Tối 26/5, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở diễn Điều còn lại (tác giả kịch bản Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Kiều Minh Hiếu).

Câu chuyện kịch kể về thời hậu chiến ở một miền quê nông thôn. Thuyến – một cô gái mới 18 tuổi, lấy chồng được mấy hôm thì Bân – chồng cô vào bộ đội. Hương vị ái ân, mùi mồ hôi của chồng thấm vào người cô khiến cô không thể dứt ra được.

Cô và Bường – một người bộ đội đi qua làng đã nảy sinh tình cảm với nhau. Hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn - mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu, vì một lý do: muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này.

{keywords}
Điều còn lại - vở kịch vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt khán giả ca ngợi tình thương, sự bao dung và lòng vị tha.

Mấy năm sau, Bân – chồng Thuyến trở về. Mọi việc vỡ lở và Bân không chấp nhận được sự thật đó. Câu chuyện của gia đình nhà Thuyến – Bân bắt đầu từ đây.

Người mẹ, người vợ mong ngóng suốt 15 năm trời con trai trở về, và dù không thể - thì một giấy báo tử thôi cũng được, để họ lập bàn thờ. Nhưng rồi khi con trai trở về, bi kịch của những người quá tốt – chỉ nghĩ tới cảm xúc của người khác bắt đầu, để một người mẹ đứt ruột sinh ra con phải nói câu: “Giá như con đừng trở về”.

Vở kịch vừa đẹp, vừa nhân văn. Làng Bòng có nghề làm cốm, chính vì thế sân khấu với ánh vàng, cùng những đon lúa óng ả, xanh non được tranh trí đẹp như một bức tranh. Chiếc chày  và cối được dựng trên sân khấu, nó vừa tả thực tại công việc hàng ngày của người dân làng Bòng, nó vừa để đạo diễn ẩn dụ nỗi đau của những người phụ nữ - cứ vò võ chờ chồng đi chiến trận trở về. 

{keywords}
Nghệ sĩ Phương Nga đã diễn quá tốt vai người mẹ.

Xuyên suốt vở diễn là hình ảnh người mẹ vị tha, tình thương của bà bao la, không chỉ dành cho con trai mình, mà cả cô con dâu – dù trong phút giây không kìm chế được nhục dục, ‘ăn nằm’ với người khác để sinh ra một đứa bé.

Rất nhiều khán giả đã phải nức nở, nước mắt lưng tròng khi xem vở diễn. Nó quá đẹp, quá thơ và quá tình. Nghệ sĩ Phương Nga – vai bà mẹ diễn quá tốt. Với những ai yêu mến kịch, thì với những vai bi như vậy, Phương Nga là lựa chọn đầu tiên của các đạo diễn. 

Theo đạo diễn Kiều Minh Hiếu: "Đây là bi kịch của những người tốt. Trên cơ sở kịch bản này tôi quyết định dàn dựng vở diễn với ý tưởng không lên án chiến tranh mà đi sâu vào khai thác về con người, về cách ứng xử giữa con người với con người trước những mất mát do chiến tranh gây ra". 

Rất nhiều kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và vở nào cũng thấm đẫm tính nhân văn. Ông khai thác đời sống tâm lý của các nhân vật, cách ứng xử, đối diện với nỗi đau mất mát. Đừng nên khoét sâu vào vết thương để nó không bao giờ lành, mà chia sẻ cảm thông, lấy tình yêu thương để xoa dịu nỗi đau... đó là thông điệp của vở diễn.

Đây là  vở diễn đầu tiên được đạo diễn Kiều Minh Hiếu đạo diễn chính. Nếu dưới con mắt nhìn khắt khe của người trong nghề, có thể có đôi chỗ cần góp ý để vở diễn đẹp hơn nữa. Nhưng dưới con mắt của khán giả, bỏ qua những học thuật về dàn dựng sân khấu, vở diễn đã chạm tới trái tim của họ, khiến khi ánh đèn khán phòng sáng lên, ai cũng lấy tay lau vội khoé mắt, ai cũng gật gù nhắc nhớ mình sống tốt hơn ngày hôm qua - như thế, vở kịch đã quá thành công.

Tình Lê

Xuân Bắc công bố 2 vở diễn mới của Nhà hát Kịch Việt Nam

Xuân Bắc công bố 2 vở diễn mới của Nhà hát Kịch Việt Nam

Khởi động năm 2019, NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thông báo về 2 vở diễn chất lượng: “Còn mãi với thời gian”và “Sự trở lại của Chằn Tinh”.