- Được thực hiện bởi một êkip trẻ, với 100% diễn viên không chuyên, nhưng lại cháy vé và đỏ đèn suốt 21 buổi diễn trong hai tháng qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), hai vở nhạc kịch "Đêm hè sau cuối" và "Góc phố danh vọng" của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đã được coi là một hiện tượng lạ của sân khấu kịch Thủ đô.

Ngoài việc chinh phục một lượng lớn khán giả trẻ, tiếng vang của vở còn thu hút được nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo tên tuổi đến xem. Nhạc sĩ Dương Thụ, nhà  văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và MC Diễm Quỳnh đã có mặt ở hàng ghế khán giả theo dõi cả hai vở diễn và chia sẻ thẳng thắn về "hiện tượng trẻ" Nguyễn Phi Phi Anh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Trời ơi là tuổi trẻ!"

Sau khi xem xong Đêm hè sau cuốiGóc phố danh vọng tôi thấy tiếc là tận đến năm nay, tôi mới được xem kịch của bạn ấy. Phi Anh và "đồng bọn" quá giỏi, quá thông minh, gu thẩm mỹ đáng nể... Một dòng suối trẻ tươi mát, thanh lành, rất mạnh mẽ! Đạo diễn vở tận tâm, lại có tài năng và phong cách cá nhân thú vị... Bằng ấy thứ, nó khiến cho mình cảm thấy rất đã!

{keywords}
Đạo diễn Hoàng Điệp.

Tôi thích Đêm hè sau cuối vì nó có vẻ giống... phim truyện hơn. Và tôi vốn khoái những thứ hấp dẫn, hồi hộp, căng thẳng, khó đoán... lại còn hài hước. Góc phố danh vọng đôi chỗ xem bị nản. Nó có những chỗ hơi tẻ... Ấy thế nhưng, chính Góc phố danh vọng lại làm tôi khóc. Hôm tôi xem là buổi diễn cuối nên diễn xong, mắt tôi cứ nhòe đi, không dừng được. Trời ơi là tuổi trẻ, là say mê, là sự trong lành, sòng phẳng chân tình! Tôi cứ đứng đó, nhìn các bạn ôm nhau trên sàn diễn và mình cứ thế khóc như đang chứng kiến chính thanh xuân của mình ở đằng xôn xao ấy!...".

Nhạc sĩ Dương Thụ: ''Chuyển cảnh sao mà dễ dàng!''

Xem vở Đêm hè sau cuối tôi thấy thích thú. Nó "ngoại lai" nhưng chấp nhận được, khiến tôi nghĩ đến thời kỳ đầu của kịch nói Việt Nam diễn hài kịch Molière và thời kỳ đầu tân nhạc hát "lời ta điệu Tây". Có một cái gì đó sơ khai nhưng đầy cảm hứng của lòng nhiệt thành cách tân văn hoá. Say mê với cái mới biết, muốn bắt chước, chứ chưa thật sự tạo ra nó, nhưng sự say mê này đã cuốn hút được tôi và khán giả trẻ. Đấy chính là tố chất "trẻ" ở Nguyễn Phi Phi Anh!

Vở Đêm hè sau cuối thành công cả ở 3 yếu tố: âm nhạc, vũ đạo và kịch, nhất là yếu tố kịch có tình tiết éo le, có thắt nút mở nút. Các yếu tố "nhố nhăng hậu hiện đại" ở mức độ vừa phải có thể chấp nhận được. Các vai chính không phải là những ca sĩ nổi tiếng nhưng hát rất tốt, diễn xuất khá thoải mái, không bị "cương", dù họ là diễn viên không chuyên.

Ở đây là cái tài chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn. Tôi rất khâm phục cách tổ chức không gian sân khấu của Phi Anh. Ta có thể nhìn thấy nhạc công và diễn viên cùng sự chuyển cảnh vô cùng dễ dàng.

{keywords}
Nhạc sĩ Dương Thụ.

Nhưng đến vở Góc phố danh vọng thì tôi không thể xem hết vở. Với tôi thì nó không có được những gì mà Phi Anh đã tạo ra ấn tượng như ở vở diễn trước đó. Ở đâu ra sự mâu thuẫn này? Chỉ Phi Anh mới có câu trả lời.

Điều tôi băn khoăn ở Phi Anh là nền tảng văn hoá Việt, nhất là văn hoá âm nhạc dân tộc (dân gian, cung đình, bài hát Việt từ thời tiền chiến đến bây giờ), văn hoá sân khấu dân tộc (tuồng, chèo sân đình)... Có thể bạn ấy biết nhiều nhưng có lẽ do chưa thực sự sống với nó nên nó chưa thành nền tảng văn hoá cho mình chăng?

Tất nhiên, với một đạo diễn trẻ ở một thể loại sân khấu mới mẻ như Musical nghịch lý đó cũng là chuyện thường tình. Musical không giống như Opera cổ điển, vũ đạo và âm nhạc rất trẻ trung, mang tính đại chúng và hoàn toàn phù hợp với các bạn trẻ. Quan trọng, Phi Anh đã xuất hiện đúng thời!”

MC Diễm Quỳnh: "Niềm vui sướng lây lan cả khán phòng"

"Tôi thích sự trong trẻo và hồn nhiên của hai vở diễn. Tôi cảm nhận rất rõ hơi thở 9x trong đó, từ cách viết thoại ngôn ngữ teen, lối biên đạo các phần nhảy múa thịnh hành nhất, đến kiểu diễn xuất phóng túng của dàn diễn viên...

Rõ ràng là Phi Anh và ekip không cố gắng gồng lên làm cho giống một đoàn kịch chính quy truyền thống. Họ làm thứ họ thích, họ diễn tung tăng, hát có thể chưa thật rõ lời, các tình tiết có thể đôi chỗ chưa thật gọn, nhưng ngập tràn sân khấu là những bạn trẻ đang diễn vở kịch của chính họ, bằng niềm vui sướng lây lan cả khán phòng.

Trích đoạn vở "Đêm hè sau cuối"

Cả hai vở đều có thiết kế sân khấu thú vị. Tôi ấn tượng với vở Đêm hè sau cuối. Nó khiến tôi tò mò về cốt truyện và các nút thắt hài hước. Tuy nhiên, vở Góc phố danh vọng" có phần diễn hát và nhảy múa rất công phu, dù mạch chuyện và xử lý tình tiết ít bất ngờ hơn...

Nhạc kịch không khó xem, nếu nó hay. Tôi tin nhiều người xem Việt Nam từng há mồm thích thú xem nhạc kịch hiện đại và cả kinh điển ở nước ngoài. Việt Nam mình chưa có nhiều vở nhạc kịch, vì thế khởi từ những dự án thử nghiệm như thế này biết đâu sau này, chúng ta sẽ có những vở hay, cháy vé và sáng đèn liên tục cho sân khấu thì sao?!".

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Chân thực, tế nhị, khôn khéo... Phi Anh có cả!"

Đã đến với cả hai vở “Đêm Hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” hầu hết mọi người đều nghiêng về vở “Đêm hè sau cuối”. Ông thì sao?

- Tôi lại đặc biệt thích “Góc phố danh vọng”. Thích cái chất “tự sự” - nó đòi hỏi sự chân thực, tế nhị và khôn khéo... Phi Anh đều có cả! Nó là “chân dung” cậu ấy. Tôi kính trọng phẩm chất nghệ sĩ trong toàn bộ tác phẩm, dù có đôi chỗ “vụng dại mê sảng” có thể là do thiếu “trường đời” chăng?

Ở thời điểm mới xuất hiện, ông đã được đón chào như một làn gió lạ của văn học đổi mới, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi. Điều đó có tác động đến cảm hứng làm nghề của ông? Thái độ đón nhận nào cần thiết cho một người trẻ như Phi Anh, theo ông?

- Tôi khác. Thời tôi khác. Tôi tự tìm kiếm cảm hứng làm nghề cho riêng mình. Với Phi Anh, tôi nghĩ là mọi người nên kính trọng cậu ấy.

Được biết, truyện của ông đã từng được chuyển thể thành kịch bản sân khấu nhưng... bị cho là khó dựng. Vậy khi xem hai vở của Phi Anh, liệu ông có thấy “vỡ” ra điều gì?

- 30 năm trước, tôi đã nghĩ đến kịch hát, nhạc kịch... Giờ thì “già rồi, tóc bạc rồi, ê chề nơi giang hồ”. Tôi là nhà văn thôi, nhà văn không phải ai cũng viết được kịch, thường phải là nhà văn lão luyện. Sân khấu phải có nghề.

Lê Quân (ghi)