Bồ công anh trong gió bắt đầu bằng chuyện Công Anh (Hoàng Ngọc Sơn) và Sơn Quỳnh (NSƯT Mỹ Uyên) yêu nhau 5 năm thì Công Anh thay lòng. Chàng công tử điển trai, học giỏi, nhiều tài lẻ rung động trước một nam sinh cùng tên là Công Anh (Hữu Tài). Về sau, Công Anh (Hữu Tài) tự nguyện đổi thành Công Em như một cách ngầm định chia vai vế trong quan hệ tình yêu đồng tính.

Cần tư duy mới cho đề tài đồng tính

Những tác phẩm kịch gần đây của rạp 5B, tên của nhân vật thường nặng tính ẩn dụ, có liên kết với giá trị tổng thể của tác phẩm. Ở Bồ công anh trong gió, hai nhân vật nam chính đều tên Công Anh, số phận của họ chẳng khác gì loài hoa đầy tính thơ này. Đời nữ chính Sơn Quỳnh cũng như “hoa quỳnh giữa núi”, có đẹp có thơm thì cũng không có người tán thưởng, nâng niu. 

Hay thú vị hơn là tuyến nhân vật phụ. Nhân vật Tử Đằng yêu Công Em nhưng giữ trọn tình bạn với Công Anh. Trong khi đó, loài hoa tử đằng biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu, buông bỏ thù hận và có ý nghĩa là “Tôi đợi sự hồi đáp của em”. Nhân vật Trúc, tưởng mình “cùng hội cùng thuyền” với Mai, Lan, Cúc nhưng rốt cuộc vẫn giữ lại bản ngã của người nam, đúng như cây trúc trong tranh tứ quý.

Tình tay ba nhân vật Công Anh, Công Em và Sơn Quỳnh đi đến bi kịch vì ai cũng có một phần lỗi. Dễ thấy, Công Em hèn nhát, vị kỷ, hành xử cảm tính và luôn có xu hướng trốn chạy. Thay vì có ít nhất một biểu hiện xây dựng hoặc đấu tranh, cậu hành xử giống như tuýp nhân vật nữ chính ưa cam chịu trong các sê-ri tình cảm gia đình Đài Loan đẫm lệ đầu thập niên 2000.

Phát triển kịch bản khá dễ đoán. Tình yêu của Công Anh và Công Em bị gia đình chia rẽ, Công Anh nuốt lệ lấy Sơn Quỳnh làm vợ - một motif có thể thấy nhan nhản đâu đó trong thực tế cũng như phim, truyện. Kỳ thực, Bồ công anh trong gió không mới, từ đề tài, nội dung đến cách kể chuyện. Đề tài đồng tính nam đã khai thác nhiều, từ năm 2014 đã có vở Cầu vồng khuyết với những cảnh hôn, ái ân táo bạo ngay trên sân khấu.

Trái với Công Em, Sơn Quỳnh thừa niềm tin nhưng khổ vì chấp niệm. Cô biết hôn phu của mình và Công Em có quan hệ tình cảm lén lút nhưng vẫn đâm đầu vào cuộc hôn nhân không lối thoát, chỉ vì tin mình sẽ “cảm hóa” được anh.

Công Anh yếu đuối, thiếu bản lĩnh và sa lầy “bên tình bên hiếu”. Cuối đời, anh hỏi vợ mình vì sao không tìm một người đàn ông khác xứng đáng hơn? Nhưng chính nhân vật đã không đủ cương quyết để chấm dứt cuộc hôn nhân giả tạo, tìm lại lẽ sống cho đời mình ngay cả khi mẹ đã mất.

Kết cục của Công Anh không biểu thị cho sự bế tắc của nhân vật mà của chính biên kịch vở Bồ công anh trong gió. Tác giả đã đứng giữa lằn ranh rất mỏng manh giữa ủng hộ và cổ xúy. Để rồi khi không còn lựa chọn nào khác cho bài toán khó, anh đưa cái kết giống hệt phim Lạc giới vốn đã phát hành cách đây 6 năm qua diễn xuất của Mai Thu Huyền và Bình An.

Tựu trung, cả 3 nhân vật được biên kịch xây dựng trở thành những người góp phần nạn nhân hóa đời mình. Chuyện yêu đương bị gia đình ngăn cấm, chia đôi rẽ lứa không hiếm gặp từ đồng tính, dị tính đến các xu hướng tính dục khác; mà ở đó, sự phân biệt không chỉ có giới tính mà còn có thể là sắc tộc, tôn giáo, màu da, giàu nghèo…

Kịch cần bám sát thực tế để khán giả sẽ tìm thấy chính mình trong tác phẩm. Chi tiết mẹ Công Anh cho người bắt cóc Công Em để tra hỏi dễ gặp trong motif ngôn tình “tổng tài bá đạo” nhưng đặt bối cảnh xã hội Việt Nam lại rất buồn cười.

Quan trọng hơn, ý thức tranh đấu, phản kháng của họ còn yếu hơn cả vợ chồng A Phủ cách đây 70 năm. Cách kể cũ rỉ, ẩm ương và âm tính như vậy không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thậm chí, chuyện sinh ly tử biệt, nếu muốn, vẫn sẽ có cách kể nhẹ nhàng hơn mà vẫn có chiều sâu.

{keywords}
Sân khấu 5B cao tay trong xây dựng chi tiết ẩn dụ.

Điểm sáng trong diễn xuất và hình tượng

Bồ công anh trong gió cài cắm dày đặc thông điệp song cần có cách chuyển tải hợp lý, tự nhiên hơn. Hình tượng hoa bồ công anh xuất hiện xuyên suốt vở kịch với các thông điệp: “Không thể bó buộc hoa bồ công anh”; “Khi cánh hoa bồ công anh bay đi (thực tế là quả bế có mào lông – PV), nhụy hoa ở lại héo khô, tàn úa”… Trong tình huống cụ thể, chúng được các nhân vật trình bày trực tiếp lẫn gián tiếp khá sến sẩm, thiếu gãy gọn; việc nhấn mạnh nhiều lần cũng vô hình trung giảm đi hiệu quả của thông điệp.

Trong khi đó, khoảnh khắc nhân vật Sơn Quỳnh nhận ra đã đến lúc phải để hoa bồ công anh bay đi, cô mở toang những ô cửa – biểu tượng cho sự giải phóng, lại rất đắt. Càng kiệm lời, thông điệp càng cô đọng. 

Kịch Bồ công anh trong gió sáng ở diễn xuất, một tác phẩm mà từ vai chính đến phụ đều tròn vai. Bà bầu Mỹ Uyên xuất sắc như thường lệ; Hạnh Thúy và Tuyền Mập đều vượt yêu cầu vai bà mẹ thương con; Hoàng Ngọc Sơn tiến bộ khá rõ.

{keywords}
Hữu Tài, kép trẻ sáng giá mới toanh của sân khấu 5B.

Hữu Tài, diễn viên lần đầu cộng tác với sân khấu 5B, rất đáng khen ngợi. Á quân Gương mặt điện ảnh 2018 diễn còn non nhưng đã làm tốt vai Công Em. Từng cái nấc nghẹn, run rẩy của anh khiến khán giả khóc. Hữu Tài cần trau chuốt lại cử chỉ ở những phân cảnh quan trọng. Chẳng hạn như cùng cảnh khóc câm, Mỹ Uyên diễn như không diễn, từng cử chỉ nhỏ nhất đều vừa vặn, không thừa không thiếu.

Đáng lưu ý, đặt nhân vật Công Em vào cạnh Mai, Lan, Cúc là một ý đồ hay. Nhiều người vẫn nhầm lẫn người đồng tính (homosexual) với người hoán tính (transgender). Trong kịch, Công Em không hề có xu hướng giả gái, mặc đồ nữ hay đi đứng, nói năng như nữ giới. Công Em (đồng tính) và Mai, Lan, Cúc (hoán tính) đều có giới tính sinh học là nam nhưng phân biệt ở bản dạng giới (giới tính trong ý thức – PV). Công Em nghĩ mình là nam; còn trong tâm tưởng của Mai, Lan, Cúc, họ là những cô gái thực thụ.

Suốt vở kịch dài gần 3 tiếng, khán giả khóc ngày một nhiều khi càng về cuối vở. Điều đó cho thấy Bồ công anh trong gió thực sự thành công lấy nước mắt người xem. Dù vậy, để chuyển tải thông điệp cần thiết về cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam, tác phẩm cần một tư duy mới hơn.

Gia Bảo

Người đồng tính, chuyển giới xuất hiện trên sân khấu Tết

Người đồng tính, chuyển giới xuất hiện trên sân khấu Tết

 - Kịch Tết "Tía ơi con lấy chồng" gây chú ý với sự xuất hiện của các nhân vật đồng tính, chuyển giới.