- Bà hoàng sân khấu Thanh Nga hát với nghệ sĩ Thanh Sang là ăn ý nhất. Dĩ nhiên, Thành Được hát với bà cũng rất ‘mùi’ nhưng người cùng ông bước lên đỉnh cao sự nghiệp, không phải ai khác ngoài ‘Sầu nữ’ Út Bạch Lan.

Huyền thoại ‘Tiếng trống Mê Linh’

Hồi chung kết Gương mặt thân quen năm 2014, Hoài Lâm nhờ hoá thân thành cặp nghệ sĩ gạo cội Thanh Nga – Thanh Sang hát tuồng Tiếng trống Mê Linh mà gây được tiếng vang, đồng thời thắng chung cuộc. Trong số nghệ sĩ và khán giả đang xem lúc đó, người xúc động nhất là NSND Ngọc Giàu. Bởi lẽ, Ngọc Giàu – một mảnh ghép của nền cải lương thời vàng son. Bà hiểu hơn ai hết từng giai đoạn biến động thăng trầm của bộ môn, cảm nhận sâu sắc hơn ai hết về người đồng nghiệp, người chị quá cố Thanh Nga cùng những vai diễn sống cùng năm tháng.

{keywords}

{keywords}
Vẻ đẹp ‘vạn người mê’ của cố nghệ sĩ Thanh Nga một thuở.

Câu “Hồng nhan bạc mệnh” như dành riêng cho cuộc đời của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ năng khiếu thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu cùng vẻ đẹp yêu kiều nức tiếng. Thanh sắc vẹn toàn lại là ái nữ của bà bầu Thơ , trưởng đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, không khó lý giải vì sao Thanh Nga sớm trở thành ngôi sao sân khấu ‘vạn người mê’ ở Sài Gòn lúc ấy.

Dù Thanh Nga và nghệ sĩ Thành Được là một cặp rất nổi tiếng trên sân khấu lẫn ngoài đời song người ca với bà mùi nhất, diễn ăn ý nhất và đóng chung nhiều vở để đời nhất lại là nghệ sĩ Thanh Sang. So với Thanh Sang, dường như Thành Được chỉ xứng với Thanh Nga hơn về sắc vóc vì ông thời trẻ rất điển trai, đi cạnh Thanh Nga trông rất đẹp đôi.

Song, nếu chỉ nhờ vẻ đẹp kiều diễm thì chưa chắc Thanh Nga đã được mệnh danh là ‘Nữ hoàng sân khấu’. Mẹ bà là bầu Thơ, trưởng đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, đã phát hiện tài năng của con gái nên chăm chút vun quén nghề cho con từ nhỏ. Thanh Nga ca rất riêng, hát theo cách của mình rất độc đáo, không chạy theo cũng không bắt chước ai bao giờ. Theo thời gian, bà càng ‘già’ nghề hơn song giọng hát, làn hơi trước thế nào thì sau thế nấy.

{keywords}
Nghệ sĩ Thanh Sang trong vai Trần Minh, Bên cầu dệt lụa.

Thanh Nga là người đa cảm nên vai nào bà diễn cũng rất nhập tâm, như chuyên chở cả hồn cốt, tâm tư của nhân vật vào bản thân mình. Chưa kể, từ đôi mắt biết nói, nụ cười đẹp đến khuôn mặt khả ái giúp bà hoá thân sống động hơn, hút hồn khán giả hơn. Còn Thanh Sang nổi tiếng với lối diễn duyên dáng. Cả hai rất hiểu nhau, chỉ cần thấy ánh mắt người này là người kia biết mình phải làm gì, ăn ý đến từng chi tiết nhỏ nên tập tuồng thường rất nhanh. Khi hát cũng vậy, chỉ cần nghe người này nhấn chữ thế nào là người kia biết mình phải cất giọng ra sao.

Sự ăn ý, đồng điệu như vậy không phải đào – kép nào cũng có được. Vì đó chính là mối liên kết sâu xa mà người ta vẫn thường gọi là ‘một cặp Trời sinh’. Thanh Sang cũng từng đi hát cho nhiều đoàn nhưng phải đến khi về hát chung với Thanh Nga thì tên tuổi bỗng dưng chói sáng. Hai người đóng chung không ít vở song vì công nghệ thu phát thời bấy giờ chưa phát triển nên tiếng vang chỉ chủ yếu trong phạm vi Sài Gòn. Mãi sau này, khi hai vở Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh được phát sóng rộng rãi trên truyền hình thì lập tức tạo thành làn sóng hâm mộ trên khắp cả nước.

{keywords}
Huyền thoại ‘Tiếng trống Mê Linh’ không phai mờ theo thời gian.

Và từ đó, hai vở này cũng đóng đinh tên tuổi của cặp Thanh Sang – Thanh Nga. Về sau dù có được dựng lại bao nhiêu lần thì người xem vẫn cảm thấy không vượt qua nổi cặp đôi vàng ngày trước.

Tiếc thay, đồng hành không được bao lâu thì năm 1978, Thanh Nga bị cướp bắn chết trước nhà riêng. Sự kiện đã làm rung chuyển dư luận suốt một thời gian dài. Thanh Sang không còn cơ hội cùng bà xây đắp sự nghiệp hát đôi hay tạo ra những vai diễn để đời nữa.

Sau ngày Thanh Nga mất, có ký giả kịch trường hỏi thẳng Thanh Sang liệu có đi hát tiếp không. Tất nhiên các đoàn thì vẫn mời ông liên tục, hát với toàn đào ‘xịn’ như Bạch Tuyết, Phượng Liên, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… nhưng chính ông thừa nhận chỉ có thể cố gắng làm tròn vai chứ không được ăn ý hoàn toàn như với Thanh Nga.

{keywords}
Thanh Sang bên mộ người xưa.

Về sau, có Mỹ Châu về sắc vóc lẫn tài nghệ đều xứng đáng kế vị ‘Nữ hoàng sân khấu’. Bà cũng được cho là hát với Thanh Sang hay nhất kể từ khi Thanh Nga qua đời. Song với Thanh Sang, không ai thay thế được Thanh Nga. Mỗi lần diễn lại vai Thi Sách, ông lại bồi hồi nhớ người bạn diễn tài hoa bạc mệnh của mình.

Từ sân khấu đến cuộc đời: một chữ ‘Sầu’

Trong vô vàn phụ nữ đi qua cuộc đời Thành Được, thì người cùng ông bước lên tột đỉnh nghệ thuật không phải cố nghệ sĩ Thanh Nga mà phải là ‘Sầu nữ’ Út Bạch Lan.

Từ nhỏ, Thành Được theo cậu ruột là trưởng đoàn Thanh Cần học hát và đi diễn tỉnh lẻ. Không chỉ điển trai, Thành Được còn có giọng ca hay thiên phú, diễn xuất chững chạc nên sớm được giao kép chánh, rất được lòng khán giả miền Tây. Sắc vóc và tài diễn của ông gói gọn trong hai chữ “Đẹp và Thật”. Mãi đến những năm sau 1957, Thành Được về đoàn Thuý Nga – Phước Trọng thủ vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn trong tuồng Khi hoa anh đào nở thì thành hiện tượng, tiếng tăm nổi như cồn, đêm nào khán giả cũng chật rạp.

{keywords}

{keywords}
Thành Được – Út Bạch Lan thời son trẻ.

Lúc này, trong giới đào cũng xuất hiện một cái ‘luồng gió mới’ mang tên Út Bạch Lan. Bà sinh ra trong cảnh nghèo khó nên đi lên hoàn toàn nhờ hát hay. Từ bản thu Mỹ Châu – Trọng Thuỷ đầu tiên phát trên đài Pháp Á, Út Bạch Lan nhanh chóng nổi tiếng. Bẩm sinh, giọng bà đã mùi mẫn, chan chứa; mỗi lần ca là bi thương đến nao lòng. Bà được cho là người xứng đáng nhất kế cận ‘cô Bảy’ Phùng Há.

Vào những năm của thập niên năm mươi, sự kết hợp của Thành Được và Út Bạch Lan qua loạt vở ăn khách: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp Thành Bát Đa… đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng, khiến khán giả say mê điên đảo. Hai người cùng nhau bước lên đỉnh cao trong nghề rồi tiến tới hôn nhân, trở thành đôi nghệ sĩ tài danh bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

{keywords}
Thành Được và Út Bạch Lan trong vở Nửa đời hương phấn.

Đầu năm 1962, cả hai về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga và tiếp tục tạo nên thương hiệu của đoàn với các tuồng: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Rồi 30 năm sau, Giấc mộng giữa hoàng lăng… Đặc biệt, Thành Được và Út Bạch Lan sáng chói hơn hết khi thủ vai hai nhân vật trung tâm của vở Nửa đời hương phấn.

Dường như mọi thứ, từ nửa mảnh đời ngang trái, thân phận đàn bà đến sự hi sinh cam chịu âm thầm của nhân vật Hương đã vận vào Út Bạch Lan. Tiếng hát mùi mẫn buồn nẫu ruột như thể ‘Đệ nhất đào thương’ đang hát cho chính cuộc đời mình. Bà vẫn âm thầm chịu đựng thói đào hoa của chồng cho đến khi mối quan hệ của cả hai đổ vỡ.

{keywords}
Thành Được tái ngộ vợ cũ trong một số lần bà sang Mỹ diễn.

{keywords}
Út Bạch Lan mất ngày 4/11/2016. Thành Được hiện nay vẫn định cư ở Mỹ.

Chia tay Thành Được, Út Bạch Lan ra đi, một thân nuôi bốn đứa con riêng của chồng. Bà hầu như không còn gì ngoài danh xưng ‘Sầu nữ’ giọng vàng sống mãi với thời gian.

Gia Bảo