LTS: Sáng 19-8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng". Vietnamnet xin gửi đến độc giả chân dung những cá nhân đã góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

{keywords}
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt từng nói bà giống hạt cát lang thang, hạt cát ấy đến đâu lại đem đến niềm vui nhỏ cho các mẹ. Và giờ, bà đã có niềm vui của riêng mình khi được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho những đóng góp của bà. Ảnh: Trần Thường

Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt hiền từ, ở tuổi 70, họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn dành nhiều sự đam mê cho công việc. Bà đang tận dụng khoảnh khắc thời gian quý giá của đời mình để đi dọc dải đất hình chữ S, tìm gặp nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng để thực hiện khát vọng cháy bỏng đó là vẽ tranh chân dung và gửi trao những nụ hôn nồng ấm trước khi họ “mây trắng về trời”.

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt cười hiền bảo những năm tháng qua bà đã có cơ hội gặp gỡ và vẽ chân dung hơn 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là một hành trình vô cùng trân quý mà cho tới bây giờ, mỗi lần chia sẻ động lực để có thể làm công việc ý nghĩa và khá kỳ công, gian truân này, hoạ sĩ Đăng Ái Việt không giấu động lực lớn khiến tận tâm và say mê theo đuổi dự án của mình là từ 3 chữ “Hồ Chí Minh”. 

9 năm qua, họa sĩ Đặng Ái Việt đi vẽ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều người gặng hỏi: Vì điều gì bà lại bỏ công sức ra đến vậy? và rất chân thành, bà bảo: “Người nghệ sĩ vẽ là đam mê. Nhưng với tôi vẽ còn hơn cả sự đam mê, đó là làm theo lời Bác dạy. Tôi luôn luôn ghi nhớ câu “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã là người nghệ sĩ, chiến sĩ việc sáng tác phải gắn liền và phục vụ nhân dân. Vẽ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài sự tri ân ra, tôi củng cố cho mình một niềm tin vào lời Bác dặn dạy: Dân tộc ta rất vẻ vang, nền nghệ thuật của chúng ta rất rộng mở''. 

Chính vì thế, hoạ sĩ Đặng Ái Việt cùng chiếc xe máy Chaly đi dọc dài theo cung đường của đất nước, vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng không đơn thuẩn chỉ là hình ảnh mà còn là tâm hồn của các mẹ, là những câu chuyện kể về những nỗi đau, chia ly, mất mát và trên hết là sự hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Nhớ lại hành trình đầy đam mê và tri ân ấy, hoạ sĩ Đặng Ái Việt kể: “Mỗi mẹ là một câu chuyện bi hùng. Có nhiều mẹ, tôi vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt vẫn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về.

Gặp tôi, các mẹ mừng lắm, đơn giản vì có người trò chuyện. Nhưng chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ, tôi lên đường, các mẹ lại buồn. Mẹ nào cũng dặn tôi nhớ quay lại thăm mẹ, tôi sợ nhất câu này vì không ghé lại được. Các mẹ chính là tình yêu của tôi, có ai đi gặp… tình yêu mà thấy vất vả bao giờ? Tôi xem đây là công việc của trái tim. Được gặp, trò chuyện, nắm tay, ôm hôn các mẹ là niềm hạnh phúc”. 

{keywords}
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ, hành trình của bà sẽ còn dài và bà đang chạy đua với hành trình ấy. Ảnh: Thúy Tình

Với người hoạ sĩ già thú nhận hành trình bà theo đuổi đôi khi thấy nghiệt ngã với thời gian bởi đôi khi chỉ trong tích tắc thôi, có thể, bà không còn có cơ hội vẽ các bà mẹ Việt Nam anh hùng nữa. “Được gặp các mẹ, dù đèo cao, núi sâu, đường xá xa xôi tôi cũng không thấy có gì vất vả, tất cả chỉ còn là niềm hạnh phúc! Chỉ có các mẹ bỏ tôi, còn tôi không muốn bỏ bất cứ mẹ nào trên đất nước Việt Nam”, hoạ sĩ Ái Việt rưng rưng chia sẻ.

“Những ngày này ở Hà Nội với tôi thật đặc biệt. Giữa thủ đô yêu dấu, hôm kia thôi, tôi đã vẽ chân dung một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Thạch Thất. Bạn biết không đó là bà mẹ thứ 2970 tôi đã vẽ”, hoạ sĩ Đặng Ái Việt hào hứng kể.

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt cho biết chủ đề xuyên suốt chuyến hành trình của mình là hành trình nét thời gian. Theo đó, bà đang ghi lại từng nét thời gian trên gương mặt các mẹ, các nếp gấp đó có thể nói là không một tác phẩm nghệ thuật nào tả hết được vì đó là tác phẩm của tạo hóa. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ những hằn sâu của ký ức đôi khi không bình thường mà là sự đau thương, mất mát, là nỗi niềm bi hùng gấp vào trong từng nếp nhăn ẩn sâu trên gương mặt của các mẹ.

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt vẫn đang mải miết đi tìm những nếp gấp trên gương mặt các bà mẹ Việt Nam anh hùng để rồi lưu nó lại trong từng tác phẩm ký học của mình.

Tình Lê

6 hoạ sĩ chung tay mở triển lãm 'Cá nhân'

6 hoạ sĩ chung tay mở triển lãm 'Cá nhân'

6 hoạ sĩ bao gồm: Vũ Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Hoàng, Vũ Lâm, Phan Tuấn Ngọc, Nguyễn Thanh, Phạm Tuấn Tú chung tay mở triển lãm mang tên "Cá nhân".