Không xuất hiện ồn ào, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương âm thầm cống hiến. Ông được người trong giới gọi là "Già làng của giới văn học nghệ thuật".

Sáng 24/12, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tạp chí văn hiến Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học đồng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: "Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương".

{keywords}
Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương với gia tài đồ sộ mà ông đã để lại cho nền âm nhạc, sân khấu Việt Nam

Một hiện tượng văn học nghệ thuật đặc biệt

Tại hội thảo, GS Hoàng Chương khẳng định nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam. "Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương - một cán bộ văn hoá khiêm nhường - một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ".

Theo GS Hoàng Chương, khi cầm trên tay cuốn "Rừng hát" của Trương Minh Phương dày 1400 trang chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo cống hiến to lớn bất ngờ của ông. Bởi, Trương Minh Phương đã để lại 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch đài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian.

"Đây là một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng hiện thực cuộc sống được phán ảnh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiều sâu nhân văn của tác phẩm", GS Hoàng Chương khẳng định.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam nói: "Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…".

Trong khi đó, nhạc sĩ Thuỵ Kha chia sẻ, những gì ông biết về Trương Minh Phương chỉ đơn giản là nhạc sĩ giữa đời thường. Nhạc sĩ Thuỵ Kha cho rằng, một cô gái ngân hàng, một chàng trai dầu khí, một anh lính biên phòng,...đều để lại những xúc cảm với nhạc sĩ Trương Minh Phương và ông luôn sáng tác về những con người cần lao như thế. Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống để rồi mỗi vùng đất Minh Phương đi qua trên các nẻo đường Tổ Quốc đều mang lại cho ông những sáng tác đáng quý.

{keywords}
Toàn cảnh hội thảo

Nguồn sống của sân khấu quần chúng

Tại buổi hội thảo, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng có nhà quản lý văn hoá đã từng nói rằng, kịch của Trương Minh Phương là "nguồn sống" của sân khấu quần chúng. Vì, kịch của ông hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp nhưng lại được diễn ở các sân khấu quần chúng, nó vẫn hiện lên đầy đủ đặc trưng nhận thức, giáo dục thẩm mĩ trong những hình tượng cao đẹp của chân-thiện-mỹ. 

"Trương Minh Phương viết kịch mang đầy 'chất sống', là kịch triết lý về lẽ sống, lẽ đời mà ra. Ví như tác giả đã từng có những triết lý khó quên như thế này: "Con voi xích được, nhưng con người thì khó xích; Một cây to không gọi là mưa rừng (tác phẩm Mưa rừng); Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm (tác phẩm Gió rừng); Quý nhất ở đời là lòng tin (Sương tan),...Chính vì đầy chất sống như vậy nên vở kịch nào của Trương Minh Phương không chỉ có con người tốt, có thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ mà còn có cả âm nhạc - ca hát", TS Trần Trí Trắc chia sẻ.

Nhà văn Đặng Vương Hưng khẳng định rằng Trương Minh Phương đã viết về nhiều đề tài, nhiều thể loại, kịch ngắn, kịch dài, ca kịch, kịch thiếu nhi, kịch tuyên truyền cổ động,.. và ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại những dấu ấn đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, chỉ cần đọc lại hơn 800 trang kịch bản "Bên cánh màn nhung" của Trương Minh Phương trong tuyển tập "Rừng hát" chúng ta có thể nhận ra ngay nhân cách, trí tuệ và đạo đức cao đẹp của một người nghệ sĩ chân chính. Ông luôn đau đáu với đời, đấu tranh với cái xấu, cái ác; xót xa vì những số phận bất hạnh, hết lòng vun xới để cái tốt, cái thiện và cái đẹp được khoe sắc và toả hương.

"Rất ít người biết tới một nghệ sĩ tài ba, cả cuộc đời tâm huyết gắn bó với rừng, sống với rừng, làm nên sự nghiệp lớn cũng từ rừng, nhưng người trong giới thì rõ tường về ông, họ luôn gọi ông là "Già làng của giới văn học nghệ thuật", GS.TS. NSND Lê Ngọc Canh nói.

Tại buổi hội thảo, tất cả các ý kiến của những chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành đều thống nhất rằng, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương cần được tôn vinh xứng đáng hơn nữa vì sự đóng góp cho nghệ thuật nước nhà. 

"Tôi cũng đề xuất và mong muốn Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho Trương Minh Phương. Tôi tin rằng, dù Trương Minh Phương không còn trên cõi đời này nữa nhưng nhiều đứa con tinh thần của ông vẫn là di sản quý của nền văn nghệ cách mạng, một nền văn nghệ cổ vũ cho Cách mạng tiến lên. Nên tôi cũng đề nghị hãy tổ chức đêm nhạc tôn vinh những sáng tác của tác giả Trương Minh Phương", GS Hoàng Chương kết lại.

T.Lê