Kỳ thực, không chỉ các mẹ anh hùng, chính họa sĩ Đặng Ái Việt cũng đã bước sang mùa đông của đời mình cách đây 10 năm khi bà bắt đầu chiến dịch đầu tiên ngày 19/2/2010. Vì vậy, ở tuổi 72, nhiều người lo lắng bà không còn đủ khỏe để đáp ứng những chuyến đi miệt mài như vậy nữa.

“Ngày 23/11, tôi đi từ TP.HCM đến thị trấn Dương Minh Châu và xã Bến Củi, tỉnh Tây Ninh, khoảng hơn 100 km để chuẩn bị vẽ mẹ Nguyễn Thị Tám. Quãng đường đó theo bạn thì tôi còn khỏe hay yếu?”, bà hóm hỉnh trả lời VietNamNet.

{keywords}
Họa sĩ Đặng Ái Việt.

10 năm, 2.348 tranh ký họa mẹ anh hùng

Bắt đầu hành trình từ 19/2/2010 đến 19/11/2020, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ người mẹ thứ 2348. Bà chuẩn bị gặp và vẽ tiếp 2 mẹ ở huyện Dương Minh Châu. Khi kết thúc đoạn hành trình này, bà sẽ vẽ tròn 2350 mẹ Việt Nam anh hùng.

Có thể thấy nhiều điều từ các hành trình của Đặng Ái Việt. Thứ nhất, đó là sự thách thức khoảng cách địa lý mà không nhiều người trẻ dám dấn thân chứ chưa kể một người phụ nữ đã ngoài 60. 10 năm, họa sĩ đã đi hết các cung đường đất nước trên chiếc Chaly cũ kỹ mặc cho không gì đảm bảo sẽ không xảy ra bất kỳ rủi ro, tai nạn, đau ốm nào trên hành trình ấy, đặc biệt hơn bà lại đi một mình.

Thứ hai, đó là hành trình nữ họa sĩ đi theo sự điều chỉnh của quy định pháp luật theo hướng nhân văn, vị nhân sinh hơn. Ngày 21/7/2011, bà kết thúc chiến dịch thứ 3 khi quy định pháp luật hiện hành, người mẹ Việt Nam anh hùng có từ 3 con là liệt sĩ. Nhưng đến ngày 25/5/2013, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP có hiệu lực. Theo đó, những người mẹ có 2 con liệt sĩ được phong tặng và truy tặng mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng chính vì thế nữ họa sĩ lại tiếp tục lên đường tìm vẽ các mẹ vừa được phong tặng và truy tặng theo quy định mới.

Thứ ba, đó là cuộc đua không khoan nhượng với thời gian. Tính đến 2010, chiến tranh kết thúc ngót 35 năm, các mẹ anh hùng người mất, người còn. Nếu họa sĩ Đặng Ái Việt không lên đường đi ngay để thực hiện công việc mình theo đuổi bao năm thì không kịp.

Một số bức ký họa hồi tháng 9 khi bà ra Bình Thuận.

“Tôi đang chạy đua với nghiệt ngã với thời gian. 10 năm qua, tôi đi và vẽ không nghỉ ngơi ngày nào. Nhiều người nói tôi đi chi mà đường sá xa xôi, đèo sâu núi cao thế kia? Tôi cho rằng không có đường xa, chỉ có đường sắp đến và đó là nhà của mẹ Việt Anh anh hùng. Thời gian không dừng lại làm sao tôi dám dừng! Tôi dừng lại nghỉ nhỡ các mẹ ra đi, khi đó có muốn tìm lại hình ảnh của các mẹ cũng không được”, bà chia sẻ.

Họa sĩ xem hành trình của mình là cuộc chiến. “Tôi 72 tuổi đời, 51 tuổi Đảng, Bác dạy chúng tôi luôn luôn chiến đấu thì tôi không chùn bước bao giờ. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Khi tôi không kịp vẽ người mẹ nào đó, tôi thấy mình như người thua trận” - họa sĩ Đặng Ái Việt nói.

Nếu lấy tiền của mẹ, của địa phương, tôi sẽ bể chân bại liệt lập tức

Họa sĩ Đặng Ái Việt nói thêm, bà đi vẽ một mình nhưng hành trình không hề đơn độc. Hơn 2000 bức vẽ có thể nói là một công trình lan tỏa mà bà được cả nước giúp đỡ. "10 năm qua tôi không đếm hết bao nhiêu nơi, bao nhiêu người cho tôi ăn, ở miễn phí, đổ xăng không tốn tiền. Các em ở Bộ Lao động, Sở Lao động, Hội Phụ nữ hỗ trợ tôi công văn, pháp lý đi khắp 63 tỉnh thành.

Bữa trưa của tôi hầu hết là ăn cùng các mẹ. Tôi vẽ hơn 2000 mẹ thì ăn cơm của bấy nhiêu nhà. Bạn nói tôi ăn mày khắp cả nước cũng được. Nếu không được mọi người hỗ trợ, tôi có đi lang thang một mình cũng chẳng làm gì nổi”, bà hào hứng.

{keywords}
Mỗi bức chân dung là một câu chuyện, nỗi đau mà Đặng Ái Việt chép từ nếp thời gian trên mặt mỗi mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: mevietnamanhhung.hcmgis.vn

Dù vậy, Đặng Ái Việt luôn sẵn tiền lương hưu trước mỗi chuyến đi. Bà đi và vẽ với tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng người cán bộ không được để việc tư túi làm mù quáng: “10 năm qua tôi chưa từng bỏ riêng một đồng. Tôi luôn đùa rằng: Nếu tôi lấy tiền của mẹ, của địa phương, tôi sẽ bể chân bại liệt lập tức”.

Như tên Hành trình nếp thời gian, Đặng Ái Việt đã đi nhặt từng nếp thời gian hằn lên trên khuôn mặt các mẹ Việt Nam anh hùng. Bà luôn thấy tạo hóa thật diệu kỳ khi tạc nên những hằn nếp thời gian không người mẹ nào giống mẹ nào mà họa sĩ chỉ là người chép lại hằn nếp ấy. Vì vậy bà đặc biệt khó chịu khi có ai đó rằng bà ấn tượng câu chuyện của người mẹ nào nhất trong 10 năm qua.

“Người mẹ mất 9 người con và người mẹ mất 1 con, ai đau hơn? Nỗi đau làm sao so sánh hay cân đo đong đếm mà chúng ta xếp nhất xếp nhì! Có mẹ khóc con đến mù mắt; có mẹ đã trở nên lẩn thẩn khi biết tin chồng và con cùng chết chung một trận… Những mất mát kinh khủng đến nhường nào!”, bà nói.

Tôi chẳng có gì vĩ đại

Có người nói họa sĩ Đặng Ái Việt đang làm điều vĩ đại, bà có cởi mở đón nhận ý kiến ấy không?, trước thắc mắc của VietNamNet, bà chối phắt: “Tôi không dám nhận từ vĩ đại đâu! Tôi thấy không có gì vĩ đại cả. Việc vẽ các mẹ anh hùng là cách tôi đem trái tim mình trả ơn đời. Mỗi người có cách tri ân mẹ anh hùng khác nhau, tôi tri ân các mẹ bằng nghề mà Đảng và Nhà nước đã đào tạo mình.

Chúng ta được làm người phải sống xứng đáng hai chữ con người. Tổ quốc này là một dải đất từ Nam chí Bắc, nơi biết bao con người đã ngã xuống - chính những người con của các mẹ! Tôi tự hào khi để lại hình ảnh chân dung các mẹ cho muôn đời sau. Các tranh của tôi trên website sẽ còn đó thiên thu”.

{keywords}
Đặng Ái Việt nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho những đóng góp của mình.

Họa sĩ nói thêm: “Ngày xưa, má tôi dạy: Mình cho người ta cái gì, nếu họ chịu nhận, con phải cảm ơn họ. Tôi mang đến những bức chân dung các mẹ cho thế hệ trẻ. Nếu các em chìa tay đón nhận và hiểu vì sao tôi vẽ nên những bức tranh như vậy, tôi mới là người phải cảm ơn các em”.

Bên cạnh vất vả cho những chuyến đi đầy ý nghĩa của mình, nữ họa sĩ cũng tìm thấy hạnh phúc mỗi khi hoàn thành một bức tốc ký người mẹ Việt Nam anh hùng. Với bà, hạnh phúc là được gặp, vẽ, lắng nghe, ôm hôn và đón nhận tình cảm, niềm vui từ các mẹ. Tất cả những điều này là động lực lớn như tiếp thêm sinh lực để độ tuổi đáng ra được nghỉ ngơi dưỡng già thì bà vẫn làm rất nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc đời.

Sau tất cả, hành trình 10 năm cùng 2348 tác phẩm ký họa, 5 triển lãm tranh của Đặng Ái Việt là sự lan tỏa điều tử tế, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mọi người, nhất là người trẻ, về ước mơ, hoài bão và lý tưởng sống.

Chưa biết đến khi nào bà trả xong "nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân" nhưng tuổi 72, hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn chưa dừng lại!

Cẩm Loan 

Họa sĩ 70 tuổi đi dọc Việt Nam vẽ hơn 2.000 chân dung mẹ anh hùng

Họa sĩ 70 tuổi đi dọc Việt Nam vẽ hơn 2.000 chân dung mẹ anh hùng

Hơn 2.000 bức chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng là những nét thời gian khác nhau, những nếp gấp đau thương, mất mát và bi hùng tái hiện qua tranh họa sĩ Đặng Ái Việt.