6 năm qua, các nhà hát thuộc sân khấu Hà Nội như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa Rối Thăng Long,... đã hòa cùng với nhân dân Thủ đô bằng những tác phẩm của mình, góp phần không nhỏ vào xây dựng con người và môi trường xã hội ở Thủ đô. Những vở diễn sáng tạo đó có thể kể đến đến từ các nhà hát như: Quan lớn về làng, Vương nữ Mê Linh, Nguyễn Công Trứ, Nắng quái chiều hôm, Nàng thứ phi họ Đặng, Cánh chim trắng trong đêm, Điều còn lại, Tình sử Thăng Long, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Những người con Hà Nội, Bỉ vỏ… Tuy vậy, nhìn vào những thành công trên dù có sự phát triển nhưng không khỏi làm nhiều người làm nghệ thuật và ngay khán giả cũng cảm thấy phải "chưa đủ, thiếu".

Đưa lên sân khấu vấn đề nửa vời, vắng khán giả là đương nhiên

Tại Hội thảo Sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay, một loạt các ý kiến của các hội viên Hội Sân khấu Hà Nội đều xoay quanh những vấn đề việc thiếu và yếu tác phẩm hay, chất lượng về cuộc sống đương đại, đặc biệt là đề tài về Hà Nội.

{keywords}
NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Hiếu, NSND Công Lý trong vở kịch 'Tiếng đàn vùng mê thảo'.

PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định: "Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy rằng, xã hội thế nào văn nghệ thế ấy. Văn nghệ không được đứng ngoài kinh tế và chính trị xã hội, phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới. Nghệ sĩ phải nhập cuộc vào cuộc sống mới để có những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống mới, mang âm hưởng của thời đại…

Những năm qua, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, sân khấu Hà Nội phải chăng còn lảng tránh hiện thực đương thời, còn chưa nhập cuộc với cuộc sống đổi mới ở Thủ đô như Bác đã dạy?... Cởi nút thắt vấn đề này thuộc về các nhà lý luận, các nhà biên kịch, đạo diễn và các nghệ sĩ''.

Đồng quan điểm, NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhìn nhận: "Một cách trung thực, thẳng thắn sân khấu Thủ đô đang rất thiếu những kịch bản có chất lượng về nghề nghiệp, tư tưởng, nội dung. Đấy là chưa đề cập đến một sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết".

NSND Bùi Thanh Trầm băn khoăn: Liệu có phải đề tài hiện đại là quá khó đối với các nhà viết kịch? và bà đã tự tìm câu trả lời ở góc độ của mình rằng: "Vừa khó vừa không khó. Cái khó đối với người viết hiện nay khi dấn thân vào đề tài hiện đại đó là kiến thức về đời sống, xã hội, con người, đặc biệt ở những lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi những kiến thức chuyên môn phù hợp. Hầu như các tác giả chỉ đi vào những vấn đề chung với những kiến thức chung chung…

Những năm trước, nhiều loại hình nghệ thuật của ta có những tác phẩm xuất sắc bởi một phần không nhỏ người viết lăn lộn với thực tế cuộc sống. Thậm chí người viết cũng đồng thời là người trực tiếp lao động, công tác ở cơ sở hoặc người viết "cắm chốt" cùng ăn ở, sinh hoạt, làm việc một thời gian ở cơ sở.

Khó nữa là muốn viết tới tận cùng, muốn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột kịch cho thấu triệt vấp phải những vùng cấm, những vùng nhạy cảm. Nhiều khi khâu kịch bản đã trót lọt nhưng để một vở kịch ra đời còn phải chỉnh sửa thế này, thế nọ.

Nghệ thuật sân khấu là đưa những vấn đề của đời sống qua hình thức biểu đạt của sân khấu, tác động trực tiếp đến con người thế nhưng đưa lên sân khấu một vấn đề nửa vời, một cách tiếp cận khô cứng, công thức, sáo mòn… thì sân khấu vắng khán giả là đương nhiên".

NSND Thanh Trầm đề cập đến sự thiếu tâm huyết của chính một số người viết kịch. Căn bệnh hiện nay không chỉ riêng với nghệ thuật sân khấu đó là bệnh nghiệp dư, cẩu thả, dễ làm khó bỏ…

Sân khấu còn tồn tại chạy theo kiểu bắc nước chờ gạo người

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nghệ thuật sân khấu cũng biểu hiện một số thiếu sót và lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng con người mới - con người của xã hội hiện đại.

"Cho đến nay, còn không ít vấn đề chưa được giải quyết một cách khoa học, trong đó có vấn đề: vai trò nhân vật trung tâm trong các tác phẩm sân khấu hiện đại", NSND Trần Quốc Chiêm nêu.

{keywords}
Vở Chèo về Nguyễn Công Trứ. 

Theo NSND Quốc Chiêm, bởi nhân vật trung tâm của sân khấu hôm nay phải là người có tầm vóc lớn hơn những con người bình thường, tầm vóc của thời đại nhưng là một con người với những mối quan tâm đến những gì xảy ra và mối đồng cảm với số phận của mọi con người như những tác phẩm đã được phổ biến của thế kỷ trước với đủ thể loại, loại hình và đề tài đã làm được và thành công, kể cả loại hình nghệ thuật truyền thống…

"Hiện sân khấu vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hoá phát triển.

Chúng ta lại thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự phân hóa của người thưởng thức nên sân khấu chúng ta không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao. Cơ chế thị trường cũng khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này "tre đã già mà măng chưa mọc" chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu còn tồn tại chạy theo kiểu bắc nước chờ gạo người, ăn đong, chưa có chiến lược về đặt kịch bản và đào tạo", NSND Quốc Chiêm nêu thực trạng. 

NSND Quốc Chiêm cũng cho rằng chính tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt nên thời gian qua chúng ta thấy không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác. Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật phải thuê mướn cơ sở vật chất nên không đảm bảo ổn định lâu dài như cải lương, xiếc…. Lực lượng sáng tạo nghệt thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, nhiều diễn viên mải chạy show không trau dồi chuyên môn và đạo đức tư cách nghề nghiệp,...

Tình Lê 

Bài 2: Làm sao để sân khấu Hà Nội không tụt hậu 

Xuân Bắc: Diễn viên Nhà hát Kịch VN bắt đầu quen với sự khổ cực

Xuân Bắc: Diễn viên Nhà hát Kịch VN bắt đầu quen với sự khổ cực

Dù sau dịch Covid-19, các sân khấu 'kêu trời' vì khó nhưng với Nhà hát Kịch Việt Nam sân khấu vẫn đỏ đèn, đặc biệt tháng 10 vừa nhà hát có tới được 27 suất diễn.