Nhiều nghệ sĩ nói như vậy về những sự kiện xôn xao dư luận trong thế giới showbiz gần đây, như một sự bụt rã (mục nát) chứ không phải do dàn dựng để lấy tiếng như scandal thường xảy ra trước đây.  

{keywords}

Vở Tô Ánh Nguyệt do Trấn Thành, Anh Đức và nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu diễn.

Bức xúc, phẫn nộ, không thể hiểu được... là những cảm xúc của công chúng và giới nghệ sĩ về vở Tô Ánh Nguyệt do Trấn Thành, Anh Đức và nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu diễn… Một đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất nói, đối với người nghệ sĩ, sân khấu là thánh đường, không ai có quyền làm vấy bẩn sân khấu, nhưng họ đã vừa làm vấy bẩn vừa “đốt” thánh đường sân khấu bằng “cơn động kinh” với vở Tô Ánh Nguyệt cải biên theo kiểu thô tục hóa.

Vâng đó là vở cải lương Tô Ánh Nguyệt cực kỳ thô tục về phần diễn. Mở đầu trích đoạn, Tô Ánh Nguyệt - Trấn Thành - nói: “Ai kêu tui đó. Mặt chó tôi đây”. Rồi Nguyệt - Trấn Thành - nói với cha của con mình: “Minh lùn, Nguyệt cao ăn ở tào lao mới đẻ ra nó bị khùng”. Hình ảnh đôi uyên ương thêu trên chiếc khăn kỷ niệm của Nguyệt và Minh bị biến tướng thành chuyện nói tục. Đứa con khi gặp lại xin Nguyệt cho bú, Nguyệt nói: “Chắc hư bình sữa”. Minh nói: “Cái thằng này, cái đó để cho ba bú”. Rồi hai cha con giành qua giành lại chuyện bú. Nói chuyện như hàng tôm hàng cá, du thủ du thực một hồi, Nguyệt vén quần đến bẹn sấn sổ đòi đánh nhau. Rồi Nguyệt hai tay bợ bầu ngực sàng tới sàng lui…

Khi giãi bày cùng báo chí, nghệ sĩ Ngọc Giàu đã nói: “Trong các chương trình hài ngay tại Việt Nam, nhiều em trẻ lấy cải lương ra diễn lại, pha hài vô tùm lum, có ai nói gì đâu”.

Còn Trấn Thành, vẫn theo phong cách riêng của mình, không thèm đưa ra một lời giải thích.

Ông Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch IDECAF cũng bức xúc về vụ việc: “Đây là một việc làm vô cùng phản giáo dục. Một tác phẩm nghệ thuật trước hết là phải đẹp, đẹp từ ngôn từ đến sân khấu, phục trang, diễn xuất. Từ đó mang lại giá trị giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ. Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt này quá dung tục, bậy bạ về mặt thẩm mỹ và ngôn từ. Nó cũng làm sai lệch bản sắc dân tộc có ở loại hình nghệ thuật cải lương, làm khán giả trẻ hiểu sai nghệ thuật cải lương, tiếp nhận sai các giá trị ở cải lương kinh điển”. “Cơn động kinh” làm biến dạng, bóp méo những tác phẩm kinh điển về cải lương, kịch… không phải là hiếm nếu không nói là chiêu trò quen thuộc hiện nay để chọc cười rẻ tiền, đúng như ông Huỳnh Anh Tuấn nói - nó làm sai lệch giá trị chuẩn mực của các loại hình nghệ thuật truyền thống, làm cho khán giả, nhất là khán giả trẻ, cảm nhận sai về nhiều mặt, dẫn đến tác hại khôn lường về xã hội.

“Cơn động kinh” song song, cũng xuất phát từ giới sân khấu làm công chúng phẫn nộ thật sự vì nó liên quan đến đạo đức, các giá trị cộng đồng và pháp luật. Trong lúc dư luận đang bàng hoàng, kinh sợ về vụ Hồng Quang Minh (nghệ sĩ hài Minh Béo) nghi can ấu dâm bị bắt và xét xử tại Mỹ cũng như con số cực lớn về trẻ em bị xâm phạm tình dục tại Việt Nam thì nghệ sĩ Cát Phượng lại phát biểu, hãy tha thứ cho Minh Béo vì những việc Minh Béo làm là bình thường: “Trẻ em bên Mỹ và ngay cả trẻ em Việt Nam, ở tuổi 14-15-16 đã biết yêu và biết thế nào là tình dục rồi. Truyền thông mạng, phim ảnh làm các em nó lớn nhanh. Nếu là trẻ dưới 10 tuổi thì hãy cho là sợ hãi, lệch lạc này nọ...?!.

Hơn nữa, bạn trai mà Minh Béo sờ soạng cũng là thành viên ban nhạc bên Mỹ. Đồng nghĩa bạn ấy đã lớn về nhận thức. Tôi nghĩ Minh Béo bị gài! Khổ nỗi bạn đó chưa đủ 18 tuổi nên Minh Béo bị bắt!”. 

{keywords}
Ý kiến gây bão của nghệ sĩ Cát Phượng trên mạng xã hội

Tôi vừa mới đọc trang cá nhân của một nhà văn trẻ với 7 đầu sách xuất bản liên tục, số phát hành rất cao, được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Chỉ một dòng trạng thái ngắn mà có đến gần 20 tiếng chửi tục, rất tục.

Đừng tưởng nó vô hại, với ảnh hưởng và sự nổi tiếng của nhà văn trẻ này, đã có đến trên 30.000 lượt bấm nút like (thích) và trên vài ngàn lượt chia sẻ… Không hiểu, những người trên, mà trang cá nhân cho thấy hầu hết là học sinh, sẽ học tập được gì qua những tiếng chửi tục đó của người nổi tiếng.

Tác hại của phong cách diễn vừa duyên dáng vừa cực kỳ thô tục của nghệ sĩ Trấn Thành trong clip Tô Ánh Nguyệt chắc còn ảnh hưởng đến công chúng mạnh hơn nữa với độ nổi tiếng của người nghệ sĩ này.

Công chúng và các bậc phụ huynh hết sức lo ngại những “cơn động kinh” văn hóa vì chưa thấy dấu hiệu ngăn chặn kịp thời từ cơ quan chức năng.

Hiện tượng “cơn động kinh” về văn hóa ở VN, nhiều nước đã trải qua và trả giá cay đắng cho việc lớp trẻ bị nô dịch, băng hoại về cảm thụ, quan niệm sống… kéo theo lối sống hưởng thụ, lệch lạc về nhiều mặt nên đã mạnh tay cắt bỏ những chương trình truyền hình ăn khách, tạm ngưng biểu diễn với những nghệ sĩ sai phạm trong biểu diễn và có lối sống ảnh hưởng xấu đến giới trẻ như là một chương trình hành động cấp chính phủ để chấn hưng văn hóa. 

{keywords}

Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt được công chúng mến mộ.

Việt Nam cũng đã đến lúc chấn hưng văn hóa với việc lành mạnh hóa nghệ thuật biểu diễn và giới nghệ sĩ.

Xem clip trích đoạn Tô Ánh Nguyệt do Trấn Thành, Anh Đức và nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu diễn, tôi thấy họ đã quên vai trò xã hội của mình, tôi chợt nhớ lại câu nói của nghệ sĩ Thanh Bùi khi anh từ chối tham gia làm giám khảo một số cuộc thi tìm kiếm tài năng mà thật ra là tuyên ngôn của anh với chính bản thân mình và kỳ vọng đối với nghệ sĩ Việt: “Người nghệ sĩ thực thụ phải định hướng được giá trị cốt lõi của bản thân để từ đó hiểu được mình là ai và truyền những cảm hứng tích cực đến với cộng đồng”. Xin chuyển câu nói này đến Trấn Thành, Anh Đức, nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu và các anh chị nghệ sĩ.

Theo Lao Động