự phối màu theo nguyên tắc của trường phái lập thể thế giới do Braque và Picasso sáng lập nên, mà ta còn nhìn thấy cả một tâm hồn Á đông rực rỡ.

Trong những ghi chép của ông về hội họa, Tạ Tỵ, cho rằng vẽ là không chỉ mô tả những gì ta nhìn thấy mà còn phải mô tả được nội tâm của người sáng tác. Do đó vào giai đoạn này, khi bắt gặp quan điểm sáng tác của Braque và Picasso, ông như thể được tiếp thêm một nguồn sinh khí mới trong sáng tạo. Hàng loạt các bức tranh lập thể đã được ra đời.

{keywords}
Tranh vàng và tím của hoạ sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1951.

Tuy nhiên, người ta có thể thấy rằng việc học theo xu hướng này của ông không đơn giản là “bắt chước” là “đi theo”, mà ở đó như toát ra một tinh thần sáng tạo mới. Không chỉ dừng lại ở lập thể, Tạ Tỵ đã đẩy những tác phẩm của mình đến với nghệ thuật trừu tượng vào thập niên 1970. Đây cũng là giai đoạn mà các tác phẩm của ông ít được biết đến hơn cả khi dự định triển lãm lần thứ 3 tại Sài Gòn năm 1975 không thành hiện thực sau 2 cuộc năm 1956 và 1961 thành công rực rỡ.

Với sự nghiệp nghệ thuật khá đồ sộ nhưng đến nay, hầu như chưa có một cuốn sách nào được biên soạn một cách đầy đủ để cho chúng ta có được một cái nhìn toàn diện về người nghệ sĩ đặc biệt này. Do vậy, đây cũng là lần đầu tiên, dưới nỗ lực tìm lại các tư liệu về cuộc đời, thông qua các cataloge, các bài báo, các thư viết tay của họa sĩ, Ts. Nguyễn Quốc Định – chuyên gia tư vấn cao cấp tại viên nghiên cứu Quốc gia IGN (Pháp) đã phối hợp với gia đình và một số nhà sưu tập tranh biên soạn nên cuốn sách “Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo”.

Có thể nói với công phu và tâm huyết này, sau 15 năm ngày mất và cũng là 98 năm ngày sinh Tạ Tỵ, công chúng cũng như giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam đã có được một tư liệu khá đầy đủ để nhìn lại những đóng góp của ông trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam một giai đoạn chưa xa.

Đặc biệt hơn nữa, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, hoặc một số nhà sưu tập tên tuổi, trong ấn phẩm này còn đưa ra nhiều tác phẩm sáng tác lần đầu được biết đến của ông trong thời kỳ Tạ Tỵ ở miền Nam và ở Mỹ. Một số những áng văn thơ cùng những khắc họa chân dung của ông vẽ về các văn nghệ sĩ Việt Nam cũng được nhắc đến.

Phải nói rằng, với các tác phẩm để đời, họa sĩ Tạ Tỵ đã viết nên một huyền thoại về hội họa Lập Thể đậm chất Á đông trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Ấn phẩm này được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn với gần 200 trang viết, 82 ảnh tranh tư liệu và 52 tác phẩm tiêu biểu qua các giai đoạn sáng tác được chú thích nguồn gốc rõ ràng góp một tư liệu quan trọng cho những nghiên cứu hồi cố về mỹ thuật thời kỳ Đông Dương ở Việt Nam.

Trang Thanh Hiền

Trưng bày những bức tranh đá quý tiền tỷ

Trưng bày những bức tranh đá quý tiền tỷ

- Những bức tranh đá quý trị giá nhiều tỷ đồng của nghệ nhân Đào Trọng Cường được trưng bày cùng với tranh của 4 hoạ sĩ khác tại Bảo tàng Hà Nội.