Nghệ thuật lao đao

Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra thông báo hủy 38 sô diễn đã ký kết vì dịch Covid-19 bao gồm ở Đà Nẵng (7 buổi diễn), Thanh Hóa (6 buổi), Hạ Long (6 buổi), Quảng Bình (3 buổi), Nghệ An (5 buổi) và Hà Nội (11 buổi).

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, chỉ tính riêng số tiền in tờ rơi và quảng bá các chương trình cho các sô biểu diễn nói trên, Liên đoàn đã thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

{keywords}
Cảnh trong vở Bệnh sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam. 

Sau mọi nỗ lực quảng bá, kích cầu, thực hiện đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của ngành y tế để có thể hoạt động, nhưng nhà sản xuất các chương trình kịch xiếc nổi tiếng À Ố show, Làng tôi và Teh Dar cũng đã quyết định ngưng biểu diễn tất cả vở diễn của mình ở Hà Nội, Hội An và TP.HCM.

Mọi năm, cứ tháng 8 là Nhà hát Tuổi trẻ lại tổ chức chuỗi biểu diễn kịch Lưu Quang Vũ. Năm nay đã lên kế hoạch, các diễn viên đã tập xong các vở, vé đã bán,... cuối cùng cũng tạm dừng tới tận 17/9 nếu tình hình dịch bệnh ổn sẽ tiếp tục.

Nhiều nghệ sĩ kêu trời vì đã quá nhớ sân khấu. Lãnh đạo các nhà hát loay hoay, xoay sở đảm bảo đời sống tối thiểu cho anh em nghệ sĩ.

Nhà hát online liệu có khả thi?

Cách đây hơn 3 tháng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đã có cuộc họp với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc triển khai xây dựng Nhà hát Online.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận xét các nhà hát chưa có sự quan tâm đúng mực đến vấn đề quảng bá sản phẩm nghệ thuật trên truyền hình, bởi vậy nếu đơn vị quản lý nhà nước, cụ thể là Cục NTBD có một kênh riêng để quản lý, giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến công chúng thì đó là một việc làm cần thiết và hữu ích trong thời đại công nghệ số như hiện nay. 

{keywords}
Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trong đầm lầy của Nhà hát Tuổi trẻ. 

Ngay sau đó, Cục NTBD xây dựng kế hoạch trình lãnh đạo Bộ VHTT&DL xem xét bao gồm: phối hợp làm việc các kênh truyền thông; tìm các nguồn hỗ trợ xã hội; lựa chọn những địa điểm thu phát; xây dựng phương án thuê đơn vị hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng dự kiến phát sóng…Tuy nhiên, khi đợt 1 dịch Covid-19 tại Việt Nam lắng xuống, Bộ VHTT&DL lại có sự thay đổi.

Bộ VHTTD&DL chuyển hướng kích cầu, kéo khán giả tới rạp bằng cách hỗ trợ 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ địa điểm biểu diễn - Nhà hát Lớn. Từ đầu tháng 6, các nhà hát tưng bừng ra vở cụ thể Nhà hát Kịch Việt Nam diễn mở màn vở kịch Bệnh sĩ gây tiếng vang lớn, tiếp theo là các nhà hát khác và... kế hoạch về 'Nhà hát online' không được đả động đến.

Theo Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương dù đã trình kế hoạch nhưng thay đổi nên cho tới nay vẫn chưa có kế hoạch mới và cụ thể nào về Nhà hát online cả.

“Chưa có kế hoạch cụ thể, chưa triển khai thì chưa thể nói mắc ở chỗ nào”, ông Trần Hướng Dương nói. 

NSƯT Xuân Bắc - Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ khi Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu ý tưởng cá nhân anh đã rất ủng hộ. Anh còn xung phong sẽ hỗ trợ nhân lực và bàn kế hoạch triển khai Nhà hát online một cách bài bài.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, khi hỏi về việc này, NSƯT Xuân Bắc cũng chia sẻ thật: "Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể, chưa thành hình hài gì cả. Với lại hiện tại quá nhiều việc các đơn vị nhà hát phải lo nên chưa nghĩ gì tới việc giới thiệu tác phẩm của mình ở Nhà hát online cả".

Trong khi đó, đại diện quản lý một nhà hát khác cũng chia sẻ: "Sân khấu là phải có khán giả. Một buổi biểu diễn ít khán giả, diễn viên trên sân khấu diễn hoàn toàn khác với một buổi mà các tràng pháo tay hay những giọt nước mắt của khán giả lăn dài. Khác lắm! 'Nhà hát online' có thể giới thiệu với khán giả cả nước vở kịch của nhà hát nhưng rồi sao thu hút được thói quen tới rạp xem kịch của khán giả được. Với lại, để xem online, có vô số thứ để khán giả chọn lựa chứ xem gì kịch. Đã gọi là sân khấu kịch là phải xem trực tiếp".

NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết, chủ trương xây dựng 'Nhà hát online' xuất phát từ thực tế dịch bệnh khiến các nghệ sĩ phải tạm xa sân khấu. Dừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ vẫn đau đáu với nghề, lo nghề mai một.

Nhưng nhìn thoáng ra, NSƯT Hoàng Xuân Bình đặt dấu hỏi rằng, thời buổi 4.0 công nghệ thông tin, chúng ta có giáo dục trực tuyến, ngành y trực tuyến mà nghệ thuật lại không trực tuyến được sao?

“Nghệ thuật là tương tác nghệ sĩ với biên đạo, nhạc sĩ, ca sĩ và cần khán giả. Bây giờ khán giả không đến nhà hát trực tiếp được thì họ có thể xem trực tuyến. Tôi cho rằng đây là điểm phù hợp với thực tế để triển khai Nhà hát online” - NSƯT Hoàng Xuân Bình cho biết.

Tình Lê     

Bài 2: 'Nhà hát online' trên thế giới có gì đặc biệt? 

Cú hích lớn cho sân khấu sáng đèn

Cú hích lớn cho sân khấu sáng đèn

12 Nhà hát sẽ đồng loạt biểu diễn bắt đầu từ 23/5 để kéo khán giả trở lại với sân khấu sau thời gian giãn cách vì Covid-19.