Chiều 2/11, tại ĐH Mỹ Thuật Việt Nam, đã khai mạc Triển lãm ký họa 'Nét thời gian' của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

{keywords}
Triển lãm tranh ký hoạ "Nét thời gian" của hoạ sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân là những nhành lá thời gian ông hái lượm được tên bước đường tự lập thân.

Triển lãm trưng bày hơn 250 tác phẩm ký họa họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã sáng tác trong suốt 70 năm qua. Nét thời gian được tổ chức đúng vào những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, nơi họa sĩ từng học tập cũng đồng thời hướng tới kỉ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, một số tranh vẽ trong thời gian họa sĩ tham gia quân đội.

Trong số các bức ký họa trưng bày tại triển lãm lần này, có rất nhiều bức ký họa về NSND Ngọc Lan, người bạn đời đã đồng hành cùng ông trong suốt những chặng đường đã qua, những bức ký họa về cuộc sống của gia đình, về các con của ông…

Hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân cùng người bạn đời NSND Ngọc Lan tại triển lãm.

Các bức ký họa được thể hiện bằng chì thường, chì than, bút máy, mực que, mực nho, màu nước... Ở mỗi mảng đề tài, có những ký họa đặc biệt nổi bật, đánh dấu những chuyển biến trong nhân sinh quan về thế giới quan, cũng như kỹ thuật, phong cách của người sáng tác.

"Đây là những bản gốc, bản chính tôi vẽ, thu thập được tích luỹ cho đến giờ. Tôi có mấy giai đoạn sáng tác, học ở trường là một loạt tranh ký hoạ. Sau đó tôi đi bộ đội, Điện Biên Phủ cũng có loạt tranh. Rồi khi học ở Nga và tiếp theo về nông thôn, Hưng Yên, quang cảnh đẹp tôi cũng khiến tôi phải ký hoạ lại. Nhiều kỷ niệm hay, đẹp nên tôi rất trân trọng”, họa sĩ Ngô Mạnh Lân chia sẻ.

Có mặt tại triển lãm, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đánh giá rất cao những sáng tác của hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân. "Những bức ký hoạ có một giá trị lịch sử của nó, nhất là những bức ký hoạ về thời kỳ kháng chiến. Nếu không tài năng thì không tài nào ghi lại nhanh khoảnh khắc đó bằng hình được. Bình thường, với những bức tranh ký hoạ, nó chỉ là bước đệm để tác giả hoàn thiện thành bức tranh nhưng với hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân, chỉ cần những ký hoạ bằng chì thôi cũng thấy được, tác phẩm đó đã sinh động như thế nào, nó không cần phải tô vẽ thêm gì nữa", nguyên Thứ trưởng Vương Duy Biên nhận xét.

Hoạ sĩ Mai Long cho biết, ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam cùng với họa sĩ Ngô Mạnh Lân từ năm 1950. 

"Họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng là một trong số những nghệ sĩ trẻ nhất của lớp họa sĩ kháng chiến. Ngày đó, cuộc sống rất kham khổ nhưng thầy và trò đều miệt mài lao động, sáng tác. Trong giai đoạn khó khăn ấy, họa sĩ, sinh viên có được các ký họa đã rất quý. 

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã tạo được sự chú ý bởi kỹ thuật tạo hình rất tốt, vẽ nhiều nhưng các tác phẩm của ông không chỉ phản ánh hiện thực có sẵn mà trong đó luôn có phát hiện mới mẻ của chính tác giả về những vẻ đẹp đôi khi rất bình dị của đời sống… 

Trong đó, bức ký họa Bà Khiêm của NSND Ngô Mạnh Lân nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn cùng khóa và cả các thầy trong trường, cho thấy tình yêu hội họa mãnh liệt của một họa sĩ trẻ", hoạ sĩ Mai Long chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã nghe, xem, tìm hiểu rất nhiều về ký họa của Việt Nam và các nước. Nhưng ký họa của các họa sĩ ở các nước thường đơn giản. Ít có quốc gia nào, ký họa lại hoàn chỉnh như là ký họa của họa sĩ Việt Nam. Ký họa của NSND Ngô Mạnh Lân cũng thế. 

Các ký họa không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật. Qua tác phẩm, người xem còn cảm nhận được đời sống, văn hóa, lịch sử của đất nước qua nhiều giai đoạn. Đây là giá trị khác biệt của ký họa của các họa sĩ kháng chiến nói chung, của NSND Ngô Mạnh Lân nói riêng.

"Xem tranh ký họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân có thể thấy rõ ông đi nhiều, sống nhiều, cảm thụ nhiều, lao động bằng một tinh thần hết sức nghiêm túc, trung thực. Bút pháp của ông cũng vì thế phong phú, giàu có như thiên nhiên và cuộc sống, khi trữ tình, khi đậm chất sử thi, khi mạnh mẽ, dứt khoát, táo bạo đem đến những hiệu quả tràn trề ánh sáng, và qua diễn dịch tâm lý cũng đượm đà màu sắc, cân bằng giữa tính xác thực khoa học hàn lâm và biểu cảm", hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

"Ở mảng tranh ký họa, năng lực quan sát, năng lực cảm thụ thiên nhiên, sự vật; kỹ năng sử dụng nét, đường nét và kỹ năng diễn tả ánh sáng của Ngô Mạnh Lân – đôi khi đã đạt tới độ thăng hoa và trình độ chuẩn mực. 

Qua tập tranh ký họa này của NSND Ngô Mạnh Lân, người xem như được nghe, đọc những câu chuyện kể, những bài thơ trữ tình về quê hương, đất nước, con người; được trải nghiệm một cách thú vị và đầy ý nghĩa về một cuộc sống, một thời đại bản thân người nghệ sĩ đã từng được đắm mình trong đó, là nhân chứng, là người ghi lại nó…", Nhà xuất bản Mỹ thuật đã nhận định trong lời giới thiệu tập tranh ký họa Nét thời gian. 

Họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 9/11/1934 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tham gia khóa học đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1956, ông được cử sang Liên Xô học đạo diễn hoạt hình tại ĐH Quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Sau khi về nước, ông làm việc tại xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Ông là nghệ sĩ hàng đầu trong ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam, từng giành nhiều giải thưởng ở trong nước và quốc tế về phim hoạt hình.

Ngoài công việc đạo diễn, ông còn là một họa sĩ, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã vẽ nhiều ký họa, tranh sơn dầu, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh… Ngoài ra, ông cũng đã nhận nhiều giải thưởng về mỹ thuật, được trao tặng danh hiệu NSND năm 1997. Năm 2007, Họa sĩ Ngô Mạnh Lân được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Tình Lê

Triển lãm ai xem cũng phải nghẹn lòng

Triển lãm ai xem cũng phải nghẹn lòng

20 đứa trẻ là nhân vật chính trong triển lãm ‘Giấc mơ gia đình’ đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha…