Viện Bảo tồn di tích đang tẩy rửa toàn bộ Văn Miếu, quét lớp sơn chứa hóa chất chống rêu mốc. Các chuyên gia bảo tồn sẽ phủ một lớp sơn màu trầm để trả lại vẻ cổ kính cho di tích.

Trước việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét vôi lại khiến vẻ rêu phong vốn có biến mất, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, thông tin đơn vị đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích Quốc gia quét vôi tôi truyền thống, sau đó phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó.

Trao đổi thêm về việc này, bà Đỗ Thị Tám, Phó giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, cho biết hiện trạng của Văn Miếu là tất cả đá, gỗ, tường gạch đều bị phủ rêu phong, nấm mốc, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến công trình. "Nếu mọi người để  ý kỹ sẽ thấy chỉ lớp mái, mũ tường, chân tường được tẩy sạch, giữa bức tường không bị quét", vị Phó giám đốc nói.

Bà Tám cũng cho hay nhân viên của Viện Bảo tồn di tích đang tẩy rửa toàn bộ, quét lớp sơn chứa hóa chất chống rêu mốc. Các chuyên gia bảo tồn sẽ phủ lại một lớp sơn màu trầm, Văn Miếu sẽ trở lại vẻ cổ kính như cũ.

Không quét sơn, rêu sẽ ăn hỏng di tích

Trao đổi với Zing.vn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho biết trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp là việc bắt buộc. Tuy nhiên, làm thế nào để di tích giữ được nét cổ kính, kiến trúc lịch sử mới là vấn đề.

{keywords}

Khu vực hai nhà bia tiến sĩ nhìn rõ nhất màu trắng xám. Ảnh: Lê Hiếu.

“Ngay sau khi báo chí đưa tin, tôi đã gọi điện cho ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông Kiêu nói rằng đó chỉ là lớp sơn diệt rêu. Sau một thời gian, sơn này sẽ bay màu, trả lại màu sắc cổ kính cho di sản. Nếu không quét loại sơn, rêu sẽ ăn hỏng bề mặt tường các hạng mục di tích”, GS.TSKH Vũ Minh Giang giải thích.

Cũng theo giáo sư Giang, việc phủ lớp sơn diệt rêu (có màu) lên các hạng mục như trường hợp nói trên là nằm trong thẩm quyền của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì không làm ảnh hưởng đến kiến trúc.

“Dư luận bức xúc khi thấy Văn Miếu có màu sắc ‘lạ’ là điều dễ hiểu. Đáng lẽ ra trước khi quét sơn, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên thông tin đến báo chí, người dân được biết, tránh việc hiểu lầm. Đây là việc cũng cần phải rút kinh nghiệm”, ông nói.     

Bài học sơn lại Tháp Rùa

Trong khi đó PGS.TS Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu di sản văn hóa) cho rằng khi sơn sửa, trùng tu Văn Miếu, cơ quan quản lý phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử và thông báo rộng rãi đến người dân.

“Trước đây Hà Nội bị phản đối kịch liệt khi sơn lại Tháp Rùa. Đó là một bài học lớn chẳng lẽ Hà Nội đã quên. Và bây giờ, tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu khi họ phủ màu lên di tích Văn Miếu cổ kính, một di tích lớn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng”, vị giáo sư này nói.

{keywords}

Cơ quan quản lý sẽ phủ lại lớp sơn màu trầm để trả lại vẻ cổ kính cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng theo PGS Biền việc phủ sơn lên Văn Miếu người dân thấy sự phản cảm trong màu sắc. Nhưng thực ra người ta đã  thay đổi kiến trúc triết học ở trung tâm Nho giáo của người Việt.

“Ở các hạng mục, màu sơn hiện đại quét lên kiến trúc cổ kính, rêu phong nhìn rất khôi hài. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có màu ‘lạ’ và phản cảm đến như vậy”, PGS Trần Lâm Biền nêu quan điểm.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong hơn 4.000 di tích lịch sử của thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý.

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu để thờ đức Khổng Tử và làm nơi học hành cho hoàng gia. Năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho Chu Văn An trước đó giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám được thờ vào Văn Miếu sau khi ông qua đời.

Năm 1484, vua Lê Thánh Tông với mục đích đề cao sự “Học” và tôn vinh các bậc trí thức Nho học đỗ đại khoa đã cho dựng 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lưu danh 1.306 vị đỗ tiến sĩ trong 82 kỳ thi trải gần 300 năm (từ 1442 -1779), ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, về việc sử dụng nhân tài.

Tháng 3/2010, 82 tấm bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến ngày 27/7/2011, 82 bia tiến sĩ lại tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 25/2/2013, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đón chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

 Theo Zing